Thứ Ba, 05/02/2013 15:45

Đổi niên độ năm tài chính: Sao vẫn thờ ơ?

Việc bắt đầu niên độ tài chính từ 01/01 và kết thúc vào 31/12 là một thói quen đã có từ lâu với các doanh nghiệp nước ta. Tuy nhiên một vài doanh nghiệp đã mạnh dạn thay đổi thói quen cố hữu đó, lợi ích của việc chuyển đổi niên độ tài chính là không thể phủ nhận được, mặt khác nó cũng không làm xáo trộn tiến trình hoạt động của doanh nghiệp.

Lợi ích đầu tiên có thể thấy được của đổi niên độ tài chính là giảm áp lực công việc cũng như chi phí vào cuối năm. Bởi khoảng thời gian này người Việt cận kề với hai cái tết, Tết Tây và Tết cổ truyền, khiến mọi việc trở nên cập rập hơn, từ lương thưởng tết, quyết toán thuế cuối năm...

Bên cạnh đó, với số lượng doanh nghiệp lớn và hầu hết đều có niên độ tài chính kết thúc vào thời điểm cuối năm, riêng trên sàn niêm yết đã hơn 700 đơn vị, đã vô hình chung tạo nên một áp lực lớn cho đơn vị kiểm toán khiến họ phải “chạy sô” nhiều doanh nghiệp. Một khối lượng công việc lớn dồn về liền một lúc sẽ rất khó để nhân viên kiểm toán đảm bảo độ chính xác trong kiểm kê số liệu kế toán của doanh nghiệp.

Ngoài ra, yếu tố mùa vụ cũng đóng vai trò quan trọng trong lựa chọn niên độ tài chính của doanh nghiệp. Đơn cử như Tập đoàn Công nghệ CMC (CMG) có đặc thù là quý 1 công ty thực hiện tất toán các hợp đồng đã ký từ năm trước và đến quý 2 bắt đầu thực hiện các hợp đồng mới. Để thuận lợi trong việc tính toán kết quả kinh doanh, CMG đã đổi sang niên độ tài chính bắt đầu từ 01/04 và kết thúc 31/03.

Theo quy định của Luật kế toán: “Kỳ kế toán năm là mười hai tháng, tính từ đầu ngày 01/01 đến hết ngày 31/12 năm dương lịch. Đơn vị kế toán có đặc thù riêng về tổ chức, hoạt động được chọn kỳ kế toán năm là mười hai tháng tròn theo năm dương lịch, bắt đầu từ đầu ngày 01 tháng đầu quý này đến hết ngày cuối cùng của tháng cuối quý trước năm sau và thông báo cho cơ quan tài chính biết”. 

Ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng Giám đốc Công ty kiểm toán KPMG Việt Nam nhìn nhận, nếu doanh nghiệp lựa chọn niên độ tài chính phù hợp với chu kỳ kinh doanh thì số liệu trên BCTC sẽ phản ánh đúng thực trạng doanh nghiệp hơn. Lấy ví dụ như các doanh nghiệp bánh kẹo, Tết Nguyên đán là thời điểm mà doanh thu cao nhất, hàng hóa tiêu thụ tốt nhất thì nên có niên độ tài chính kết thúc vào cuối tháng 3, như vậy báo cáo tài chính sẽ phản ánh thực chất kết quả kinh doanh hơn.

Với Hữu Liên Á Châu (HLA), công ty chọn thời điểm kết toán sổ sách vào tháng 9 là để phù hợp với mùa vụ kinh doanh của ngành thép. Mùa cao điểm của HLA thường rơi vào tháng 3, đến mùa mưa dịp tháng 6 và tháng 7 thì nhu cầu tiêu thụ thép giảm mạnh và xem như kết thúc một chu kỳ kinh doanh. Tuy hiện tại chu kỳ kinh doanh đã không còn đúng như trên nhưng công ty vẫn khá hài lòng với thay đổi này.

Trao đổi cùng chúng tôi, ông Phạm Trần Ái Trung – Giám đốc tài chính HLA cho biết, trải qua hai năm thực hiện thay đổi niên độ tài chính, đối với công ty và cả nhân viên công ty thì việc chuyển đổi này không ảnh hưởng gì xấu mà còn giúp công ty giải quyết mọi công đoạn tổng kết một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, công ty gặp ít vướng mắc trong năm đầu tiên thực hiện do phải giải trình nhiều về số liệu đầu kỳ và xin công văn hướng dẫn của Bộ tài chính.

Hay như tại Tanimex (TIX), niên độ tài chính bắt đầu từ 01/10 và kết thúc 30/09 giúp công ty hoàn toàn thảnh thơi hưởng kỳ nghỉ Tết theo lời chia sẻ của ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch HĐQT. Ngoài ra ông Tâm cũng rất hài lòng với niên độ kế toán này, ông cho biết, trong khi nhiều doanh nghiệp khác lo nộp BCTC, lo tổ chức ĐHĐCĐ thường niên… thì công ty đã hoàn thành xong hết mọi công đoạn họp hành cũng như chi trả cổ tức..

Với hàng loạt ý kiến ủng hộ, tuy nhiên có thể thấy thực tế trên cả hai sàn niêm yết hiện chỉ có vỏn vẹn 11 đơn vị chuyển đổi kỳ kế toán, bao gồm: CMG, GLT, HAI, HLA, HSG, IDV, ITD, MHL, TIX, TMSVFG. Trong đó, CMG, GLT, ITD, TMS có niên độ từ 01/04 đếm 31/03; 7 doanh nghiệp còn lại bắt đầu từ ngày 01/10 và kết thúc vào ngày 30/09.

Danh sách những doanh nghiệp trên sàn thay đổi niên độ tài chính

Thiết nghĩ, các đơn vị quản lý cần có nhiều hành động khuyến khích và phổ biến cùng các doanh nghiệp hơn nữa để việc áp dụng thay đổi niên độ tài chính trở nên phổ biến và thông dụng tại nước ta hơn.

Về phía nhà đầu tư, nếu đang nắm giữ cổ phiếu của những doanh nghiệp có niên độ tài chính đặc biệt thì cần phải lưu ý đến hai vấn đề sau theo lời chia sẻ của một chuyên gia phân tích độc lập trên thị trường chứng khoán. Thứ nhất, khi so sánh các doanh nghiệp này với doanh nghiệp cùng ngành có niên độ tài chính theo năm dương lịch cần vừa xem xét cùng kỳ kế toán, vừa xem xét theo năm tài chính để có được những dự báo chính xác hơn. Thứ hai, với những thông tin được công bố, nhà đầu tư cần theo sát doanh nghiệp tránh nhầm lẫn giữa các kỳ kế toán bởi mỗi thông tin công bố đều có ảnh hưởng nhất định đến giá cổ phiếu.

Mỹ Hà (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp “vô chủ” 6 tháng vì vướng luật (05/02/2013)

>   Khối ngoại tác động đến TTCK Việt Nam như thế nào? (05/02/2013)

>   “Ông chủ” chờ cổ tức (05/02/2013)

>   05/02: Bản tin 20 giờ qua (05/02/2013)

>   Cổ phiếu không quyền biểu quyết: Chọn mô hình Thái? (04/02/2013)

>   Cổ phiếu vua có trở lại? (04/02/2013)

>   DN niêm yết: Khó phân định cổ tức hiệu quả (04/02/2013)

>   KDH: Thay đổi số lượng cố phiếu đang lưu hành (04/02/2013)

>   Bộ Tài chính ban hành Thông tư 13/2013 giám sát giao dịch bất thường trên TTCK (04/02/2013)

>   Chứng khoán Nhâm Thìn: Kịch tính đến những phiên cuối cùng của năm! (04/02/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật