Tìm lối đi cho doanh nghiệp gỗ
Nhiều năm gần đây, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ của nước ta đóng vai trò quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, do thiếu vốn, chiến lược phát triển chưa phù hợp cũng như do tình hình suy giảm kinh tế thế giới dẫn đến ngành này đang mất dần lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài.
Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ cần tìm cho mình
một lối đi phù hợp hơn trong tình hình mới
|
Theo Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT), hiện nước ta có trên 3.900 DN chế biến gỗ ở các loại hình sở hữu khác nhau, trong đó có khoảng 95% số DN chế biến lâm sản thuộc loại hình sở hữu tư nhân và khoảng 5% thuộc sở hữu Nhà nước. Điều đáng nói là các DN có vốn nước ngoài tuy chỉ chiếm khoảng 16% tổng số DN chế biến gỗ của cả nước nhưng lại có giá trị sản lượng và kim ngạch xuất khẩu lên đến 50%.
Cá nhân và tổ chức nước ngoài đầu tư vào ngành chế biến gỗ ở Việt Nam đến từ 26 nước và khu vực trên thế giới, trong đó Đài Loan (TQ) có nhiều DN nhất, chiếm khoảng 43,5% tổng số DN FDI, kế đó là Hàn Quốc, Anh, Nhật Bản và Trung Quốc,.. họ đều có giây chuyền sản xuất khá hiện đại, nên tạo sự cạnh tranh gay gắt đối với hầu hết DN trong nước vốn có điều kiện sản xuất thấp hơn.
Sự phân bố các đơn vị chế biến gỗ lại không đồng đều trong phạm vi cả nước. Những địa phương có nhiều rừng như Tây Bắc, Bắc Trung bộ, Tây Nguyên lại có số lượng và quy mô các DN chế biến gỗ và lâm sản khiêm tốn và nhỏ bé. Trong khi đó, hơn 80% số DN và cơ sở chế biến gỗ tập trung ở phía Nam, một số vùng ít rừng như Đông Nam bộ lại tập trung đến gần 60% số DN chế biến gỗ được tổ chức và đăng ký dưới nhiều hình thức khác nhau như công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.
Nhìn chung, các DN chế biến gỗ đều có quy mô nhỏ cả về số lượng lao động lẫn vốn đầu tư. Theo Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009, nếu tính trên mức độ sử dụng lao động thì có đến 46% tổng số DN chế biến gỗ có quy mô siêu nhỏ, 49% là DN quy mô nhỏ, chỉ có 2,5% số DN quy mô lớn, số còn lại thuộc về các DN có quy mô vừa.
Một điểm yếu cố hữu đối với ngành chế biến, xuất khẩu gỗ trong nước là chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa các công ty lâm nghiệp với các DN.Nguồn nguyên liệu đang bị phụ thuộc vào nhập khẩu nên các DN chế biến khá bị động trong sản xuất, kinh doanh. Sự gắn kết này một mặt khiến cho hiệu quả sử dụng tài nguyên rừng chưa cao, giá trị gia tăng của lâm sản chưa được như mong muốn, nhưng mặt khác làm hạn chế sự cạnh tranh công bằng giữa các cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ.
Theo bà Phan Thị Thanh Minh- Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Đại diện Bộ Công thương tại TP.Hồ Chí Minh, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN trong nước cần tập trung rà soát, củng cố và nâng cấp hệ thống nhà máy chế biến lâm sản quy mô vừa và nhỏ, phát triển công nghiệp chế biến lâm sản quy mô lớn, chú trọng chất lượng phát triển thông qua các biện pháp đổi mới cơ chế quản lý, khuyến khích sự tham gia tích cực của khu vực kinh tế tư nhân và DN đầu tư nước ngoài; kích cầu đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến, nâng cao tối đa hiệu suất sử dụng lâm sản, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
Ông Đinh Ngọc Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho rằng, phải xây dựng hệ thống chính sách ưu đãi để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho chế biến gỗ, bao gồm: các chính sách về thuế, trong nghiên cứu và áp dụng khoa học, công nghệ, trong thu hút sự đầu tư của các DN có vốn nước ngoài, nhất là các DN đến từ các nền sản xuất tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc,…Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ để có thể tạo ra các mặt hàng có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu thị trường với giá thành phù hợp trợ giúp các cơ sở sản xuất phụ kiện, phụ gia cho chế biến gỗ, nhất là các DN có quy mô vừa và nhỏ nhằm tạo ra cơ sở vững chắc tiến tới xây dựng được một ngành công nghiệp phụ trợ phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế.
Lam Hồng
Đại đoàn kết
|