Hiệu ứng nới biên độ trên hai sàn
Trong ngày đầu tiên (15/1) nới biên độ dao động giá trên hai sàn, thị trường đã có những phản ứng tích cực.
* Chuyên gia nói gì về điều chỉnh biên độ?
Phản ứng của thị trường
Trao đổi với ĐTCK, ông Dương Văn Chung, Giám đốc Môi giới, CTCK MBS cho biết, trong phiên buổi sáng đầu tiên khi thị trường bắt đầu áp dụng nới biên độ, tâm lý nhà đầu tư tỏ ra khá e dè, nên thị trường chưa phản ánh rõ nét, cũng giống như việc nhà đầu tư ngập ngừng khi “bơi từ sông ra biển”. Tuy nhiên, thị trường bắt đầu có phản ứng trong phiên buổi chiều khi nhiều cổ phiếu nhỏ có dấu hiệu tăng giá mạnh, thậm chí tăng hết biên độ. Theo ông Chung, về cơ bản, việc tăng biên độ giúp thị trường nhanh về điểm cân bằng khi đang tăng và giảm được sự “đau đớn” kéo dài khi thị trường giảm.
Ông Nguyễn Hắc Hải, Trưởng phòng Phân tích, CTCK Rồng Việt (VDSC) cho hay, trong thời gian qua, thị trường chủ yếu tập trung vào sàn HOSE, nhưng trong phiên ngày 15/1 đã có dấu hiệu chuyển dịch dòng tiền sang sàn HNX. Có thể có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, nhưng sàn HNX nới biên độ lên 10%, cao hơn biên độ tại HOSE cũng là yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư.
Theo ông Hải, đợt điều chỉnh biên độ này rơi đúng vào thời điểm thị trường đang đón nhận nhiều thông tin tốt như việc giảm lãi suất, hoạt động sôi động của các quỹ đầu tư theo chỉ số, hay động thái giải cứu thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu và hàng tồn kho của Nhà nước, động thái hỗ trợ TTCK, giúp tâm lý nhà đầu tư tích cực hơn, nên đã phát huy được tác dụng.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, trong phiên đầu tiên nới biên độ, thị trường phản ứng tích cực và phản ánh đúng xu hướng thị trường. Đó là sau khi các cổ phiếu vốn hóa lớn (blue-chip) tăng giá mạnh trong thời gian qua với động lực đến từ dòng vốn ngoại, thì có nhiều mã blue-chip điều chỉnh và dòng tiền có xu hướng chuyển từ các mã lớn sang các mã nhỏ (penny) hoặc các blue-chip có giá dưới 10 “chấm”. Quan sát trong phiên 15/1 có thể thấy, nhiều mã penny trong khoảng giá 3.000 - 6.000 đồng/cổ phiếu đã tăng mạnh hết biên độ như VIS, HQC, HLA, PXL, PVL, DCS… Dự báo, trong thời gian tới, dòng tiền tiếp tục chuyển hướng vào các mã penny có thị giá thấp.
Hiệu ứng biên độ
Việc nới biên độ trong thời điểm hiện tại được cho là hợp lý, hợp thời, trong đó yếu tố quan trọng nhất là sự chuyển biến của kinh tế vĩ mô và sự lạc quan của giới đầu tư. Dĩ nhiên, biên độ lớn thì cơ hội lớn, nhưng đi kèm với rủi ro lớn, nên nhiều người ví việc nới biên độ cũng giống như “dao hai lưỡi”.
Ông Hải cảnh báo, mức độ rủi ro sẽ gia tăng khi biên độ dao động tăng. Thị trường đã tăng điểm nóng trong thời gian qua, nếu tiếp tục tăng mạnh thì nhiều khả năng thị trường cũng sẽ điều chỉnh mạnh, tương tự như một số lần tăng biên độ trước đó.
Ở quan điểm vừa là người môi giới, vừa là nhà đầu tư, giám đốc môi giới một CTCK cho rằng, việc nới biên độ xét về dài hạn là cần thiết và phù hợp. Nhiều thị trường tiên tiến trên thế giới thậm chí còn không giới hạn biên độ, mà để cho nhà đầu tư tự phản ánh, phân loại giá cổ phiếu. Trong ngắn hạn, mặc dù nới biên độ chỉ là một biện pháp kỹ thuật tạo ra khoảng biến động rộng hơn về giá, giúp nhà đầu tư có nhiều sự lựa chọn về giá mua/bán, nhưng đã tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư. Trước đây, khi biên độ còn hẹp, nhiều mã penny chỉ được mua 3 bước giá: sàn - tham chiếu - trần, thì nay nhà đầu tư có thể đặt mua cổ phiếu penny ở nhiều mức giá khác nhau.
“Tuy nhiên, việc tăng biên độ phải đi kèm với việc kiểm soát giao dịch margin. Về phía CTCK, cần phải thận trọng khi cho khách hàng sử dụng margin. Về phía nhà đầu tư, phải kiểm soát được việc sử dụng margin hợp lý thì mới không bị đứt tay”, vị giám đốc môi giới nói.
Hoàng Anh
Đầu tư chứng khoán
|