Thứ Ba, 29/01/2013 11:54

Phía sau thành tích xuất khẩu

Nhập siêu không đáng lo ngại. Vấn đề là nhập siêu cái gì và từ đâu. Trong thời kỳ nền kinh tế cần có nguồn lực để thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hiện nay, việc nhập siêu những công nghệ, thiết bị, thậm chí là nguyên phụ liệu chất lượng cao phục vụ cho sản xuất là điều đáng hoan nghênh.

Bên kia thành tích

Với kim ngạch cả năm đạt 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011, không thể phủ nhận xuất khẩu là điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế - xã hội năm 2012. Đặc biệt, cả nước đã xuất siêu 284 triệu USD, con số tuy nhỏ nhưng đầy ý nghĩa sau 20 năm nhập siêu.

Tuy nhiên, đằng sau “tấm huy chương” này cũng còn nhiều vấn đề rất đáng phải quan tâm. Đại diện của Tổng cục Thống kê đã không hề quanh co khi chỉ ra rằng, xuất siêu năm nay là bất thường, và thành tích này có được chủ yếu nhờ vào khu vực FDI. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của khối này (bao gồm cả dầu thô) đạt 72,3 tỷ USD, tăng 31,2% so với năm 2011; đóng góp tới 17,7 điểm phần trăm trong tốc độ 18,3% tăng tưởng xuất khẩu của Việt Nam. Chưa hết, khu vực FDI đã xuất siêu tới gần 12 tỷ USD, có nghĩa khu vực trong nước nhập siêu trên 11,7 tỷ USD.

Điều đó một mặt cho thấy những khó khăn hiện nay của các DN trong nước; song nó cũng phần nào phản ánh những bất cập trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam. Hiện hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu là khoáng sản nguyên liệu, nông sản và hàng hóa sơ chế nên giá trị gia tăng thấp và chịu nhiều ảnh hưởng từ biến động giá trên thị trường thế giới. Đơn cử, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù lượng gạo xuất khẩu năm 2012 có thể đạt tới 8,1 triệu tấn, tăng 13,9% về lượng, song chỉ tăng 2,1% về giá trị kim ngạch, đạt 3,7 tỷ USD.

Ngay kết quả xuất siêu cũng khiến nhiều chuyên gia, kể cả các cơ quan quản lý nhà nước lo ngại. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, trong cuộc họp báo cuối năm đã không giấu nổi sự băn khoăn khi đánh giá, xuất siêu đáng quan ngại hơn là thành tích. Bởi, xuất siêu vừa qua là biểu hiện của sản xuất kém phát triển, dẫn đến nhập khẩu nguyên phụ liệu giảm mạnh. Ông Vinh cũng cho rằng, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong các năm tiếp theo.

Tuy nhiên, khi bóc tách các thành phần trong cơ cấu xuất nhập khẩu, vấn đề còn đáng lo ngại hơn. Mặc dù kết quả chung cuộc là con số xuất siêu, song Việt Nam lại nhập siêu từ Trung Quốc tới 16,7 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay và tăng mạnh trong năm qua. Từ năm 2008 - 2011, mỗi năm con số nhập siêu từ nước láng giềng này đều chỉ nhích thêm khoảng 1 tỷ USD và năm ngoái, mới chạm mốc 13,5 tỷ USD.

Cụ thể hơn, nhóm điện thoại và linh kiện, cùng nhóm điện tử máy tính, là nhóm đóng góp lớn nhất vào thành tích xuất siêu nhờ có kim ngạch tăng cao đột biến, cũng lại là những nhóm hàng góp nhiều nhất vào con số gần 29 tỷ USD hàng hóa, nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Do đó, nếu tính một cách sòng phẳng, riêng với nhóm hàng này, “giá trị Việt Nam thu được chỉ là 10% và nếu trừ chi phí vận tải… thì giá trị gia tăng thực sự ta thu về có hơn 2%”, theo chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh.

Nguy cơ phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị từ Trung Quốc đã được cảnh báo từ lâu. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá: “Vấn đề của Việt Nam không chỉ là nhập siêu quá lớn mà còn là nhập những công nghệ, thiết bị tồi, không giúp ích cho việc cải thiện năng lực cạnh tranh”. Bà Lan cho rằng, dù có thể nhập siêu đi chăng nữa, nhưng nếu phục vụ cho hiện đại hóa, công nghiệp hóa kinh tế thì vẫn tốt hơn là xuất siêu sang những nước phát triển để nhập siêu từ một nước trình độ công nghệ thấp.

Những nhận định này của bà Lan cho thấy, nhập siêu không đáng lo ngại. Vấn đề là nhập siêu cái gì và từ đâu. Trong thời kỳ nền kinh tế cần có nguồn lực để thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hiện nay, việc nhập siêu những công nghệ, thiết bị, thậm chí là nguyên phụ liệu chất lượng cao phục vụ cho sản xuất là điều đáng hoan nghênh.

Đón cơ hội từ các FTA

Các DN xuất khẩu dường như đồng tình hơn cả với điều này. Ông Nguyễn Hữu Phải - Tổng giám đốc Công ty may Bắc Giang lật lại vấn đề đang là nút thắt của ngành dệt may - lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Đó là sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nguyên phụ liệu khiến giá trị gia tăng mà ngành này mang lại còn rất thấp. Ông cho rằng, chúng ta phải tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) để tháo gỡ nút thắt này. “Tôi rất hy vọng các DN, nhất là DN châu Âu sẽ chớp cơ hội từ các FTA, đầu tư nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu tại nước ta”, ông Phải cho hay.

Trong tháng 8/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tham gia các thỏa thuận thương mại tự do đến 2020, đặt ra một số nhiệm vụ và định hướng đàm phán các FTA của Việt Nam trong thời gian tới. Theo đó, nhiệm vụ đầu tiên là tham gia FTA phải hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ông Nguyễn Sơn - Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế phân tích, cụ thể hơn là đàm phán FTA phải đảm bảo cho Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này phản ánh sự thay đổi mục tiêu chiến lược của Việt Nam từ chính sách nội địa hóa sang đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ.

Thế nhưng, có một thực tế là các DNNVV Việt Nam – những hạt nhân chính để phát triển công nghiệp hỗ trợ lại đang mắc kẹt, không thể mở rộng phát triển sản xuất do thiếu công nghệ và máy móc hiện đại, bà Phạm Thị Thu Hằng - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DNNVV (VCCI), nhận xét.

“Các FTA thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhập khẩu từ thị trường các nước đối tác”, ông Trịnh Minh Anh - Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế đánh giá. Tuy nhiên, đáng nói là trong hầu hết các báo cáo đánh giá hiệu quả từ việc tham gia các FTA, phần lớn nội dung mới tập trung vào các lợi ích cắt giảm thuế cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào các quốc gia đối tác. Trong khi đó, việc tận dụng FTA để nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, máy móc thiết bị và công nghệ cho phát triển sản xuất trong nước, nâng cao sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu lại chưa được đề cập đúng mức.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cũng nhận định: “Trên thực tế, việc giảm thuế chỉ làm chuyển luồng thương mại, giúp Việt Nam hưởng lợi từ việc nhập khẩu công nghệ và nguyên liệu chất lượng cao với giá rẻ hơn từ các nước phát triển”.

Cũng như ông Phải, một số ít DN trong nước đã bắt đầu tìm hiểu về những lợi ích của hợp tác thương mại quốc tế, và đang mong mỏi đàm phán thành công FTA sẽ giúp họ thông qua cắt giảm thuế, có thể tiếp cận dễ dàng hơn với những mặt hàng công nghệ, nguyên liệu chất lượng cao từ các nước phát triển với giá rẻ hơn. Theo phản ánh của nhiều DN, thiết bị nhập từ các quốc gia này hiện nay giá thành vẫn rất cao và DN khó lòng tiếp cận.

Chỉ còn chưa đầy 2 năm, nền kinh tế sẽ bước vào thời kỳ mở cửa rộng hơn nữa khi nhiều FTA bắt đầu được thực thi một cách sâu rộng. Ngay từ bây giờ, nếu không có sự cải thiện thích hợp để đón đầu lợi ích cải thiện nền sản xuất trong nước, cán cân xuất nhập khẩu hoàn toàn có khả năng quay trở lại tình trạng nhập siêu cao như thời gian qua.

Ngọc Khanh

THời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Năm 2013: Việc kiểm soát giá rất nặng nề! (29/01/2013)

>   Ông Vũ Viết Ngoạn: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cần cú hích “hồi sức” tổng cầu (29/01/2013)

>   Khánh thành cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải (29/01/2013)

>   Bộ trưởng Tài chính: Chính phủ đặc biệt quan tâm đến doanh nghiệp (28/01/2013)

>   Thái Lan muốn hợp tác với Việt Nam trong xuất khẩu gạo (28/01/2013)

>   Thiệt vì “tin ở doanh nghiệp nhà nước” (28/01/2013)

>   Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm trong tháng 1 (28/01/2013)

>   2013 phấn đấu vượt chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu khoảng 10% (28/01/2013)

>   Ai bảo lương, thưởng tết tăng? (28/01/2013)

>   Xuất khẩu nông - lâm - thuỷ sản: Tín hiệu vui đầu năm (28/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật