Khi đồng Yên giảm giá
Nhật Bản là đối tác đầu tư, thương mại hàng đầu của Việt Nam. Việc đồng Yên của Nhật Bản xuống giá so với đồng USD và cũng là xuống giá so với đồng Việt Nam sẽ có tác động đến Việt Nam.
Nhật Bản là nhà đầu tư trực tiếp lớn nhất của Việt Nam. Tính từ năm 1988 đến hết tháng 11/2012, tổng vốn FDI đăng ký của những dự án còn hiệu lực đạt khoảng 28,31 tỷ USD, chiếm khoảng 12% tổng số vốn FDI vào Việt Nam, cao nhất trong các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tỷ lệ vốn thực hiện trong các dự án của Nhật Bản cũng thuộc loại cao nhất trong các nước và vùng lãnh thổ.
Việc đồng Yên Nhật giảm giá có thể khiến xuất khẩu của Việt Nam vào Nhật Bản sẽ tăng chậm lại
|
Nhật Bản là nhà đầu tư vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) sớm và lớn nhất của Việt Nam. Nhiều công trình, thuộc nhiều lĩnh vực sử dụng nguồn vốn này đã góp phần vào việc cải thiện hạ tầng cơ sở, hạ tầng kỹ thuật của Việt Nam.
Nhật Bản là nhà đầu tư gián tiếp (FII) lớn vào Việt Nam thông qua việc góp vốn vào các công ty cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán; gần đây đang quan tâm nhiều đến việc mua cổ phần hoặc đầu tư vào các ngân hàng thương mại.
Đầu tư FDI, ODA, FII của Nhật Bản vẫn khá lớn và tăng tốc ngay cả khi Nhật Bản gặp những thách thức lớn (động đất, sóng thần, rò rỉ điện hạt nhân, tăng trưởng kinh tế bị suy giảm, tỷ lệ nợ công cao…).
Nhật Bản là đối tác buôn bán hàng đầu của Việt Nam. Năm 2012, Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản xấp xỉ 13,1 tỷ USD, chiếm 9% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đứng thứ 2 trong các nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản 11,6 tỷ USD. Trong quan hệ buôn bán với Nhật Bản, Việt Nam ở vị thế xuất siêu (1,457 tỷ USD), lớn thứ 10 trong các nước và vùng lãnh thổ mà Việt Nam có vị thế xuất siêu.
Nhật Bản cũng là nước có lượng khách lớn đến Việt Nam hàng năm.
Mới đây, để khắc phục các khó khăn kinh tế, Nhật Bản một mặt tiếp tục tung ra các gói kích thích lớn, mặt khác có chủ trương giảm giá đồng Yên. Chỉ trong vòng vài tháng, tỷ giá đã tăng từ dưới 80 lên trên 90 Yên/USD, tức là đồng Yên đã giảm giá tới trên 12% so với USD. Gần như Nhật Bản là nước duy nhất trên thế giới có tỷ giá hối đoái thấp hơn tỷ giá sức mua tương đương, tức là hệ số giữa tỷ giá hối đoái và tỷ giá sức mua tương đương ở mức 0,8 lần (trong khi hệ số tương ứng của Việt Nam khoảng 3 lần). Tỷ giá VND/Yên Nhật cũng giảm từ 265- 267 VND/Yên xuống còn khoảng 235 VND/Yên- tức là đồng VND lên giá so với đồng Yên nhật, mặc dù Việt Nam thì lạm phát cao, còn Nhật Bản thì thiểu phát.
Khi đồng Yên Nhật giảm giá thì xuất khẩu của Nhật Bản ra nước ngoài sẽ có lợi; còn nhập khẩu từ nước ngoài của Nhật Bản sẽ được kiềm chế, tạo điều kiện cho sản xuất trong nước của Nhật Bản tăng trưởng cao lên.
Tình hình này cộng hưởng với các gói kích thích kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế trước đây, có thể khiến xuất khẩu của Việt Nam vào Nhật Bản sẽ tăng chậm lại. Năm 2012, xuất khẩu của Việt Nam vào Nhật Bản tăng 21,4%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam 18,2%, nên năm 2013 có thể sẽ thấp hơn năm 2012 và có thể còn thấp hơn tốc độ tăng chung. Đồng thời, nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản sẽ tăng cao lên, năm 2012, nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản tăng 12,2%, khả năng năm 2013 sẽ tăng cao hơn tốc độ tăng xuất khẩu sang Nhật Bản và vị thế xuất siêu của Việt Nam đối với Nhật Bản sẽ không còn giữ được quy mô như năm 2012, thậm chí có thể chuyển sang vị thế nhập siêu.
Đây là một cảnh báo cần thiết cho các nhà xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam.
Một vấn đề lớn khác liên quan đến sự biến động của tỷ giá, đó là nợ và trả nợ tính bằng Yên Nhật chủ yếu là nguồn vốn ODA- một nguồn vốn lớn từ Nhật Bản. Việc tỷ giá VND/Yên Nhật giảm (tức là VND lên giá so với Yên Nhật) thì Việt Nam sẽ có lợi khi tính bằng VND. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là giải ngân nhanh, nâng cao hiệu quả đầu tư bằng nguồn vốn này.
Khách du lịch từ Nhật Bản đến Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều do giá cả tính bằng Yên Nhật sẽ đắt hơn tương ứng. Tuy nhiên, một mặt do quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam về đầu tư, thương mại rất lớn, nên lượng khách quốc tế từ Nhật Bản đến Việt Nam vẫn nằm trong tốp 3 nước dẫn đầu (năm 2012 đạt 576,4 nghìn lượt người, đứng thứ 3 trong các nước và vùng lãnh thổ có khách đến Việt Nam và tăng 19,7%, cao gấp đôi tốc độ chung). Để giữ được tốc độ tăng cao, cần cải thiện hơn nữa công tác du lịch để có sức hấp dẫn cao hơn.
Minh Ngọc
chính phủ
|