Ngân sách và thuế: Chỉ tiêu cảm tính
Để giảm bớt những chỉ tiêu vu vơ trong đời sống xã hội, bản thân mỗi cấp, mỗi đơn vị ra kế hoạch hàng năm phải nắm rõ được điều kiện xã hội trong lĩnh vực của mình, không thể chỉ tiêu một nơi, thực tiễn một nẻo dai dẳng đeo bám đời sống xã hội của chúng ta.
Các ngành, các cấp, đơn vị trong hệ thống Nhà nước lâu nay có thói quen phân bổ chỉ tiêu kế hoạch đầu năm theo lối cảm tính, không dựa trên cơ sở khoa học mà chủ yếu ước đoán năm sau cao hơn năm trước. Đơn cử như ngành thuế, dù điều kiện kinh tế được dự báo là khó khăn hay thuận lợi, song chỉ tiêu thu thuế năm sau luôn cao hơn năm trước.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh trong buổi gặp mặt Tết Quý Tỵ vừa qua cho biết, kết thúc năm 2012 đơn vị này thu thuế xuất nhập khẩu nộp ngân sách Nhà nước đạt 68.081 tỷ đồng, tăng 81 tỷ đồng so với kế hoạch Tổng cục Hải quan phân bổ.
Bà Hương bộc bạch, để có con số “đẹp” như vậy, năm 2012, hải quan thành phố phải thực hiện đủ mọi cách; từ việc tăng cường chống thất thu thuế đến nhiều biện pháp đôn đốc mới có thể vượt chỉ tiêu. Dù rằng năm qua, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, DN phá sản hàng loạt.
Dự kiến kinh tế năm 2013 vẫn sẽ đối mặt với nhiều thách thức, sản xuất - kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn, thế nhưng Tổng cục Hải quan lại tiếp tục phân bổ chỉ tiêu cho ngành Hải quan TP. Hồ Chí Minh phải thu được 80.050 tỷ đồng tăng gần 12 nghìn tỷ đồng so với con số thực hiện 2012.
Một lãnh đạo cơ quan hải quan TP. Hồ Chí Minh, cho biết con số chỉ tiêu nhiều năm nay đã trở thành thông lệ, cấp trên “ấn” xuống, buộc cấp dưới thi nhau nghĩ ra cách này cách khác để thực hiện. Từ những chỉ tiêu duy ý chí của các nhà lãnh đạo, buộc cấp cơ sở phải chia chỉ tiêu cho các đơn vị dẫn đến chạy đua thành tích, ắt sẽ mắc phải những lỗi tiêu cực, hoặc ép DN để đạt được chỉ tiêu của ngành mình.
Bệnh chỉ tiêu kế hoạch đã lây lan sang cả lĩnh vực kinh doanh, điển hình như những DN niêm yết, đầu năm đưa ra kế hoạch rất lớn sau đến cuối năm lại xin giảm chỉ tiêu để làm đẹp báo cáo. Các nhà đầu tư trên thị trường tài chính không lạ các báo cáo đại hội cổ đông thường niên của các DN niêm yết vẽ ra nhiều loại dự án “nịnh” cổ đông về kế hoạch kinh doanh để nâng giá cổ phiếu.
Ý chí chủ quan là cặp song sinh với duy ý chí! Nếu chỉ tiêu chỉ làm đẹp báo cáo nhằm che đậy những sự thực không thể công bố sẽ ảnh hưởng rất lớn đến điều hành và uy tín của một tổ chức, đơn vị, cá nhân cố tình đặt ra những chỉ tiêu vu vơ.
Chỉ tiêu kế hoạch phải được xây dựng trên cơ sở khoa học hoặc căn cứ vào việc dự báo chính xác diễn biến kinh tế trong, ngoài nước; của ngành, lĩnh vực mình thì tính khả thi mới cao và không làm khó cho các cấp thực hiện. Nếu chỉ tiêu vu vơ sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường, tự thân nó sẽ làm méo mó thị trường và khiến người thực hiện có tâm lý đối phó, qua loa, không trung thực…
Để giảm bớt những chỉ tiêu vu vơ trong đời sống xã hội, bản thân mỗi cấp, mỗi đơn vị ra kế hoạch hàng năm phải nắm rõ được điều kiện xã hội trong lĩnh vực của mình, không thể chỉ tiêu một nơi, thực tiễn một nẻo dai dẳng đeo bám đời sống xã hội của chúng ta.
Nguyễn Phương
thời báo ngân hàng
|