Thứ Ba, 26/02/2013 17:00

Nỗi buồn Bắc Á

Các nền kinh tế ở khu vực Bắc Á đang bắt đầu trông giống như... châu Âu khi vẫn chưa thể thoát ra khỏi thời kỳ tăng trưởng kém kéo dài.

GDP quý IV/2012 của Hàn Quốc chỉ tăng 0,4% so với mức dự báo 0,8% của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc.

Khu vực đồng tiền chung châu Âu đã tăng trưởng âm 0,6% trong quý IV/2012 so với quý trước - một con số tồi tệ hơn so với dự kiến. Trong đó, Đức đã tăng trưởng âm 0,6%; Pháp âm 0,3%; Ý âm 0,9%. Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay Hy Lạp có lẽ không cần phải bàn đến khi các nước này vẫn còn chìm trong vòng xoáy khủng hoảng.

Khu vực đồng euro vẫn chưa thể gượng dậy từ cuộc khủng hoảng nợ công nhưng nền kinh tế thế giới vẫn có thể trông đợi vào châu Á, đầu tàu tăng trưởng trong suốt giai đoạn khủng hoảng.

Các nền kinh tế Nam Á, mặc dù đang tăng trưởng chậm lại, nhưng đà tăng trưởng này đến nay dường như vẫn ổn. Tuy nhiên, càng đi xa về phía Bắc, các nền kinh tế tại đây bắt đầu trông giống như… châu Âu.

Hàn Quốc là một nỗi buồn lớn của Bắc Á. Nền kinh tế lớn thứ tư châu Á chỉ tăng 0,4% trong quý IV (so với quý III). Con số này đã có sự cải thiện so với mức 0,1% của quý III. Thế nhưng, kết quả quý IV vẫn thấp hơn so với mức dự báo tăng 0,8% của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc. Quý IV là quý thứ bảy liên tiếp tăng trưởng chưa đạt tới 1%.

Điều đáng ngại là xu hướng đi xuống có thể sẽ chưa chấm dứt. Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, nước này đang đối mặt với một thời kỳ tăng trưởng kém kéo dài.

“Nếu tăng trưởng cứ ở mức thấp mãi trong một thời gian dài, sẽ rất khó, thậm chí là không thể, để nền kinh tế quay trở lại với mức tăng trưởng tiềm năng của mình”, Kim Choongsoo, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, nhận xét. Không ít quan chức chính phủ cũng lo ngại về khả năng này.

Nền kinh tế Hàn Quốc vẫn còn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, vốn chiếm tới khoảng 50% GDP. Và chắc chắn không ai kỳ vọng xuất khẩu sẽ tăng mạnh một khi nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa khởi sắc. Có thể thấy xuất khẩu của Hàn Quốc đã giảm xuống trong năm 2012, lần đầu tiên trong 3 năm qua. Nguyên do là đà tăng trưởng tại Trung Quốc đã chậm lại, cùng với cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đang tạo sức ì lên đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Gần đây, xuất khẩu Hàn Quốc lại bị giáng thêm một đòn mạnh khác khi đồng won đã tăng giá mạnh so với đồng yen Nhật sau nỗ lực làm suy yếu đồng yen của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Bộ trưởng Tài chính của Hàn Quốc cũng cho rằng các nhà xuất khẩu nước này có thể “rơi vào tình thế hiểm nguy” do tác động từ các chính sách của Nhật.

Hiện tại, người tiêu dùng Hàn Quốc phải gồng gánh tăng trưởng của nền kinh tế, nhưng không rõ liệu họ có thể duy trì sức mua được bao lâu nữa. Đã có những dấu hiệu cho thấy chi tiêu tiêu dùng của người dân đang suy yếu đi. Chẳng hạn, doanh số bán tại các chuỗi cửa hàng giảm giá và các thương xá lớn ở Hàn Quốc đã giảm trong tháng 12.2012.

Những khó khăn này là lý do khiến cho hồi tháng 1, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã cắt giảm mạnh dự báo tăng trưởng năm 2013 xuống còn 2,8% từ mức 3,2% trước đó. Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) cũng đã cắt giảm dự báo tăng trưởng xuống còn 3% từ mức 3,4%. Tổ chức này cũng kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc cắt giảm lãi suất cơ bản xuống hơn nữa để kích thích kinh tế. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc hiện vẫn giữ lãi suất ở mức 2,75% kể từ đợt cắt giảm vào tháng 10 năm ngoái.

Để đưa kinh tế qua khỏi khó khăn, Chính phủ Hàn Quốc vừa tung ra kế hoạch dành tới 60% ngân sách quốc gia trong nửa đầu năm 2013 cho kích thích tăng trưởng. Thế nhưng một số chuyên gia cho rằng nước này phải tăng cường thêm ngân sách mới có thể giúp cho kinh tế phục hồi.

Tại một nước khác ở Bắc Á là Nhật, tình hình cũng không kém phần khó khăn. Quý IV/2012, Nhật đã tăng trưởng âm 0,3% so với mức dự kiến 0,1%. Đây là mức tăng trưởng âm trong 3 quý liên tiếp. Có lẽ đó là lý do đầu tháng 2.2013, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Masaaki Shirakawa đã khuyến cáo rằng kinh tế Nhật “đang trong tình trạng cực kỳ hiểm nghèo”.

Các con số quý IV của Nhật không mấy khả quan. Xuất khẩu tháng 12.2012 đã giảm xuống trong tháng thứ 7 liên tiếp, còn đầu tư doanh nghiệp trong quý IV/2012 đã giảm 2,6% so với quý III. Hiện nay, điểm sáng duy nhất đối với Nhật là tiêu dùng. Tuy nhiên, chi tiêu tiêu dùng của người dân cũng không thể tiếp tục đứng ở mức cao nếu các yếu tố khác cấu thành nên GDP tiếp tục sa sút.

Mặc dù vậy, theo Ngân hàng Trung ương Nhật, kinh tế Nhật dường như đã chạm đáy. Bộ Trưởng Kinh tế Akira Amari thì tin rằng gói kích thích kinh tế 10,3 ngàn tỉ yen của Chính phủ sẽ có tác dụng kể từ tháng 4.2013.

Một số chuyên gia phân tích cũng trông đợi tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giúp kéo Nhật ra khỏi suy thoái. Nhưng hy vọng này cũng rất mong manh, khi dấu hiệu phục hồi kinh tế ở Mỹ vẫn chưa rõ ràng, châu Âu vẫn đang chìm trong khủng hoảng.

Trung Quốc, một động lực quan trọng của khu vực Bắc Á, cũng đang tăng trưởng chậm lại. Năm ngoái, Trung Quốc thậm chí không đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 7,8% đã đề ra. Các khảo sát về sản xuất, chỉ số giá cả, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp... đều cho thấy tăng trưởng chỉ sẽ có vài phần trăm. Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều nhận định Trung Quốc sẽ khó có thể quay trở lại thời kỳ tăng trưởng 2 con số trước đây, mặc dù quốc gia này đang tiến hành nhiều biện pháp để kích thích tăng trưởng.

Bắc Á, nếu không cẩn thận, có thể sẽ trở thành một châu Âu thứ hai.

Đàm Hoa

NHỊP CẦU ĐẦU TƯ

Các tin tức khác

>   EU dành cho Ukraine gói tài chính 610 triệu USD (26/02/2013)

>   Trung Quốc hoàn tất việc thâu tóm tập đoàn Canada (26/02/2013)

>   Giới chuyên gia dự báo kinh tế Mỹ tiếp tục ảm đạm (26/02/2013)

>   Mỹ: Tiếp diễn thế giằng co về cắt giảm ngân sách (26/02/2013)

>   Tại sao khủng hoảng euro chưa dứt? (26/02/2013)

>   Kinh tế Malaysia dự kiến tăng trưởng 5,5% năm 2013 (25/02/2013)

>   Ấn Độ cho phép tư nhân tham gia lĩnh vực ngân hàng (25/02/2013)

>   Các ngân hàng theo đuổi biện pháp nới lỏng tiền tệ (25/02/2013)

>   Chủ tịch ADB có thể làm Thống đốc Nhật (25/02/2013)

>   Anh-Trung Quốc sẽ ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ (24/02/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật