G-20 cam kết tránh để xảy ra một cuộc chiến tiền tệ
Tại hội nghị ở Mátxcơva, Nga ngày 16/2, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) đã cam kết sẽ kiên quyết đấu tranh với nạn tội trốn thuế và không đặt ra mục tiêu tỷ giá hối đoái đặc biệt, vốn là nguyên nhân chính có thể gây ra một cuộc chiến tiền tệ.
Trong thông cáo đưa ra sau phiên họp, lãnh đạo G-20 nêu rõ "chúng tôi sẽ tránh bị cuốn vào cuộc chạy đua phá giá đồng nội tệ. Chúng tôi cũng sẽ không đặt ra mục tiêu tỷ giá hối đoái với mục đích cạnh tranh."
Lãnh đạo ngành tài chính và ngân hàng G-20 hy vọng rằng với thông điệp này sẽ trấn an được thị trường quốc tế rằng các nước đều đồng thuận về một giải pháp ngăn chặn cuộc chiến kinh tế thông qua việc đua nhau phá giá đồng nội tệ để thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn hậu khủng hoảng hiện nay.
G-20 cam kết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ theo hướng hệ thống tỷ giá hối đoái do thị trường tự xác định và một tỷ giá hối đoái linh hoạt. Trước đó, phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Anh, ông George Osborne, đã lên tiếng cảnh báo mối nguy hiểm về một cuộc chiến tiền tệ.
Theo ông, thế giới không được lặp lại sai lầm trong quá khứ khi sử dụng tiền tệ như là công cụ của cuộc chiến kinh tế và nhấn mạnh rằng "chính thị trường, chứ không phải chính phủ quyết định tỷ giá hối đoái."
Theo lãnh đạo G-20, hiện nay khi tốc độ phục hồi của nền kinh tế toàn cầu đang hết sức mong manh, các nước cần trì hoãn các kế hoạch đặt ra mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách mới. Các nước thành viên nhất trí áp dụng các biện pháp đối phó với nạn trốn thuế, trong đó chú trọng hợp tác với Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Thông cáo cũng nêu bật khẳng định của Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G-20 về việc tiếp tục thực hiện các cam kết đã đưa ra, trong đó có việc tiến hành cải cách tài chính nhằm xây dựng hệ thống tài chính vững chắc hơn và cải cách mạnh mẽ cơ cấu nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
G-20 sẽ nỗ lực để đạt được thỏa thuận về công thức phân chia hạn ngạch trong Quỹ Tiền tệ quốc tê (IMF) trước tháng 1/2014. Ngoài ra, lãnh đạo G-20 cũng nhất trí thành lập Nhóm Điều tra tài chính mới để phối hợp hành động với các thể chế quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), IMF ... nhằm giúp việc đầu tư đạt được mục tiêu phát triển cân bằng và bền vững./.
vietnam+
|