VN30 - 1 năm nhìn lại
Một năm vận hành an toàn và liên tục với 231 phiên giao dịch, VN30 cuối ngày 28/12/2012 đạt 485,38 điểm, tăng 37,91 điểm so với ngày áp dụng đầu tiên 6/2/2012.
Ngày 21/1/2013, chỉ số VN30 do Sở GDCK TP. HCM (HOSE) tính toán và công bố chính thức áp dụng rổ cổ phiếu mới. Với quy tắc xem xét đánh giá định kỳ 6 tháng/lần vào tháng 1 và tháng 7 hàng năm, VN30 đã trải qua 2 kỳ chuyển đổi rổ, sau một năm triển khai ra thị trường.
Một năm vận hành an toàn và liên tục với 231 phiên giao dịch, VN30 cuối ngày 28/12/2012 đạt 485,38 điểm, tăng 37,91 điểm so với ngày áp dụng đầu tiên 6/2/2012. Mức tăng trưởng so với đầu năm 2012 của VN30 đạt 25,98%, cao gấp 1,43 lần mức tăng của VN-Index. Vẫn duy trì tính đại diện về giá trị vốn hoá và thanh khoản, VN30 tại ngày 28/12/2012 đạt 492.352 tỷ đồng vốn hoá, chiếm 72,58% toàn thị trường. Giá trị giao dịch trong năm 2012 của nhóm cổ phiếu VN30 chiếm 61,75% giao dịch toàn thị trường.
Có thể nói, sự ra đời của VN30 có tác động nhất định đến TTCK. Là chỉ số giá đầu tiên được tính theo phương pháp giá trị vốn hóa có điều chỉnh free-float (cổ phiếu tự do giao dịch), VN30 đã phần nào giải toả yêu cầu cấp thiết của thị trường về một chỉ số phản ánh chính xác hơn giá cả chứng khoán, đồng thời cung cấp thêm thông tin cho NĐT về các công ty niêm yết thuộc loại blue-chip trên sàn HOSE. Gần đây, khi quỹ mở được cho phép thành lập, một số công ty quản lý quỹ đã dự kiến dùng VN30 để “track” cho quỹ mở của họ. Không những thế, VN30 còn là “ứng cử viên” sáng giá được lựa chọn để trở thành tài sản cơ sở cho sản phẩm ETF đang được xúc tiến triển khai trong năm 2013.
Trong bối cảnh TTCK Việt
Nam
bị tác động lớn bởi những bất ổn vĩ mô trong nước và quốc tế, VN30 ra đời được xem là một trong những nỗ lực của HOSE góp phần cải thiện thanh khoản cho thị trường. Có mặt trong rổ VN30 là 30 cổ phiếu với mức vốn hoá và thanh khoản đại diện cho sàn HOSE, được sàng lọc theo 3 bước về giá trị vốn hoá, tỷ lệ free-float và giá trị giao dịch.
VN30 không chỉ tạo niềm tin cho NĐT bằng một quy trình sàng lọc đơn giản, rõ ràng, minh bạch dưới sự giám sát của Hội đồng chỉ số độc lập, mà còn ngay trong bản thân các tiêu chí xét duyệt cổ phiếu. Tham gia vào tập hợp để sàng lọc rổ VN30 là những cổ phiếu không được rơi vào diện cảnh báo, kiểm soát, tạm ngưng giao dịch trong vòng 3 tháng tính đến thời điểm xem xét. Điều này cho thấy, VN30 đặc biệt nhấn mạnh đến chất lượng cổ phiếu niêm yết và mức độ về minh bạch thông tin. Đó cũng là điểm lý giải cho đánh giá của Công ty Tài chính Quốc tế và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về Thẻ điểm quản trị công ty năm 2012 với kết quả các cổ phiếu trong VN30 đều có điểm quản trị cao hơn so với mặt bằng chung.
Năm 2012, trong khi VN-Index tăng 18,2%, thì gần 50% cổ phiếu trong rổ VN30 tăng giá trên mức trên. Trong 9 tháng đầu năm 2012, hệ số ROA, ROE trung bình của 30 cổ phiếu trong VN30 lần lượt đạt 5,2% và 11,1%, trong khi ROA, ROE trung bình của thị trường là 1,63% và 9,73%.
Ngày 14/1/2013, HOSE đã công bố danh mục cổ phiếu mới cho kỳ 1/2013 và sẽ chính thức áp dụng vào ngày 21/1/2013. Danh tính các cổ phiếu trong rổ VN30 kỳ này không có sự thay đổi lớn, vẫn là những cổ phiếu mang tính đại diện của sàn HOSE về giá trị vốn hoá và thanh khoản. Hai gương mặt mới của rổ là cổ phiếu CSM và PGD, thay cho hai cổ phiếu ITA và NTL không còn đáp ứng đủ tiêu chí. Cổ phiếu GAS mặc dù có giá trị vốn hoá lớn nhất thị trường, nhưng không được chọn, do tỷ lệ free-float nhỏ hơn 5%.
Rổ VN30 kỳ 1/2013 hiện có tổng giá trị vốn hóa là 461.407 tỷ đồng, chiếm 71,48% vốn hóa toàn thị trường và chiếm 63% giá trị giao dịch toàn thị trường. Giá trị vốn hóa hàng ngày bình quân trong 6 tháng cao nhất của một cổ phiếu trong rổ là 63.042 tỷ đồng và thấp nhất là 1.305 tỷ đồng. Giá trị giao dịch bình quân ngày của một cổ phiếu cao nhất đạt 40,5 tỷ đồng và thấp nhất đạt 2,5 tỷ đồng. Như vậy, các đặc điểm ban đầu của VN30 về giá trị vốn hóa và giá trị giao dịch vẫn được đảm bảo. Nhóm cổ phiếu VN30 ngày càng cải thiện về vốn hoá và duy trì được mức thanh khoản cao.
Về cơ cấu phân ngành các công ty trong rổ, chiếm tỷ trọng cao nhất vẫn là ngành tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, với 10 công ty chiếm tỷ trọng 47,59%; kế đến là ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, với 8 công ty chiếm tỷ trọng 21,67%. Có 3 công ty tham gia ngành kinh doanh bất động sản, với tỷ trọng 14,8%.
VN30 không chỉ là cột mốc cho việc thay đổi căn bản phương pháp tính toán các chỉ số, mà còn là bước khởi điểm cho hàng loạt chỉ số khác trong hệ thống chỉ số của HOSE. Những giá trị tích cực khởi đầu do VN30 mang lại sẽ là tiền đề để Sở tiếp tục phát triển các chỉ số khác trong thời gian tới, dự kiến sẽ là chỉ số dành cho các công ty vừa và nhỏ, chỉ số ngành, chỉ số dành cho nhóm công ty có cổ tức hoặc tăng trưởng cao.
Phòng Nghiên cứu Phát triển, Sở GDCK TP. HCM
Đầu tư chứng khoán
|