Thứ Hai, 28/01/2013 08:40

Hàng không cạnh tranh khốc liệt

Cuộc chạy đua khá khốc liệt về giá vé giữa các hãng giá rẻ và Vietnam Airlines đang chia thị trường thành những phân khúc mới.

Khi tung ra chương trình bán vé tết, Vietnam Airlines (VNA) đã kỳ vọng nhu cầu hành khách năm nay sẽ tăng 10% trên trục đường bay chính Hà Nội - TP.HCM - Hà Nội và tăng 13% trên đường bay TP.HCM - Đà Nẵng - TP.HCM. Nhưng sau 2 đợt mở bán, hãng công bố vẫn còn thừa tới 125.000 vé khi chỉ còn cách tết 3 tuần.

Các hãng hàng không giá rẻ đã tạo sức ép lớn lên thị phần của Vietnam Airlines

Trên mạng của VNA trong các ngày cao điểm từ 6.2 (26 tết) đến khoảng 15.2 (7 tết), đều còn vé nhưng ở mức giá cao. Mức giá thấp nhất ở dạng linh hoạt cũng lên tới 2,997 triệu đồng/lượt (chưa thuế phí) và cao nhất là hạng thương gia 4,460 triệu đồng/chiều (chưa thuế phí). Trong khi đó, trên mạng của VietJet Air (VJA) hoặc Jetstar Pacific Airlines (JPA) cùng thời điểm tương tự không còn nhiều chỗ trống, nhưng giá mềm hơn VNA khá nhiều.

Kinh tế khó khăn khiến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sụt giảm mạnh là nguyên nhân khiến VNA ế vé, nhưng quan trọng hơn là sự cạnh tranh của các hãng như VJA, JPA. Không chỉ trong đợt tết, nếu tính chung cả năm, VNA đã phải san sẻ khá nhiều thị phần nội địa cho các hãng tư nhân như VJA, Air Mekong (AMK). Dù có nhiều dải giá khác nhau, nhưng việc duy trì giá ở mức cao đã khiến VNA đã mất thị phần khá đáng kể trên một số đường bay chủ đạo như Hà Nội/Đà Nẵng - TP.HCM, Đà Nẵng - TP.HCM/Hà Nội, Hà Nội - Nha Trang. Đặc biệt, việc VietJet Air (vốn chỉ tập trung vào các đường bay trục - cũng là đường bay lợi thế của VNA) liên tục tăng tải và duy trì mức giá thấp đã tạo nên cuộc đua giành khách khốc liệt. Báo cáo năm 2012 cho biết, tính đến giữa tháng 12.2012 thị phần nội địa của VNA còn 69,7%, giảm 4,47% so với năm 2011.

Không chỉ đưa ra các chương trình khuyến mãi dồn dập, mặt bằng giá rẻ ngang đường bộ, đường sắt của VJA (chỉ từ 500.000 đồng/chặng) giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn và nhiều cơ hội tiếp cận giá vé rẻ hơn. Tuy nhiên, ở góc độ khác, việc chạy đua khuyến mãi, tăng chiết khấu cao cho đại lý trong bối cảnh các đường bay nội địa chưa sinh lãi, thậm chí lỗ, khiến các hãng gặp nhiều khó khăn. VNA có lợi thế lớn từ các dịch vụ hậu cần, sự hỗ trợ từ các đường bay quốc tế để có thể cân đối được tài chính khi thị phần nội địa gặp khó khăn, thì với những hãng nhỏ như VJA, AMK vốn dĩ lợi nhuận tập trung ở thị phần nội địa, việc thị trường này khó khăn sẽ ảnh hưởng không nhỏ.

Riêng Air Mekong, những thông tin bất lợi như bị Vinapco thúc nợ xăng dầu hay tạm ngừng lịch bay từ 28.2 tới đây, ít nhiều cho thấy những khó khăn hãng này đang phải đối mặt. Theo một chuyên gia, chiến lược phát triển thị trường ngách (chủ yếu các đường bay du lịch) để tránh đối đầu trực tiếp với VNA của AMK sau 2 năm thực hiện đã bộc lộ khá nhiều bất cập, và đặc biệt ngày càng lỗ do không đủ bù chi phí. Với những hãng hàng không mới, việc thua lỗ vài ba năm đầu là điều không thể tránh khỏi. Nhưng nếu không đủ khả năng tài chính để bù đắp các khoản lỗ ban đầu, khó khăn với Air Mekong thời gian tới sẽ còn lớn hơn rất nhiều.

Để san sẻ lỗ nội địa, các hãng như JPA, VJA đều đang có chiến lược phát triển đường bay quốc tế. Theo chuyên gia trên, đây là chiến lược đúng khi thị trường nội địa có dấu hiệu chững lại, “nhưng thị trường bay quốc tế còn khốc liệt hơn nội địa vì rất nhiều hãng tham gia. Dù có giá trị lợi nhuận tốt hơn nhưng nếu quản lý không tốt, một khi đã lỗ thì lỗ hơn thị trường nội địa rất nhiều”.

Mai Hà

thanh niên

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp Nhà nước giảm chỉ tiêu kinh doanh (28/01/2013)

>   Ấn, Thái, Việt đua giành siêu cường gạo, nước thứ ba "đắc lợi" (27/01/2013)

>   Xuất khẩu cà phê và tiêu vẫn tiếp tục đà tăng trưởng (27/01/2013)

>   Ký hợp đồng dự án lọc hóa dầu lớn nhất Việt Nam (27/01/2013)

>   Cơ hội khác thường (27/01/2013)

>   Kỳ vọng chính sách (27/01/2013)

>   Tìm lối thoát cho xi măng (27/01/2013)

>   Giải thể DN để trốn thuế nhập khẩu ôtô (26/01/2013)

>   Khơi vốn hơn giảm thuế (26/01/2013)

>   Bình đẳng mọi thành phần kinh tế (25/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật