Doanh nghiệp trong KCX-KCN than khó
Không còn được ưu đãi thuế khi mở rộng đầu tư, khai báo hải quan điện tử bị nghẽn mạch, tuyển dụng lao động kỹ sư khó khăn và phải đào tạo lại… là những trở ngại lớn đối với doanh nghiệp trong khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) khi mở rộng hoạt động kinh doanh.
Những khó khăn này được các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoạt động trong các KCX-KCN ở TPHCM nêu ra tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố hôm 21-2.
Băn khoăn câu chuyện ưu đãi thuế
Vấn đề được các doanh nghiệp tham gia buổi làm việc kiến nghị nhiều nhất là việc không còn được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần đầu tư mở rộng. Theo các doanh nghiệp, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới hiện nay, họ rất cân nhắc quyết định tiếp tục mở rộng đầu tư. Do đó, việc bỏ ưu đãi thuế về phần đầu tư mở rộng là điều không hợp lý. Nếu những ưu đãi này không còn thì doanh nghiệp cũng sẽ hoãn kế hoạch mở rộng việc đầu tư.
Ông Hồng Hán Thành, Tổng giám đốc Công ty TNHH Pepperl + Fuchs (Việt Nam), chuyên sản xuất thiết bị cảm ứng và truyền tín hiệu, cho biết công ty mình đang hoạt động tốt với 100 kỹ sư và 300 công nhân ở KCX Tân Thuận với vốn đầu tư khoảng 11 triệu đô la Mỹ. Pepperl + Fuchs đã có kế hoạch rót vốn thêm 30 triệu đô la nữa cho nhà máy thứ hai để tuyển thêm 500 lao động. Tuy nhiên, do không được hưởng ưu đãi thuế cho phần đầu tư thêm này nên có khả năng công ty sẽ không thực hiện.
Trường hợp này cũng xảy ra tương tự đối với Công ty Unilever Việt Nam. Theo đại diện của doanh nghiệp này, hiện Unilever đã đầu tư khoảng 200 triệu đô la vào KCN Tây Bắc Củ Chi. Tập đoàn đa quốc gia này có nhu cầu tiếp tục mở rộng nhà máy tại đây nhưng đang gặp khó khăn tương tự về vấn đề ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần đầu tư mới. Nếu không được ưu đãi về thuế, tính cạnh tranh của dự án mới sẽ thấp đi. Chưa kể hai dự án đầu tư cùng một địa điểm của cùng một công ty nhưng lại bị áp dụng hai mức thuế khác nhau.
Theo ông Nguyễn Tấn Định, Phó Ban quản lý các KCX-KCN TPHCM (Hepza), không riêng gì hai doanh nghiệp nói trên, nhiều nhà đầu tư khác cũng đang gặp những vướng mắc tương tự. Họ không còn được hưởng chính sách ưu đãi đối với phần đầu tư mở rộng, sau khi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 1-1-2009.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà nhận định những bức xúc của doanh nghiệp là hợp lý và ông đặt câu hỏi: “Vì sao chính sách chỉ ưu đãi đối với những nhà đầu tư mới, trong khi những doanh nghiệp đầu tư lâu năm, gắn bó lại không còn được hưởng ưu đãi?”.
Bà Trần Thị Lệ Nga, đại diện Cục Thuế TPHCM, cho biết trong thời gian qua bà đã ghi nhận nhiều phản ánh của doanh nghiệp FDI về những khó khăn khi ưu đãi thuế cho phần đầu tư mở rộng không còn. Tuy nhiên, bà Nga cho biết, những bức xúc đó sắp tới đây sẽ được giải quyết vì Nghị quyết 02 của Chính phủ có bổ sung ưu đãi thuế doanh nghiệp cho phần đầu tư mở rộng của doanh nghiệp trở lại. Quyết định này thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Bộ Tài chính sẽ đưa vào bản dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi để trình Quốc hội vào tháng 5 tới. Bà Nga cho rằng theo nghị quyết của Chính phủ thì những ưu đãi đầu tư mở rộng sẽ được áp dụng vào tháng 7-2013. Bản dự thảo của Bộ Tài chính cũng cho phép hồi tố đối với các dự án đầu tư mở rộng từ 1-1-2009.
Cũng liên quan đến vấn đề thuế, ông Jan Andersson, Tổng giám đốc của Công ty TNHH Nhôm định hình Sapa Bến Thành ở KCN Bình Chiểu, nói rằng do đặc thù doanh nghiệp của ông nên tỷ lệ phế phẩm rất cao. Công ty cần nấu lại những phế phẩm này nhưng ở Việt Nam lại không có cơ sở nấu lại nhôm. Do đó, Sapa Bến Thành buộc phải xuất khẩu phế phẩm nhôm này sang quốc gia khác nhưng bị đánh thuế đến 29%, trong khi đó, việc nhập khẩu phế phẩm nhôm này về Việt Nam thì thuế lại là 0%. Ông Jan Andersson bức xúc: "Vậy Việt Nam khuyến khích cho nhập phế phẩm?"
