Thiệt vì “tin ở doanh nghiệp nhà nước”
“Chính tôi là người ký văn bản không cho ông Ngô Công Cường (nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lilama Hà Nội) nghỉ hưu”, ông Phạm Quang Nhân - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Lilama nói với Thời báo Ngân hàng.
Chuyện “lình xình” tại dự án nhà ở 52 Lĩnh Nam của Lilama Hà Nội có liên quan đến ông Cường, theo nhìn nhận của các lãnh đạo Tổng công ty Lilama đang khiến họ “rất đau đầu”. Trong khi khách hàng đã nộp hàng trăm tỷ đồng cho DN này có nguy cơ không thể nhận được nhà như công ty cam kết, ông Nhân cho biết: “Chúng tôi đã hỗ trợ đủ cách, nhưng hoạt động của công ty cũng không khá lên được”.
Sự bức xúc của người mua nhà đã lên đến đỉnh điểm khi cuối tuần trước Lilama Hà Nội tiếp tục “trốn hẹn” với khách hàng. Trong buổi sáng 23/1, một nhóm người mua đã tìm đến Tổng công ty Lilama để tố cáo nhiều “sai phạm” của DN này.
Theo văn bản gửi báo chí, vào tháng 11/2011, khi công trình 27 tầng tại 52 Lĩnh Nam đã xây đến tầng 21, Lilama Hà Nội thông báo với khách hàng sẽ hoàn thành phần thô dự án vào tháng 2/2012, đồng thời đề xuất khách hàng nộp thêm 25% giá trị hợp đồng mua bán để đổi lấy 5% ưu đãi giảm giá.
Tuy nhiên, ngay khi nhận được tiền của khách hàng, dự án đột ngột “án binh bất động” cho đến nay. “Đó là dấu hiệu lửa đảo, chiếm đoạt tài sản cá nhân”, ông Nguyễn Vũ Uy, đại diện người mua nói và cho biết thêm nhiều khách hàng đã nộp tới 95% giá trị hợp đồng mua bán căn hộ tại dự án này.
Trong khi đó, cũng theo phản ánh của khách hàng dự án 52 Lĩnh Nam, Lilama Hà Nội trong thời gian triển khai dự án đã có thêm nhiều “sai phạm” như đưa không gian giếng trời thông thoáng giữa hai căn hộ vào diện tích bán cho khách hàng để thu thêm tiền ngoài hợp đồng đã ký trước đó; “cơi” thêm tầng mà chưa được phép, nhưng đã “bán nhà trên giấy” cho khách hàng... “Chúng tôi nhận thấy ở đây có biểu hiện chiếm dụng vốn trái phép và kinh doanh bất động sản không đủ điều kiện…”, ông Uy tố cáo và thêm: “Chúng tôi nghĩ DNNN sẽ không dám làm trái pháp luật, nhưng chúng tôi đã nhầm”.
Khách hàng Phạm Thị Quang tính toán, với xấp xỉ 300 căn hộ tại dự án 52 Lĩnh Nam, đã có khoảng 400-500 tỷ đồng được các khách hàng nộp cho chủ đầu tư dự án này. Hơn nữa, Lilama Hà Nội không phải bỏ tiền mua đất dự án, vì đây chính là trụ sở của DN, bà Quang cho rằng chỉ cần bỏ ra dưới 70% số tiền thu từ khách hàng là Lilama Hà Nội đã có thể hoàn thành dự án. Trong khi đó, sự chậm trễ bàn giao tài sản cho khách hàng của Lilama Hà Nội đang khiến nhiều người mua chịu thiệt hại nặng nề.
Ông Nguyễn Vũ Uy cho biết, bản thân gia đình ông đang phải đi ở nhờ nhà chị gái. Cùng bức xúc này, bà Phạm Thị Quang rưng rưng: “Hai vợ chồng cùng hai con chúng tôi phải đi ở nhờ căn gác mái 12 m2 của người quen”. Bà cho hay, vì chưa có nhà nên con trai bà mất cơ hội lên Hà Nội làm việc. Ông Uy làm con tính rằng, với việc thu tới 95% giá trị hợp đồng, thu thêm diện tích căn hộ, giao nhà chậm, riêng trường hợp của ông đã chịu thiệt khoảng 510 triệu đồng. “Càng để chậm ngày nào, thiệt hại của chúng tôi càng tăng lên”, ông nói.
Phía Tổng công ty Lilama cũng thừa nhận, ông Cường “có dấu hiệu vi phạm”, nhưng từ chối trả lời cụ thể trước báo chí về sai phạm của ông này. Theo Phó tổng giám đốc Nhân, Tổng công ty Lilama đã kiến nghị Hội đồng quản trị Lilama Hà Nội bãi nhiệm ông Cường. Sau đó, ông Cường có đơn xin nghỉ hưu dù chưa đến tuổi. “Theo luật, sau khi gửi đơn 45 ngày thì ông Cường được phép tự động nghỉ. Chúng tôi không can thiệp được”, ông Vũ Tiến Trình (Ban Pháp chế Tổng công ty Lilama) cho hay. Còn ông Nhân cho biết, Tổng công ty chỉ còn cách không làm sổ hưu cho ông Cường.
Với trường hợp Công ty Lilama Hà Nội, cái lý cho quan điểm “để DN tồn tại” của Tổng công ty Lilama là do “uy tín chung”. Ở phía người mua nhà, thiệt hại lớn trong trường hợp DN “đổ bể” là lý do vụ việc không thể được đưa lên tòa án giải quyết. Ông Trình tính toán: “Nếu buộc Công ty phá sản, tài sản của người mua nhà đáng 10 chỉ thu về dưới một”.
Phía Tổng công ty Lilama, hành xử thế nào với “hậu quả để lại” cũng không dễ. “Chúng tôi chỉ còn cách giơ tay đồng ý cho họ bán tài sản, tạo cơ chế đủ cách để tháo gỡ…”, ông Nhân cho biết. Hội đồng quản trị Lilama Hà Nội đã thông qua phương án bán nhà máy cơ khí tại Khu công nghiệp Quang Minh, bán tòa nhà văn phòng Công ty, bán 4 tầng dưới các dự án cao tầng... Tuy thế, thời buổi khó khăn này và với cơ chế không linh hoạt của bộ máy DNNN như Lilama Hà Nội thì giải pháp kể trên không dễ thực hiện sớm. “Vấn đề là phải có tiền mới tính được giải pháp, nhưng hiện giờ thì trống trơn hết cả”, ông Trình nói.
Trước đòi hỏi của người mua rằng bao giờ dự án khởi động lại được, hay trả tiền bàn giao nhà chậm theo lãi suất ngân hàng… phía đại diện Tổng công ty Lilama trả lời, họ không có quyền can thiệp. Còn với những người đại diện phần vốn Nhà nước tại Lilama Hà Nội, giải thích cho những bất bình của khách hàng “đơn giản” hơn: “Chúng tôi mới về, không nắm rõ”. Trong khi các bên không thể đưa vụ việc ra toà, những cá nhân có trách nhiệm trước các thiệt hại của khách hàng dự án 52 Lĩnh Nam đang “bình chân như vại”.
thời báo ngân hàng
|