Chính sách Tài chính 2012: Hòa chung nhịp đập của nền kinh tế
Những cung bậc thăng trầm của nền kinh tế năm qua đã khiến việc thực hiện thu ngân sách - một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Tài chính thêm phần khó khăn. Tuy nhiên, hòa chung nhịp đập của nền kinh tế, các chính sách tài chính - ngân sách đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.
Dồn sức thu ngân sách
Một năm đầy khó khăn đối với nền kinh tế thế giới và Việt Nam đã qua. Đối với riêng ngành Tài chính, đây là một năm nhiều vất vả. Bởi nếu nhìn xuyên suốt cả quá trình thực hiện thu ngân sách những năm gần đây, ngành Tài chính luôn hoàn thành đạt và vượt mức từ 5- 8% thì năm 2012 quả là rất khác thường.
Cho đến thời điểm 6 tháng đầu năm, thu NSNN mới đạt 46,7% dự toán, giảm 1,7% so cùng kỳ năm trước, trong đó số thu nội địa và thu thuế XNK đều giảm. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm Quốc hội, Chính phủ bày tỏ quan điểm kiên định thực hiện các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Tại kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XIII cuối tháng 5-2012, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Quốc hội đang giao cho Chính phủ nhiệm vụ rất khó, vừa kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa tăng trưởng hợp lý, nhờ tăng trưởng hợp lý đó trong điều kiện chuyển một bước về tái cơ cấu để tạo ra nguồn lực, ngân sách, tạo công ăn việc làm, từ đó giải quyết đời sống an sinh xã hội của người dân.
Như vậy, đường hướng đã rõ. Đối với Bộ Tài chính, trong bất kể hoàn cảnh nào cũng phải hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách để đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhu cầu chi theo dự toán.
Lãnh đạo Bộ đã thống nhất nhận định, chỉ đạo quyết liệt và được sự đồng lòng của toàn Ngành nhằm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ đề ra. Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã trực tiếp điều hành nhiều cuộc họp với lãnh đạo các vụ, cục, các tổng cục và tới nhiều địa phương để nắm tình hình và trực tiếp tháo gỡ khó khăn với một quyết tâm cao nhất là hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Chính phủ giao phó.
Để hoàn thành dự toán thu ngân sách, ngành Tài chính đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp. Toàn Ngành đã tập trung thực hiện rà soát, điều chỉnh chính sách thu, tháo gỡ khó khăn cho DN, từ đó tạo thêm nguồn thu cho ngân sách. Ngành Thuế và Hải quan tăng cường chỉ đạo quản lý thu; đôn đốc thu nộp ngân sách, chống thất thu và xử lý nợ đọng, đặc biệt đối với các khoản thu lớn, địa bàn thu quan trọng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát...
Bên cạnh đó, ngành Tài chính tiếp tục hoàn thiện cơ chế tài chính ngân sách với mục tiêu động viên được các nguồn lực, đồng thời bổ sung sửa đổi hệ thống thuế theo hướng giảm tỷ lệ động viên để nuôi dưỡng, khuyến khích nguồn thu, mở rộng sản xuất. Tăng đầu tư nguồn vốn cho tam nông; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa Ngành, nhằm giảm thời gian thực hiện thủ tục thuế, kết hợp với các biện pháp liên quan để tạo thuận lợi cho hoạt động XNK…
Và cứ thế, như một phản ứng dây chuyền tích cực, toàn Ngành căng sức cho thực hiện nhiệm vụ đến những ngày cuối cùng của năm. Bù đắp cho những nỗ lực đó là kết quả, ngành Tài chính đã hoàn thành nhiệm vụ của mình mà trước đó tưởng như không thể thực hiện nổi.
“Khéo co thì ấm”
Nếu ví ngân sách như một tấm chăn hẹp thì kéo chỗ này sẽ hụt chỗ kia. Trong điều kiện các nguồn thu ổn định để đảm bảo cho các nhiệm vụ chi cần thiết thì việc giãn, giảm, miễn thuế được thực hiện thường xuyên trong mấy năm gần đây cũng khiến “tấm chăn ngân sách” ngày càng hẹp hơn. Nói như vậy để thấy, năm 2012 việc điều hành ngân sách trở nên vô cùng khó khăn khi nguồn thu sụt giảm.
Mặc dù chịu nhiều áp lực trong quản lý thu ngân sách, nhưng trong năm qua, ngành Tài chính đã chủ động đề xuất Chính phủ và Quốc hội tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của DN thông qua nhiều biện pháp giãn, giảm, miễn thuế để “cứu” thị trường. Có thể hiểu đó là các giải pháp ngắn hạn, mang tính tình thế trước mắt.
Còn trong lộ trình dài hơi, năm qua phải ghi nhận những nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc sửa đổi một số luật thuế có tác động trực tiếp đến người dân và DN như Luật thuế Thu nhập cá nhân, Luật Quản lý thuế và sắp tới sẽ sửa Luật thuế Thu nhập DN, thuế GTGT... theo hướng giảm tỷ lệ động viên để khuyến khích nguồn thu, tạo điều kiện cho sản xuất - kinh doanh.
Có một chi tiết đáng lưu ý trong quá trình sửa luật đó là, ngành Tài chính nhận được rất nhiều ý kiến chia sẻ từ phía các đại biểu Quốc hội và Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều đại biểu lo lắng nếu điều chỉnh chính sách không khéo sẽ gây hụt thu cho ngân sách, bởi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội và an ninh quốc phòng...
Trong nỗ lực tạo điều kiện cho DN đứng vững trước “sóng gió” của thị trường, sẽ là khiếm khuyết nếu như không nhắc đến công cuộc cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa của ngành Tài chính.
Ngay từ giữa tháng 5, một gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng cho DN đã được chính các DN đánh giá là đã “đưa nước cứu đồng khô cháy”. Ngoài ra, nhiều hoạt động đối thoại giữa Bộ Tài chính và cộng đồng DN; giao lưu đối thoại “Lắng nghe người nộp thuế”… đã nhận được nhiều lời ngợi khen từ phía các DN.
Và có lẽ những nhận xét từ phía cộng đồng DN có thể xem là những đánh giá khách quan, công bằng nhất đối với nỗ lực của ngành Tài chính trong năm qua. Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), ông Preben Hjortlund đánh giá cao những nỗ lực của ngành Tài chính, đặc biệt ông cho rằng, ngành Tài chính đã lắng nghe và chia sẻ những khó khăn từ DN, đã sửa đổi, bổ sung các quy định, tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động và đầu tư vào Việt Nam…
Không ai khẳng định kinh tế Việt Nam trong năm 2013 sẽ tốt lên hay xấu đi. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, Việt Nam còn nhiều cơ hội vươn lên để tiếp tục khẳng định mình.
Đối với ngành Tài chính cũng vậy. Vẫn còn đó nhiều thách thức và cơ hội trong năm 2013!
Trần Thắng
Hải Quan
|