Thứ Tư, 20/02/2013 09:04

Ngành dệt may: Mục tiêu chiếm lĩnh thị trường nội địa

Năm 2012, Tập đoàn Dệt may Việt Nam có doanh thu nội địa gần 1 tỷ USD, chiếm 30% tổng giá trị doanh thu. Đây là kết quả đáng khích lệ so với mức 15% của những năm trước. Phát huy kết quả đó, Tập đoàn đang hướng tới mục tiêu chiếm lĩnh thị trường nội địa, với tỷ lệ tăng trưởng bình quân 15-20%, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm đạt 60% vào năm 2015.

Dây chuyền sản xuất áo sơ mi xuất khẩu tại Công ty May 10

Trong năm qua, các doanh nghiệp (DN) thành viên của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã nỗ lực đầu tư sản xuất, chú trọng đổi mới mẫu mã sản phẩm, củng cố và phát triển thương hiệu, mở rộng kênh phân phối để chiếm lĩnh thị phần tại thị trường trong nước. Nhiều đơn vị có tăng trưởng cao như Tổng Công ty May Đức Giang - tăng 27%; các công ty may Tân Châu, Đáp Cầu, Bình Minh… tăng hơn 16%. Trong đó, hệ thống phân phối của Công ty CP Kinh doanh hàng thời trang Việt Nam (Vinatexmart) đóng vai trò quan trọng đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng.

Bằng việc mở rộng điểm bán hàng để chiếm lĩnh thị trường, đến nay Vinatexmart đang sở hữu 82 siêu thị tại 28 tỉnh, thành phố trên cả nước. Ngoài ra, các đơn vị thành viên của Vinatex cũng tích cực mở rộng hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm, đại lý về khắp các tỉnh, thành phố với khoảng 4.000 điểm bán hàng. Kênh phân phối này đã góp phần đưa hàng dệt may chất lượng tốt, giá cả hợp lý đến người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, trong chương trình hợp tác tiêu thụ sản phẩm của nhau giữa các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công thương mới đây, Vinatex đã ký kết 7 biên bản ghi nhớ với các tập đoàn: Dầu khí Việt Nam, Xăng dầu Việt Nam, Điện lực Việt Nam, Hóa chất Việt Nam… Ngoài ra, Vinatex còn thực hiện hơn 15 đợt bán hàng phục vụ công nhân tại các khu công nghiệp khắp cả nước; đưa hàng về vùng sâu, vùng xa các tỉnh phía Bắc, miền Trung, khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam bộ…

Để tăng năng lực cạnh tranh cho các DN, Tập đoàn đã đầu tư mới và bổ sung hơn 50 dự án, chủ yếu trong lĩnh vực sợi, dệt nhuộm và may. Trong đó có những dự án trọng điểm đã đi vào hoạt động trong năm qua như: Đầu tư 4 vạn cọc sợi của Công ty CP Dệt may Nha Trang, với công suất thiết kế 4.200 tấn/năm; Nhà máy sợi Phú Xuyên, với sản lượng thiết kế 2.800 tấn/năm; đầu tư bổ sung 1 vạn cọc sợi tại Tổng Công ty Dệt may Hòa Thọ, với công suất thiết kế 1.200 tấn/năm… Nhờ đó, năng lực tăng thêm sau khi đầu tư đạt gần 8.000 tấn sợi, 868 tấn vải dệt kim, 3,6 triệu mét vải jean, 2,7 triệu mét vải dệt thoi…

Doanh thu nội địa đạt gần 1 tỷ USD, đóng góp 30% trong tổng giá trị doanh thu của Tập đoàn, thực sự là kết quả đáng khích lệ so với mức 15% của những năm trước. Phát huy kết quả đó, các DN thành viên tiếp tục chiến lược tập trung vào phân khúc trung và cao cấp, thể hiện rõ với hơn 80 điểm bán hàng đặt tại các siêu thị hiện đại ở các thành phố lớn.

Dù doanh thu tại thị trường trong nước vẫn tăng trưởng nhưng do mức giá còn khá cao nên độ phủ của sản phẩm dệt may trong nước chưa rộng. Một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng có thu nhập thấp lại chưa thể sử dụng được hàng Việt Nam cũng là điều đang khiến các DN trăn trở. Lý giải cho vấn đề này, đại diện Tập đoàn cho biết, do chỉ chiếm 20% thị phần nên Vinatex phải chú trọng phát huy thế mạnh bằng các sản phẩm chất lượng cao.

Mặc dù thị trường sản phẩm may mặc khu vực nông thôn được ví là "miếng bánh ngon" nhưng việc triển khai hệ thống phân phối tại khu vực này còn gặp nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu dùng chưa cao, các kênh phân phối nhỏ khi giao hàng thường nợ đọng vốn, nên lượng vốn lưu động cần rất lớn. Vì thế, dù đây là thị trường tiềm năng, nhưng Vinatex vẫn chưa giải quyết được việc cân đối nguồn lực theo thứ tự ưu tiên. Tuy nhiên, với 4.000 DN dệt may hiện nay, việc điều tiết trong lựa chọn hướng ưu tiên tiêu dùng nội địa của các DN vừa và nhỏ có nhiều cơ hội.

Với dự báo kinh tế trong năm 2013 vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, để chủ động trước những khó khăn, ngay từ đầu năm, các đơn vị đã triển khai 10 nhóm giải pháp đồng bộ. Trong đó, quan trọng nhất là thực hiện sớm các bước cổ phần hóa công ty mẹ - tập đoàn để trong quý I-2013 có thể bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Đồng thời, các DN tăng cường quay vòng vốn lưu động, tăng hiệu suất sử dụng máy móc, định kỳ hằng tháng rà soát hàng tồn, công nợ, hiệu quả vốn đầu tư; nâng cao chất lượng dự báo, đánh giá thị trường; phát triển thương hiệu, liên kết thị trường nội bộ, củng cố phát triển thị trường nội địa thông qua hệ thống Vinatexmart. Với những giải pháp đó, năm nay Tập đoàn phấn đấu tổng doanh thu tăng 12%, trong đó doanh thu nội địa chiếm khoảng 50%.

Thanh Hiền

Hà Nội Mới

Các tin tức khác

>   Những cái 'chết yểu' của hàng không tư nhân Việt Nam (20/02/2013)

>   Doanh nghiệp xăng dầu lại kêu lỗ (19/02/2013)

>   Thị trường ô tô tăng mạnh tháng đầu năm (19/02/2013)

>   Dự án lọc dầu Vũng Rô khởi công chậm nhất vào 1/7 (19/02/2013)

>   Vạch hướng đi cụ thể cho doanh nghiệp (19/02/2013)

>   Xuất siêu tháng Giêng tăng gần 5 lần so với cùng kỳ 2012 (19/02/2013)

>   Doanh nghiệp TPHCM bước vào năm mới: Cần thêm sự hỗ trợ (19/02/2013)

>   Tận dụng FTA - “Chìa khóa” gia tăng xuất khẩu (19/02/2013)

>   Air Mekong tạm ngừng bay sau 28/2 (19/02/2013)

>   Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế: Những vấn đề cốt lõi (19/02/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật