Vinapaco xin được khoanh nợ, không tính lãi vay
Năm 2012 do ảnh hưởng suy thoái kinh tế nên tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của Tổng Công ty giấy Việt Nam (Vinapaco) gặp nhiều khó khăn: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.298 tỷ đồng, bằng 94,5% kế hoạch; doanh thu đạt 3.299 tỷ đồng, bằng 91% kế hoạch; lợi nhuận đạt 45 tỷ đồng, bằng 53,9% kế hoạch; nộp ngân sách chỉ bằng 58,9% kế hoạch.
Năm 2013, Vinapaco phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.349 tỷ đồng, bằng 103,9% so với năm trước; doanh thu 3.497 tỷ đồng, bằng 106%. Sản phẩm giấy các loại đạt 110.500 tấn, xuất khẩu 400 ngàn tấn dăm mảnh, lợi nhuận đạt 53,2 tỷ đồng, nộp ngân sách 129 tỷ đồng, trồng mới 2450ha rừng, khai thác 210.000 tấn gỗ nguyên liệu.
Tuy nhiên, ông Đỗ Xuân Trụ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty giấy Việt Nam cho biết, hiện nay các đơn vị trong Tổng công ty đang gặp rất nhiều khó khăn vì nguồn vốn cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh rất hạn hẹp; tín dụng bị thắt chặt, lãi suất vốn vay và nhiên liệu tăng cao ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.
Sức cạnh tranh ngày càng gay gắt, sản phẩm tiêu thụ chậm, hàng tồn kho tăng cao; nguồn nhân lực cho dự án mới thiếu nhiều, năng suất lao động thấp. Một số công ty phải dừng hoạt động, hoặc sản xuất cầm chừng; công trình đầu tư chưa phát huy được hiệu quả. Các đơn vị sự nghiệp tại Tổng Công ty chưa tự chủ được kinh phí nên Tổng Công ty vẫn phải cấp kinh phí hoạt động...
Trước hàng loạt những khó khăn về thị trường tiêu thụ, chính sách tín dụng bị thắt chặt, nguồn lực đầu tư cho dự án mới thiếu thốn, năng suất lao động thấp, Tổng Công ty giấy Việt Nam đã đề ra hàng loạt các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch trong năm 2013. Trong đó, Tổng Công ty sẽ tập trung phát triển mạng lưới tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường trong và ngoài nước; áp dụng cải tiến kỹ thuật giảm tiêu hao, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án như: Trung tâm thương mại và giới thiệu sản phẩm, đầu tư hoàn thiện dây chuyền sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; từng bước tháo gỡ khó khăn đưa nhà Nhà máy bột giấy Phương Nam sớm đi vào hoạt động; tiếp tục nghiên cứu dự án nhà máy chế biến gỗ, sản xuất giấy bao bì công nghiệp chất lượng cao tại Bãi Bằng đảm bảo kế hoạch tăng trưởng cho giai đoạn tới. Tổng Công ty mở rộng quan hệ với các tổ chức ngân hàng trong và ngoài nước để khơi thông nguồn vốn vay đầu tư cho các dự án…
Để triển khai thuận lợi các giải pháp trên, Tổng Công ty kiến nghị Chính phủ tiếp tục ứng vốn trả nợ cho Ngân hàng SG; đề nghị cho khoanh phần vốn vay, cho phép không tính lãi đối với các khoản vay các ngân hàng trong nước, chưa phải nộp phí bảo lãnh cho đến khi nhà máy đi vào hoạt động.
Đồng thời đề nghị Chính phủ xem xét cấp ngân sách cho nhà máy 50% vốn lưu động sản xuất và chỉ định ngân hàng cho vây số còn lại để nhà máy có đủ vốn để hoạt động. Đề nghị UBND tỉnh Long An tiếp tục ra soát lại quy hoạch vùng nguyên liệu giao cho dự án quản lý và sử dụng từ 7000-10.000 ha đất để phát triển và chủ động nguồn nguyên liệu cho nhà máy…
Năm 2012 do ảnh hưởng suy thoái kinh tế nên tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của Tổng Công ty gặp nhiều khó khăn: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.298 tỷ đồng, bằng 94,5% kế hoạch; doanh thu đạt 3.299 tỷ đồng, bằng 91% kế hoạch; lợi nhuận đạt 45 tỷ đồng, bằng 53,9% kế hoạch; nộp ngân sách chỉ bằng 58,9% kế hoạch.
Do tiêu thụ giấy gặp nhiều khó khăn nên lượng hàng tồn kho lớn, hiện còn tồn trên 10.790 tấn giấy các loại. Công tác trồng rừng cũng không hoàn thành kế hoạch năm…
Lâm Đào An
Hải Quan
|