Điểm nóng TTCK năm Nhâm Thìn
Đầu xuôi và… đuôi cũng lọt, đó là những gì đã diễn ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm Nhâm Thìn 2012 khi thị trường khởi đầu năm tích cực và kết thúc năm bằng một đợt sóng dài, góp phần an ủi cho nhà đầu tư sau một năm đầy sóng gió.
Ảnh minh họa
|
Thay đổi về chính sách
Nếu như năm Tân Mão, nhà đầu tư phải trông chờ mãi mới thấy việc giao dịch ký quỹ margin chính thức được áp dụng thì có thể nói năm Nhâm Thìn thị trường đón nhận được nhiều chính sách đi vào thực tế.
Việc áp dụng chỉ số VN30 có thể xem là một thành công nhất định khi nó phần nào phá thế độc quyền của những cổ phiếu “tứ trụ” gồm BVH, MSN, VNM, VIC vốn làm mưa làm gió trên thị trường trong thời gian dài. Trong khi đó, HNX30 khá im ắng và không có nhiều người tiếp nhận bởi hầu hết cổ phiếu trong danh mục đều là “hàng lởm”, kết quả kinh doanh èo uột, thua lỗ triền miên, giá cổ phiếu thấp, vốn chỉ thích hợp để đầu cơ lướt sóng hơn là dẫn dắt thị trường.
Quyết định kéo dài thời gian giao dịch sang buổi chiều ngay từ đầu năm đã gây ra nhiều tranh cãi trong giới đầu tư lẫn các thành viên thị trường. Trước ngày áp dụng, hầu hết đều cho rằng, kéo dài thời gian giao dịch chỉ khiến thị trường thêm uể oải và căng thẳng, trong khi những nhà quản lý tin rằng điều đó sẽ giúp thanh khoản cải thiện hơn, đồng thời gắn chặt với thị trường quốc tế hơn. Thực tế, 3 phiên giao dịch sau khi chính thức áp dụng thời gian kéo dài, thanh khoản trên hai sàn đều vượt 200 triệu đơn vị/phiên. Trong hai tháng cuối năm Nhâm Thìn, giao dịch trong buổi chiều thường rất sôi động và có tác động rất lớn đến kết quả giao dịch trong ngày.
Điều mà nhà đầu tư mong mỏi suốt nhiều năm qua là rút ngắn thời gian thanh toán từ T+4 xuống T+2 thậm chí T+1 được những nhà quản lý tháo gỡ một phần khi rút ngắn vài tiếng từ 15h lên 9h sáng ngày giao dịch T+3. Điều này giúp nhà đầu tư hạn chế được một phần rủi ro khi phải giao dịch vào ngày T+4. Tuy nhiên, sự mong manh và thận trọng của thị trường khiến nhà đầu tư vẫn rất khó chốt lời hay cắt lỗ trong ngày giao dịch T+3 như mong muốn.
Bên cạnh đó, hàng loạt chính sách, sản phẩm mới được cho phép thực hiện hoặc kiểm soát chặt chẽ hơn như áp dụng lệnh thị trường (MP) trên sàn HOSE, thay đổi cách tính giá tham chiếu, cho quỹ mở hoạt động, giới thiệu quỹ ETF, sản phẩm chứng quyền, chứng khoán phái sinh, nâng chuẩn niêm yết, tăng cường giám sát, xử phạt trên thị trường chứng khoán, kiểm soát chặt các giao dịch bán khống, cho phép nước ngoài sở hữu 100% vốn công ty chứng khoán… Phần lớn các chính sách này vẫn chưa được thị trường đón nhận hoặc chưa phát huy tác dụng như mong muốn của những nhà quản lý.
Điểm sáng về chính sách xuất hiện vào cuối năm Nhâm Thìn, cùng lúc với sự khởi sắc của thị trường. Quyết định nới rộng biên độ giao dịch tại HOSE từ 5% lên 7% và HNX từ 7% lên 10%, đồng thời cho phép tăng tỷ lệ giao dịch ký quỹ (margin) từ 60:40 lên 50:50 đã góp phần kích thích dòng tiền quay trở lại thị trường. Ngoài ra, kế hoạch nâng room cho nhà đầu tư nước ngoài thêm 10% cũng được rất nhiều người ủng hộ.
Những kỷ lục mới
Sự ảm đạm của thị trường từ cuối tháng 5/2012 khiến giá cổ phiếu cũng như các chỉ số lần lượt thiết lập những kỷ lục mới. HNX-Index rơi xuống đáy của mọi thời đại tại 50.66 điểm vào ngày 06/11/2012, sau đó đi ngang đến giữa tháng 12/2012 mới bắt đầu bật dậy và chính thức lấy lại mốc 60 điểm vào ngày 08/01/2013.
Xét về khối lượng giao dịch thỏa thuận, STB là cổ phiếu được thỏa thuận nhiều nhất trong năm qua, với hơn 684 triệu cổ phiếu được chuyển giao trong năm 2012. Trong đó ngày 09/01, giao dịch thỏa thuận lên đến 148 triệu cp, con số kỷ lục từ trước đến nay
Nở rộ thâu tóm và hợp nhất ngân hàng
Vụ thâu tóm và giành quyền kiểm soát Ngân hàng Sacombank, cũng như vụ sáp nhập Ngân hàng Habubank (HBB) vào Ngân hàng SHB đã tốn không ít bút mực của giới truyền thông và dư luận.
Vụ việc của Sacombank xuất phát từ giữa năm 2011 với những thông tin về nhóm đầu tư đang thu gom cổ phiếu STB. Những nhà đầu tư tổ chức từng gắn bó với Sacombank thời gian dài như Dragon Capital, ANZ, REE lần lượt ra đi. Eximbank là tổ chức duy nhất xuất hiện trong vụ mua bán cổ phiếu này khi trực tiếp mua lại 9.73% cổ phần STB từ ANZ với giá 16,000 đồng/cp đầu năm 2012, dù khi đó giá cổ phiếu chỉ khoảng 12,000 đồng/cp. Cuộc chiến thâu tóm và chống thâu tóm diễn ra quyết liệt nhưng các bên đều phủ nhận điều này.
Kể từ mức đáy 11,600 đồng, đến ngày 12/04/2012, thị giá cổ phiếu STB đã tăng 128%, lên gần 26,500 đồng/cp.
Cuối cùng, người mua vẫn thắng thế. ĐHĐCĐ thường niên 2012 của Sacombank, cuộc chuyển giao quyền lực giữa nhóm cổ đông cũ và mới chính thức diễn ra. Ông Đặng Văn Thành, người gắn bó với ngân hàng từ những ngày đầu đã tuyên bố chuyển giao quyền lực với câu nói ấn tượng: “doanh nhân có tuổi, nhưng doanh nghiệp không có tuổi”. Cho đến cuối năm Nhâm Thìn, Sacombank và Eximbank đã ký thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực và chính thức công bố sẽ nghiên cứu khả năng sáp nhập trong 3-5 năm tới.
Đình đám không kém trong năm 2012 là thương vụ Ngân hàng Nhà Hà Nội – Habubank (HBB) sáp nhập vào Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Theo đó, việc SHB phát hành 405 triệu cổ phiếu để hoán đổi cổ phiếu của HBB là mốc đánh dấu quan trọng cho thương vụ này. Cổ đông và nhà đầu tư của HBB đã không ít lần thót tim và bán tháo cổ phiếu này với khối lượng hàng chục triệu đơn vị mỗi phiên, đưa HBB trở thành mã có giao dịch nhiều nhất trong năm. Đến ngày cuối cùng, HBB chỉ còn 5,200 đồng/cp, khép lại một chương buồn của một ngân hàng có bề dày lịch sử hơn 20 năm.
Điều đáng chú ý là sau khi sáp nhập, các sếp của HBB vẫn chưa có được chỗ đứng trong ban lãnh đạo SHB. Tệ nhất là trường hợp của bà Bùi Thị Mai, nguyên TGĐ của Habubank, được bổ nhiệm làm Phó TGĐ Ngân hàng SHB. Nhưng chưa đầy hai tháng sau đó, HĐQT đã quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó TGĐ để bố trí làm… nhân viên thu hồi nợ với nhiều thông tin trái chiều được bình luận trên các trang báo.
Thót tim với những vụ bắt bớ
Có lẽ trong lịch sử hơn 12 năm của TTCK Việt Nam, 2012 là năm mà nhà đầu tư gặp nhiều “cú sốc” nhất. Sáng ngày 21/08/2012, toàn thị trường “choáng váng” với thông tin ông trùm trong ngành tài chính Việt - Nguyễn Đức Kiên - bị bắt, cả VN-Index lẫn HNX-Index đồng loạt rơi gần hết biên độ cho phép. Trong suốt một tuần, VN-Index mất gần 10% điểm số với hàng trăm cổ phiếu lớn nhỏ “nằm sàn” la liệt. Hàng tỷ USD vốn hóa bị bốc hơi chỉ trong thời gian ngắn.
Nhà đầu tư hoang mang, những nhà quản lý cũng lúng túng, thậm chí có người đề xuất tạm đóng cửa thị trường để nhà đầu tư lấy lại bình tĩnh nhưng không được chấp thuận.
Liên tục những ngày sau đó, dàn lãnh đạo chủ chốt của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) bị khởi tố, điều tra vì liên quan đến vụ án của bầu Kiên.
Khi nhà đầu tư chưa kịp “hoàn hồn” vì vụ án Bầu Kiên thì thông tin ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank (STB) và gia đình bị điều tra những ngày đầu tháng 11 khiến thị trường một lần nữa có những phiên rúng động. Áp lực bán tháo lại tái diễn. Ngày 02/11, khi thông tin ông Thành lan rộng, vốn hóa thị trường đã “bốc hơi” 24,438 tỷ đồng, tương đương 1.2 tỷ USD, cao hơn con số 920 triệu USD trong “ngày bầu Kiên”.
Sự việc bầu Kiên và ông Đặng Văn Thành trở thành những cú sốc lớn nhất trên thị trường chứng khoán. Sự sa sút của nền kinh tế, kết quả kinh doanh bi đát của doanh nghiệp, sự ảm đạm của TTCK, cùng những vụ bắt bớ liên tục xảy ra khiến niềm tin nhà đầu tư bị xói mòn nghiêm trọng.
Kể từ khi bầu Kiên bị bắt cho đến ngày ông Thành từ chức, TTCK Việt Nam đã mất tổng cộng 110,327 tỷ đồng (13.8%), tương đương 5.3 tỷ USD.
“Điểm chết” của công ty chứng khoán
Năm 2012 với quá nhiều biến cố xấu cùng xảy ra với các công ty chứng khoán. Đầu tiên là tình trạng kinh doanh thua lỗ tiếp tục kéo dài trong năm nay, thống kê trong số 105 CTCK thì đã có đến 63 công ty công bố lỗ lũy kế tính đến 30/09, với con số lên tới gần 6,000 tỷ đồng.
Kinh doanh thua lỗ dẫn đến hàng loạt CTCK xin rút nghiệp vụ môi giới gồm Chứng khoán Âu Việt (AVS), Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp (VIG), và gần đây nhất là Chứng khoán Liên Việt (LVS). Bên cạnh đó là một loạt CTCK bị bắt buộc ngừng hoạt động như Chứng khoán Trường Sơn (TSS), Chứng khoán SME (SME), Chứng khoán Hà Nội (HSSC).
Năm 2012 cũng là năm có nhiều CTCK bị kiểm soát chặt chẽ nhất. Theo đó, đã có tổng cộng 11 CTCK bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và 3 CTCK vào diện kiểm soát.
Thờ ơ với tin tốt
Nếu như năm 2011, thị trường rung lên mỗi khi Ngân hàng Nhà nước thông báo tăng lãi suất hoặc khi chỉ số CPI được công bố thì năm 2012, với những biện pháp của Chính phủ, lạm phát được kiềm chế, lãi suất liên tục được điều chỉnh giảm còn thị trường vẫn khá dửng dưng. Từ tháng 3 đến tháng 6, lãi suất trần huy động liên tục được điều chỉnh từ 14% về 9%.
Chỉ số CPI liên tục âm trong các tháng 6 và 7 của năm 2012 khiến nhiều người liên tưởng đến kịch bản giảm phát và những hậu quả sau đó.
Đối với TTCK, sau giai đoạn tăng trưởng nóng vào đầu năm, thị trường trượt dài với những phiên mất điểm và giao dịch ảm đạm. Chẳng những vậy, thị trường còn có những đợt tăng điểm “vô duyên” trong mỗi lần xăng… tăng giá. Điển hình, trong tháng 5, có hai lần giảm giá xăng và thị trường chứng khoán cũng chung chiều hướng trong phiên giao dịch cùng ngày. Cụ thể ngày 09/05, VN-Index giảm 0.1%, chốt phiên tại 487.62 điểm; ngày 23/05, VN-Index giảm 2.5%, ở mức 436.75 điểm.
Hay bước qua tháng 8/2012, cả ba lần tăng giá xăng trong tháng này lại được VN-Index “reo mừng” với màu xanh của bảng điện. Nổi bật là lần tăng giá xăng vào ngày 28/08, VN-Index đã tăng liền hai phiên sau đó với mức tăng gần 3%.
Thị trường chứng khoán khép lại năm Nhâm Thìn bằng một đợt tăng điểm mạnh và kéo dài hơn hai tháng. Rất nhiều cổ phiếu đã lấy lại được phong độ của thời hoàng kim, chỉ số VN-Index tăng 53% và HNX-Index tăng 24% so với đáy của thị trường năm 2012. Và với những chính sách tích cực cùng niềm tin của thị trường, nhà đầu tư đang kỳ vọng năm mới Quý Tỵ 2013, nền kinh tế có thể vượt qua giai đoạn khó khăn và thị trường nhờ đó lấy lại những gì đã mất trong suốt thời gian dài ảm đạm.
Sanh Tín (Vietstock)
FFN
|