Kinh tế 2013 sẽ không nhiều đột biến
Triển vọng kinh tế của năm 2013 không có nhiều đột biến so với năm 2012. Tuy nhiên có thể có những dấu hiệu cải thiện vào nửa sau của năm, giúp tăng trưởng cả năm 2013 đạt cao hơn năm 2012 nhưng không đáng kể (khoảng 5,2 – 5,3%).
Đây là nhận định về triển vọng kinh tế 2013 của nhóm chuyên gia kinh tế thuộc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đưa ra trong cuộc hội thảo mới đây.
Kinh tế 2013 sẽ không có nhiều đột biến
Theo đó, kinh tế Việt Nam năm 2012 đã có dấu hiệu thoát khỏi tình trạng đình trệ trong nửa đầu năm nhưng sự phục hồi là chưa chắc chắn. Tăng trưởng kinh tế ở mức 5,03% của cả năm, thấp hơn so với mục tiêu là 5,5%.
Triển vọng kinh tế của năm 2013 không có nhiều đột biến so với năm 2012. Tuy nhiên có thể có những dấu hiệu cải thiện vào nửa sau của năm, giúp tăng trưởng cả năm 2013 đạt cao hơn năm 2012 nhưng không đáng kể (khoảng 5,2 – 5,3%).
Lạm phát trong năm 2013 phụ thuộc nhiều vào diễn biến khó dự báo của giá lương thực – thực phẩm, lạm phát lõi và ảnh hưởng trễ của chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm 2012. Lạm phát cao có thể trở lại vào năm 2013, khiến mục tiêu lạm phát dưới 6% của Chính phủ đặt ra vào cuối năm 2012 trở nên mong manh. Tăng giá điện vào cuối tháng 12 năm 2012 và sự điều chỉnh tiền lương tối thiểu vào giữa năm 2013 chắc chắn đóng góp vào mức tăng giá trong năm 2013. Cán cân thương mại trong năm tới có thể thâm hụt nhẹ trở lại khi có sự phục hồi nhất định trong sản xuất vào cuối năm.
Tỷ giá VND/USD được kỳ vọng sẽ tăng nhẹ và phụ thuộc vào sự chủ động của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Điều này cũng phụ thuộc vào khả năng tác động đến chính sách của khối doanh nghiệp xuất khẩu đang rất khó khăn vì giá trị cao của đồng Việt Nam.
Chính sách điều hành kinh tế vẫn sẽ phụ thuộc nhiều vào các biện pháp hành chính hơn là thị trường. Chính sách tiền tệ có thể sẽ tiếp tục được mở rộng một cách thận trọng để đạt được sự kích thích tăng trưởng kinh tế nhưng đồng thời đề phòng lạm phát cao quay trở lại. Tuy nhiên, vấn đề chính nằm ở khả năng giải quyết nợ xấu và lành mạnh hóa hệ thống tài chính. Điều này có thể được khởi động trong năm 2013 nhưng tốc độ thay đổi có thể còn chậm.
Ngân sách liên tục chịu áp lực thâm hụt trong cả năm 2013 do thất thu từ thuế và giảm các khoản phải thu khác từ năm 2012. Chính phủ sẽ tiếp tục trông cậy vào trái phiếu để tài trợ cho bội chi ngân sách.
Cải cách DNNN có thể sẽ được tiến hành triển khai vào năm 2013, song việc chưa có các quy chế kiểm tra giám sát cụ thể và thông tư hướng dẫn của các Bộ liên quan trong việc thực hiện Nghị định 99 của Chính phủ về phân công, phân cấp việc thực hiện, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với DNNN và vốn tại DNNN sẽ khiến cho việc cải cách khó mà thực sự diễn ra hữu hiệu ngay trong năm 2013.
Môi trường kinh doanh không được cải thiện nhiều trong vòng 2 – 3 năm gần đây đang đặt ra yêu cầu bức thiết phải được thay đổi theo hướng tích cực. Tuy vậy, rất khó kỳ vọng vào khả năng cải cách sâu rộng trên nhiều phương diện. Có thể chỉ có những thay đổi liên quan trực tiếp đến chính sách đối với các khoản đầu tư mới mà thôi.
Lạm phát năm 2013 khó đạt mục tiêu 6%
Về gợi ý chính sách năm 2013, nhóm chuyên gia của VEPR cho rằng các chính sách nên tập trung vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi đà tăng trưởng, phục hồi thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu…
Để đạt được mục tiêu lạm phát 6%, ngoài việc tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thận trọng, Chính phủ sẽ tiếp tục điều hành đồng bộ các chính sách khác như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, dịch vụ công… nhằm kiểm soát lạm phát vững chắc trong năm 2013. Vì thế, các biện pháp hành chính vẫn sẽ chiếm ưu thế so với các biện pháp mang tính thị trường
Tuy nhiên, nhiều khả năng Chính phủ sẽ khó đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 6%. Dự báo của VEPR cho rằng lạm phát năm 2013 sẽ cao hơn năm 2012 và hướng tới mức 10%. Với kỳ vọng lạm phát như vậy, cần thận trọng với nỗ lực hạ trần lãi suất huy động trong năm 2013.
Nỗ lực giảm lãi suất cho vay ra và tiếp tục cung ứng tín dụng ổn định (kể cả tín dụng trung dài hạn) sẽ giúp DN giảm chi phí, tăng xuất khẩu, đẩy mạnh bán hàng, giảm tồn kho, tạo thêm việc làm và khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh dài hạn.
Thực hiện phương án chủ động phá giá nhẹ đồng tiền Việt khoảng 3 – 4% trong cả năm, thông qua một số bước với biên độ 1 – 1,5%, để hỗ trợ xuất khẩu và tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp sản xuất trong nước trước hàng nhập khẩu.
Thực hiện các giải pháp giúp DN tái cơ cấu nợ để tiếp tục được cấp vốn nếu có dự án kinh doanh hiệu quả, đặc biệt là các hợp đồng tiêu thụ hoặc đơn hàng xuất khẩu. Tăng cường hoạt động của các quỹ bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ để giúp DN nhận vốn nếu ngân hàng yêu cầu có bảo lãnh.
Ngoài ra để phục hồi thị trường bất động sản, nên giữ lãi suất cho vay mua nhà trong khoảng 10 – 12%/năm, kỳ hạn 15 – 20 năm và có thể điều chỉnh theo lạm phát để tạo một động lực mạnh làm tăng lực cầu các căn hộ tại phân khúc bình dân.
Trong năm 2013, Chính phủ cũng cần đưa ra lộ trình giảm thủ tục, mệnh lệnh hành chính, thiết lập môi trường kinh doanh minh bạch hơn để nâng cao thứ hạng về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Dương An
vnmedia
|