Ông Trần Bá Thông, Phó cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, giải thích việc áp thuế kể trên là do Việt Nam không khuyến khích xuất khẩu phế liệu, nguyên liệu thô. Tuy nhiên, ông Thông cho biết trong năm 2013, thuế xuất khẩu phế phẩm hiện chỉ áp dụng 22% thay vì 29%.
Nguồn nhân lực vẫn là trở ngại lớn
Bên cạnh thuế, thủ tục hải quan vẫn tiếp tục là một trở ngại lớn của các doanh nghiệp đang hoạt động trong KCX-KCN ở TPHCM. Theo các doanh nghiệp, việc ngành hải quan áp dụng thông quan điện tử đã giúp giảm khá nhiều lượng giấy tờ trình ký, nhưng việc khai báo thủ tục hải quan điện tử thường xuyên bị nghẽn mạng. Do đó, cơ quan hải quan cần tạo điều kiện về mặt thủ tục cho doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc xuất nhập khẩu.
Cũng liên quan đến thủ tục hải quan, ông Suzuki Masanori, Tổng giám đốc Công ty Juki Việt Nam cho biết có nhiều vấn đề phức tạp phát sinh trong việc khai báo hiện nay. Cụ thể, trước đây 1 tờ đăng ký có thể khai báo 10 mã hàng, nhưng bây giờ chỉ được khai báo 3 mã hàng. Điều này sẽ làm gia tăng lượng giấy tờ khai báo và cũng gây khó cho doanh nghiệp.
Một trở ngại lớn khác đối với các doanh nghiệp FDI đó là việc tuyển dụng lao động có tay nghề, cụ thể là lao động có trình độ kỹ thuật cao như kỹ sư. Khó khăn này cũng góp phần làm tăng thêm chi phí đầu tư của doanh nghiệp. Theo ông Hồng Hán Thành, Tổng giám đốc Công ty TNHH Pepperl + Fuchs (Việt Nam), để có được đội ngũ kỹ sư đang làm việc tại doanh nghiệp hiện nay là điều không dễ dàng. Mỗi năm công ty phải chi khoảng 200.000 đô la Mỹ để đào tạo lại hoặc đưa nhân viên đi học ở nước ngoài. Các doanh nghiệp kiến nghị lãnh đạo TPHCM quan tâm, hỗ trợ và chỉ đạo các đơn vị đào tạo nâng cao chất lượng đào tạo để nguồn nhân lực đầu ra có thể đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Cũng liên quan đến vấn đề nguồn lao động, ông Nguyễn Xuân Thủy, Công ty MTEX Việt Nam, cho rằng chi phí nhân công của các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam ngày càng cao làm cho doanh nghiệp thêm khó khăn. Ông Thủy dẫn chứng lương tối thiểu cho công nhân làm việc ở các công ty nước ngoài tăng cao hằng năm, ví dụ vào năm 2006 chỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng, giờ đây đã tăng lên trên 2,1 triệu đồng/tháng. Các khoản tiền bảo hiểm cho người lao động cũng tăng từ 17% lên 23%. Điều bức xúc nữa là phí công đoàn từ 1% giờ đây lên 2%; trong khi đó doanh nghiệp còn phải đóng phí này cho công đoàn cấp trên 35%...
Còn ông Sato Tomoru, Tổng giám đốc Công ty Renesas Việt Nam, phản ánh phí đường truyền Internet tốc độ cao ở Việt Nam quá đắt, không mang tính cạnh tranh, cụ thể là cao gấp 2-3 lần so với Nhật Bản.
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho biết thành phố tiếp thu những phản ánh của doanh nghiệp và chỉ đạo các sở ngành liên quan sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ông Quân yêu cầu doanh nghiệp FDI mạnh dạn hơn nữa trong việc phản ánh những trở ngại, vướng mắc trong quá trình kinh doanh, kể cả những nhũng nhiễu của các cơ quan chức năng để thành phố có thể giải quyết kịp thời, tạo một môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi.
Theo quy định tại Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22-9-2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư và Nghị định 24/2007/NĐ-CP ngày 14-2-2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, các dự án đầu tư mới và mở rộng trong KCX – KCN được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp được ban hành thì quy định nêu trên không còn hiệu lực. Do vậy, kể từ ngày 1-1-2009 các dự án đầu tư mới và mở rộng trong KCX - KCN sẽ không được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến thu hút đầu tư mới và đầu tư mở rộng vào KCX - KCN.
Quốc Hùng
TBKTSG Online
|