Chính sách tiền tệ Nhật Bản: Được nhiều, mất cũng không ít
Dù cho thấy nhiều kết quả tích cực, song chính sách
tiền tệ Nhật Bản đang dẫn đến sự đối đầu giữa ngân hàng trung ương BOJ
và chính quyền Abe.
Chỉ chưa đầy 1 tháng sau khi nhậm chức thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo
Abe đã bắt tay ngay vào thực hiện chính sách kinh tế theo học thuyết
Keynes. Ông không ngần ngại đe dọa phá bỏ thế độc lập của Ngân hàng
trung ương Nhật Bản (BOJ) nhằm kéo kinh tế đất nước ra khỏi tình trạng
lạm phát.
Sự kiên quyết này của ông Abe đã giành được rất nhiều
lợi khen ngợi từ các nhà phân tích lẫn giới chính trị gia, những người
luôn cho rằng BOJ cần phải hy sinh quyền tự chủ để vực dậy kinh tế đất
nước.
Bản thân nhà kinh tế đoạt giải Nobel Paul Krugman cũng dành nhiều lời khen đối với chính sách kinh tế quyết liệt của ông Abe.
Tuy
nhiên, ngày 22/1 vừa qua, BOJ đã cho thấy quyền lực của ông Abe có
những giới hạn nhất định. Quả thực, việc Ngân hàng trung ương Nhật Bản
lần đầu tiên chấp nhận thực hiện mục tiêu lạm phát 2%, đồng thời đồng ý
mở chương trình thu mua tài sản không giới hạn đã đánh dấu một sự nhượng
bộ lớn của BOJ trước chính phủ, đồng thời cho thấy một sự "thay đổi chế
độ" trong chính sách kinh tế Nhật Bản dưới thời ông Abe.
Tuy nhiên, khi nhìn sâu hơn, có thể thấy BOJ đã phần nào tìm cách phản
kháng lại áp lực từ phía chính quyền Abe, điều này khiến nhiều người lo
ngại cuộc cách mạng kinh tế của Nhật Bản sẽ không hề dễ dàng.
Vậy
BOJ đã phản kháng lại như thế nào? Trong các thông báo của mình, BOJ
dường như chưa bao giờ tuyên bố "lạm phát 2%" là mục tiêu có tính khả
thi hơn so với mục tiêu lạm phát 1% mà ngân hàng đề ra trước đó. Bên
cạnh đó, BOJ cũng không đưa ra một khung thời gian cụ thể cho mục tiêu
này mà chỉ tuyên bố chung chung như "sẽ cố gắng đạt được trong thời gian
sớm nhất có thể".
Ngoài ra, những dự báo về chỉ số giá tiêu dùng
của BOJ cho năm 2013 và 2014 (lần lượt là 0,4% và 0,9%) cũng hầu như
không thay đổi so với những đánh giá hồi tháng 10. Chẳng những thế, BOJ
còn khéo léo đẩy trách nhiệm thực hiện mục tiêu lạm phát 2% vào tay
chính phủ bằng cách kêu gọi chính quyền của ông Abe phải thực hiện cải
cách cơ cấu kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng.
Dù tuyên bố sẽ thực
hiện chương trình mua tài sản không giới hạn, song phải tới tận năm 2014
mới chính thức bắt đầu, BOJ khiến nhiều người lo ngại chương trình nới
lỏng tiền tệ không giới hạn sẽ không thực hiện được mục tiêu lạm phát đề
ra.
Thậm chí, ngay cả khi chương trình thu mua tài sản được thực
hiện ngay lập tức, thì nó cũng không thể nào thu mua hết số tài sản
khổng lồ 101 nghìn tỷ yên (1,14 nghìn tỷ USD) hiện tại.
BOJ thậm
chí còn tìm cách hạ tầm quan trọng của một số biện pháp kích thích kinh
tế đáng chú ý của chính quyền Abe, điển hình như chương trình kích
thích tài chính không kiểm soát. Kết quả, đồng yên - sau những nỗ lực
kìm giá không mệt mỏi của chính quyền Abe nhằm hồi sinh ngành công
nghiệp xuất - bắt đầu rục rịch tăng trở lại. Trong khi đó, thị trường
chứng khoán Nhật Bản cũng có ngày giảm đầu tiên sau 3 phiên tăng liên
tiếp.
Nhiều chuyên gia Nhật Bản tin rằng những khía cạnh trong Abenomics (kinh
tế học Abe) - trong đó ông Abe tuyên bố sẽ vực dậy kinh tế thông qua 3
khía cạnh là tiền tệ, tài chính và cải cách cơ cấu - là vô cùng giá trị.
Họ cũng cảnh báo sự phản kháng của BOJ chỉ khiến nền kinh tế Nhật Bản
xấu đi.
Rõ ràng sự kết hợp giữa thúc đẩy tài chính và tiền sẽ là
liều thuốc cực tốt cho kinh tế Nhật Bản vào lúc này, thay vì thực hiện
chúng một cách riêng biệt. Để làm được điều đó, đòi hỏi phải có sự phối
hợp giữa chính phủ Nhật Bản và BOJ.
Thực tế đã chứng mình nới
lỏng tiền tệ không thể giúp vực dậy GDP Nhật Bản nếu khu vực tư nhân vẫn
giữ tâm lý ngại đi vay. Do đó, cần thiết phải có thêm liều thuốc kích
thích kinh tế từ chính phủ Nhật Bản. Trong khi đó, chương trình thu mua
tài sản của BOJ cũng là chứng ấn đảm bảo rằng ngân hàng luôn có đủ tiền
cho chương trình kích thích kinh tế của chính phủ.
Sự phản kháng
của BOJ là điều có thể nhìn thấy rõ, song nhiều người tin tưởng ông Abe
sẽ nhanh chóng lấy lại sức mạnh của mình khi Nhật Bản bầu ra thống đốc
mới cho BOJ.
Ngày 8/4 tới đây, nhiệm kỳ của thống đốc Masaaki
Shirakawa sẽ chính thức chấm dứt, và khi đó ông Abe có thể chỉ định một
thống đốc mới, người sẵn sàng hợp tác với chính phủ cũng như có quyết
tâm giúp Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát.
Giới truyền
thông Nhật Bản đồn đoán nhiều khả năng cựu phó thống đốc BOJ, ông
Toshiro Muto, sẽ là ứng cử viên sáng giá cho chức vụ người đứng đầu BOJ.
Bản thân ông Muto cũng là người khá ủng hộ những chính sách của ông
Abe. Ông Muto cũng cho rằng muốn thực hiện mục tiêu lạm phát nhưng lại
không đưa ra bất cứ biện pháp nào là điều vô cùng cấm kỵ.
Trong
khi đó, các cố vấn kinh tế của chính phủ Nhật Bản đã đề xuất một số ý
tưởng tham vọng như, như yêu cầu Ngân hàng trung ương thu mua trái phiếu
nước ngoài để ép giá đồng yên. Tuy nhiên, cách làm này sẽ buộc chính
phủ phải thay đổi luật ngân hàng trung ương. Bên cạnh đó, việc ép giá
đồng yên liên tục có thể khiến chính phủ Nhật Bản vấp phải sự phản đối
của các quốc gia khác, thậm chí có thể châm ngòi cho một chiến tranh
tiền tệ mới - trong đó các nước thi nhau ép giá đồng tiền để bảo vệ
ngành xuất khẩu của mình.
Diễn đàn DN
|