Các ngành công nghiệp cơ bản đang ở đâu?
Năm 2013 - năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 5 năm 2011-2015, cũng là năm Chính phủ xác định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tái cơ cấu nền kinh tế để phát triển bền vững. Tuy nhiên, nhìn vào các ngành công nghiệp cơ bản của Việt Nam, giật mình khi thấy rất nhiều lĩnh vực then chốt - hoặc chưa có chiến lược, định hướng rõ ràng, tầm nhìn chưa dài hạn, hoặc đã có chiến lược nhưng còn quá chung chung… trong khi chỉ còn 7 năm nữa, Việt Nam cơ bản phải trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại?
Nhìn lại một số ngành công nghiệp được coi là then chốt, cơ bản, được đặc biệt quan tâm và đã được xây dựng chiến lược, quy hoạch từ lâu, như: công nghiệp cơ khí - với Quyết định 186 về Chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí được ban hành năm 2002. Nhưng tổng kết 10 năm phát triển chiến lược này, nhiều chuyên gia cho rằng, việc đưa ra 8 nhóm ngành với hàng loạt các sản phẩm cơ khí trọng điểm trong điều kiện nguồn vốn eo hẹp là quá dàn trải. Chủ tịch Hiệp hội cơ khí Việt Nam Nguyễn Văn Thụ khẳng định, chiến lược không đạt mục tiêu đề ra còn do việc không đồng bộ trong cơ chế chính sách và trong việc thực hiện. Ngành cơ khí chưa thực hiện được các yêu cầu như đáp ứng 50 - 60% nhu cầu trong nước và xuất khẩu 30%, mà thực sự mới chỉ bảo đảm khoảng 20 - 30% mà thôi.
Một lĩnh vực được coi là phần cứng, nguyên liệu đầu vào của ngành công nghiệp cơ khí là nhóm ngành thép cũng đã được quy hoạch cho giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2015 có xét đến 2025, thế nhưng đến nay, quy hoạch này đã bị phá vỡ. Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam Phạm Chí Cường cho rằng, do định hướng chính sách phát triển thời gian qua thiếu bài bản đã dẫn đến thừa thép xây dựng, trong khi các lĩnh vực thép phục vụ cho chế tạo, đóng tàu, ô tô, xe máy... lại yếu và thiếu trầm trọng. Ngay cả những lĩnh vực cơ khí cần thép như đóng tàu, ô tô, xe máy… cũng còn nhiều hạn chế trong quá trình phát triển cho nên nếu có làm thép cho các lĩnh vực này cũng chưa thể phát huy tác dụng.
Cụ thể hơn đối với ngành công nghiệp ô tô, đã có những phát biểu hùng hồn của rất nhiều nhà nghiên cứu, thiết kế, xây dựng ra hình hài chiến lược, quy hoạch của các ngành công nghiệp được coi là then chốt, cơ bản, như “Việt Nam phải có công nghiệp ô tô mới có ngành công nghiệp phụ trợ”... Thế nhưng cho đến nay, việc xác định thế nào là dòng xe chiến lược, hay cụ thể hơn là định vị chiến lược phát triển công nghiệp ô tô vẫn chưa có.
Đơn cử thêm một lĩnh vực cũng thuộc diện ưu tiên đặc biệt: than - là nguồn năng lượng đầu vào của tất cả các ngành công nghiệp nhưng mãi cho đến đầu năm 2012 mới có được một quy hoạch cho ngành than - thì theo Ts Nguyễn Thành Sơn - Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng, quy hoạch này đã vỡ ngay từ khi còn nằm trên giấy bởi thiếu tính khả thi của nó. Theo quy hoạch, bình quân từ nay đến 2015 mỗi năm phải khoan sâu khoảng hơn nửa triệu mét (557.000m), trong khi từ thời thành lập Bộ điện than cho đến nay, tổng kết mới thực hiện được có hơn 2 triệu m khoan sâu, mà bây giờ bình quân mỗi năm phải hơn nửa triệu mét. Hiện nay năng lực của Vinacomin mỗi năm đạt khoảng 200.000m khoan sâu mà bình quân từ nay đến 2015 phải hơn 557.000m khoan sâu. Về đầu tư xây dựng mỏ than riêng, các mỏ cải tạo mới từ nay đến 2015 là 25 mỏ, mà trong khi từ thời thành lập tổng công ty Vinacomin đến nay (17 năm) chưa có một mỏ mới nào được đưa vào xây dựng. Trong khi quy hoạch đề ra đến năm 2015 phải có 25 mỏ mới phải được xây dựng.
Đối với lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản - một lĩnh vực được coi là thế mạnh của công nghiệp lâu nay cũng đã có rất nhiều quy hoạch, chiến lược cho thậm chí từng loại khoáng sản được lập ra và ban hành - nhưng theo Phó viện trưởng Viện tư vấn phát triển (CODE) Phạm Quang Tú thì công tác lập quy hoạch của ta hiện nay còn rất yếu dẫn đến chất lượng quy hoạch không cao. Rất nhiều quy hoạch khoáng sản đã bị lỗi thời ngay sau khi ban hành - đó là chưa kể đến việc vừa mới ban hành đã bị phá vỡ.
Trên thực tế, vẫn còn rất nhiều chiến lược, quy hoạch của các ngành, lĩnh vực công nghiệp khác cũng rất đáng báo động kiểu như xi măng, sắt, thép cung vượt cầu đang tồn tại. Đó là chưa kể, những quy hoạch của ngành này bị phá vỡää sẽ kéo theo hệ lụy đối với các ngành công nghiệp khác có liên quan, như điện, than, dầu khí chẳng hạn… Vì vậy, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo yêu cầu của Chính phủ, đòi hỏi trách nhiệm của từng ngành kinh tế, trong đó, trọng tâm là các ngành công nghiệp cơ bản, then chốt.
Nguyên Long
đại biểu nhân dân
|