"Canh bạc" tham vọng giữa Mỹ-Liên minh châu Âu
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí tiến hành các thủ tục cần thiết để khởi
động đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) xuyên Đại Tây Dương, được coi
là thỏa thuận tham vọng nhất kể từ khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ra đời
năm 1995 và mở đường cho sự ra đời khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới.
Mỹ và EU đặt nhiều kỳ vọng vào FTA song phương, coi đó là chìa khóa thúc đẩy sự
thịnh vượng và củng cố quan hệ đối tác đôi bên cùng có lợi trong bối cảnh kinh
tế toàn cầu đang hết sức trì trệ.
Đôi bên cùng có lợi
Trong một thông cáo chung, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Hội đồng châu Âu
Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso nhấn mạnh
FTA sẽ giúp Mỹ và EU mở rộng hoạt động thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương,
cũng như góp phần xây dựng và phát triển các quy định toàn cầu nhằm củng cố hệ
thống thương mại đa phương.
Theo Tổng thống Obama, kế hoạch xúc tiến đàm phán về một Hiệp định Đối tác đầu
tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương với EU được xem là một trong những ưu tiên
hàng đầu trong chính sách đối ngoại của ông trong nhiệm kỳ 2.
Đại diện Thương mại Mỹ Ron Kirk nhấn mạnh Washington sẽ nỗ lực hợp tác với các
đối tác EU cùng với sự hỗ trợ của các cổ đông và thành viên Quốc hội nhằm củng
cố mối quan hệ đối tác thương mại vốn rất sâu sắc giữa hai bên.
Theo ông Kirk,
lãnh đạo hai nước sẽ có thời hạn 18 tháng để xúc tiến các cuộc đàm phán nhằm
tiến tới ký kết một thỏa thuận đầu tiên vào cuối năm 2014.
Thủ tướng Anh David Cameron nói rằng FTA sẽ tạo việc làm và thúc đẩy sự thịnh
vượng cho cả EU và Mỹ. Theo ông, dỡ bỏ các rào cản thương mại còn lại và tiến
tới một thỏa thuận toàn diện sẽ là một công việc đầy khó khăn,đòi hỏi sự quyết
đoán từ cả hai phía. Thủ tướng Anh đồng thời nhấn mạnh trên cương vị chủ tịch
luân phiên của G-8 ông sẽ ủng hộ hết mình.
Mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và EU được đánh giá là lớn nhất thế giới và cũng là
một trong những mối quan hệ phức tạp nhất. Riêng năm 2011, kim ngạch trao đổi
thương mại giữa hai bên đạt trên 600 tỷ USD. Thuế quan giữa Mỹ và EU hiện ở mức
tương đối thấp, trong khoảng từ 5% đến 7%.
Nghiên cứu của Trung tâm châu Âu ước
tính rằng xóa bỏ thuế quan sẽ thúc đẩy xuất khẩu Mỹ sang EU tăng lên 17% và xuất
khẩu của EU tăng 18%. Trong khi đó, Phòng Thương mại Mỹ ước tính thỏa thuận tự
do hóa thương mại còn có thể góp thêm cho nền kinh tế Mỹ và EU 180 tỷ USD trong
5 năm.
Nền kinh tế Mỹ và EU hiện chiếm gần một nửa GDP toàn cầu và 1/3 thương mại toàn
cầu với doanh số đạt khoảng 2,7 tỷ USD giá trị của các loại hàng hóa và dịch vụ
trao đổi hàng ngày. Thỏa thuận thương mại tự do Mỹ-EU sẽ thúc đẩy thương mại
giữa hai đối tác, đạt khoảng 120 tỷ USD trong 5 năm.
Theo dự kiến của EC, FTA có thể làm tăng GDP hàng năm của EU thêm 0,5% (116 tỷ
USD) và GDP hàng năm của Mỹ khoảng 0,4% (87 tỷ USD) vào năm 2027. Do Mỹ và EU
đều đã có các FTA khu vực nên FTA song phương sẽ mở rộng tầm với sang các thị
trường đang được "thụ hưởng" Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ ( NAFTA) hay các
thỏa thuận tự do hóa thương mại của EU ở Nam Mỹ.
Trở ngại không ít
Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu hoàn tất tiến trình đàm phán FTA trong
vòng 2 năm, các nhà đàm phán Mỹ và EU sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề gai góc,
nhất là lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp.
Thực tế cho thấy các quy định của EU rất phức tạp và các tiến bộ của EU thường
rất chậm. Hơn nữa, châu Âu có tiêu chuẩn môi trường cao hơn và các quy định đối
với nhiều sản phẩm nghiêm ngặt hơn, kể cả dược phẩm. Các quan chức Mỹ từng công
khai chỉ trích các đạo luật của EU liên quan đến bảo mật dữ liệu là “chủ nghĩa
bảo hộ kỹ thuật số.”
Ngoài ra, Mỹ còn lo ngại thuế giao dịch tài chính của châu
Âu sẽ áp đặt đối với các chủ nợ thế chấp mới trong giao dịch tài chính ở 11 nước
châu Âu, kể cả Đức và Pháp.
Khó khăn nhất đối với Mỹ vẫn là những khác biệt về văn hóa và quy định về các
tiêu chuẩn thực phẩm. EU cấm nhập các loại cây trồng biến đổi gen và thịt bò
chứa hoóc môn tăng trưởng. EU cũng đang áp dụng “nguyên tắc phòng ngừa” để hạn
chế nhập khẩu thực phẩm cho đến khi các bằng chứng khoa học khẳng định các loại
thực phẩm đó an toàn.
Ngược lại, Mỹ thường đòi hỏi EU đưa ra các bằng chứng khoa học về tác hại dẫn
đến lệnh cấm nhập thực phẩm. Các mối lo không chỉ ở phía châu Âu. Nhiều nghị sỹ
Mỹ cũng phản đối một số điều khoản trong thỏa thuận cuối cùng.
Trong bức thư gửi
Đại diện Thương mại Mỹ Kirk các Thượng nghị sĩ Max Baucus, D-Mont, Orrin Hatch,
R-Utah khẳng định mở cửa thị trường châu Âu cho nông sản Mỹ sẽ là chìa khóa để
đạt được bất cứ thỏa thuận thương mại nào giữa Mỹ và EU. Họ cũng yêu cầu FTA cần
có các điều khoản mạnh mẽ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Trước những khó khăn nói trên, một số nhà lãnh đạo EU cho rằng khung thời gian
đàm phán thỏa thuận 2 năm chỉ là tham vọng và một số lĩnh vực bất đồng khó có
thể giải quyết. Tuy vậy, tình trạng yếu kém về kinh tế của hai bờ đại dương đang
khích lệ các nhà lãnh đạo chính trị thúc đẩy thỏa thuận, bất chấp mọi trở ngại.
Việc Tổng thống Obama công khai ủng hộ thỏa thuận cũng phát đi tín hiệu khích lệ
để khắc phục khó khăn.
Tổng thống Obama nhấn mạnh: “Đây là sáng kiến tự do hóa thương mại tham vọng và
thực sự mới đầu tiên của chính quyền này. Và cam kết đó thực sự làm tăng sức ép
buộc các nhà đàm phán phải nỗ lực đạt được một thỏa thuận.”
Mặc dù vậy, rõ ràng Tổng thống Obama đang chơi một canh bạc về tương lai của EU.
Để bất cứ thỏa thuận nào cũng đem lại những lợi ích hứa hẹn cho các nhà kinh
doanh Mỹ, EU phải tỏ ra là một đối tác thương mại ổn định trong những năm tới.
Trong khi đó, mặc dù cuộc khủng hoảng - từng đe dọa phá vỡ liên minh tiền tệ của
EU - nay đã dịu bớt, nhưng còn lâu EU mới hoàn toàn thoát khỏi thời kỳ đen tối.
Nếu FTA Mỹ-châu Âu trở thành hiện thực, nó cũng có thể có những ảnh hưởng toàn
cầu rộng lớn hơn, tạo ra các tiêu chuẩn cho các sản phẩm và nông nghiệp trên
khắp thế giới, từ đó có thể buộc các nước như Trung Quốc cải thiện hoạt động sản
xuất để cạnh tranh ở thị trường châu Âu và Mỹ.
Ông Burwell của Hội đồng Đại Tây Dương nhận định: “Chúng ta cần phối hợp với
nhau để đề ra các quy định và tiêu chuẩn cho cả hai bên những cũng là tiêu chuẩn
cho thị trường toàn cầu.”
Bên cạnh đó, việc xóa bỏ các loại thuế quan như đề nghị trong khuôn khổ của thỏa
thuận sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế của Mỹ-EU.
Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ Thomas Donohue nói: “Vì mục đích tạo công ăn việc
làm và tăng trưởng, đã đến lúc Mỹ và EU phải dũng cảm thúc đẩy hiệp định thương
mại tự do mới"./.
Hoàng Hà
Vietnam+
|