Kỳ vọng chính sách
Dù lãi suất liên tục điều chỉnh giảm nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh.
Lãi suất cho vay phổ biến của TCTD đối với khách hàng (nguồn NHNN)
|
Theo hiệp hội DNNVV VN (VINASME), có đến 96% DN đăng ký ở VN là DNVVN và khối này tạo ra đến hơn 40% giá trị GDP, tạo ra hơn 1 triệu việc làm mới mỗi năm, với lợi ích mang lại đặc biệt là giải quyết rất nhiều lao động chưa qua đào tạo.
Khó khăn vốn: “Điệp khúc” trong khủng hoảng
Thế nhưng, công bố số liệu từ hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia cho hay trong năm 2012, tổng số DN dừng hoạt động và giải thể trên cả nước là 58.173 (trong đó: có 48.818 DN dừng hoạt động và 9.355 DN giải thể).
Nguyên nhân chính là do bối cảnh nền kinh tế VN trong những năm gần đây (từ năm 2008 đến nay) và đặc biệt năm 2011 có rất nhiều bất ổn như giá hàng hóa, giá dầu mỏ và giá một số nguyên vật liệu chủ yếu tăng cao và có diễn biến rất phức tạp cũng như đầu tư công tràn lan nhưng lại kém hiệu quả và các “đầu tàu” của nền kinh tế ồ ạt đầu tư ngoài ngành. Chính trong bối cảnh như vậy nên Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI ra đời với mục tiêu chủ yếu: ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh… Theo nhận định chung của các chuyên gia thì nghị quyết ra đời là tương đối phù hợp với tình hình kinh tế xã hội VN trong giai đoạn đó và với nghị quyết này đã làm giảm tỉ lệ lạm phát một cách “ngoạn mục” từ 18,13% của năm 2011 xuống còn là 6,81% năm 2012 nhưng chính nghị quyết này cũng đã tạo cú “shock” rất lớn đối với toàn bộ hệ thống DN nói chung và DNVVN nói riêng.
Thứ 2, đa phần hiện nay các DNVVN đều có tỉ số nợ quá cao, các DN quá phụ thuộc vào vốn vay NH và với sự tăng trưởng tín dụng thì các NH cũng dễ dàng cho DN vay trong thời gian trước. Song song, một số DNVVN với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận nên khi thừa vốn cũng tham gia vào đầu tư ngoài ngành với mục tiêu thu lợi nhuận trong ngắn hạn như bất động sản và chứng khoán nhưng khi thị trường bất động sản đóng băng và thị trường chứng khoán đi xuống thì họ rất khó thu hồi vốn ngay để đáp ứng nhu cầu nên không thể đủ vốn để hoạt động.
Bên cạnh đó, sự bất ổn của hệ thống NH ngày một tăng mà nguyên nhân và lãi suất dâng cao cũng khiến DN không thể kham nổi lãi suất.
Nỗ lực từ nhiều phía
Để DNVVN mạnh dạn tìm nguồn vốn nhằm phục vụ tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Giải pháp quan trong nhất hiện nay là Nhà nước nên kích cầu (tiêu dùng) nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN vì hiện nay lượng hàng tồn kho của các DN ở các ngành nghề rất lớn.
Do đó, các chính sách thuế như: Tăng thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân và hiện tại Quốc hội đã thông qua mức tăng thu nhập chịu thuế; Giảm hoặc miễn thuế suất thuế giá trị gia tăng trong một thời hạn nhất định (như năm 2009) với mục tiêu nhằm giảm giá bán đến tay người tiêu dùng, mạnh dạn hơn nữa trong miễn giảm thuế thu nhập DN nhằm tạo điều kiện cho DN tạm dùng tiền nộp thuế để duy trì hoạt động hay tăng phần lợi nhuận giữ lại… mới hỗ trợ gỡ khó thiết thực cho DN.
Dĩ nhiên, sau khi có giải pháp kích cầu thì bản thân các DN cũng cần phải chứng minh năng lực để làm “an lòng” các chủ nợ khi họ muốn cấp tín dụng cho DNVVN như: Các DN này cần phải tạo sự minh bạch trong hệ thống báo cáo tài chính để tạo sự tin tưởng của chủ nợ cũng như các nhà đầu tư như số liệu cần phải kiểm toán với chất lượng cao, làm rõ các chỉ tiêu về khả năng sinh lời cũng như khả năng thanh toán nợ; Nâng cao chất lượng hoạt động DN bằng cách tăng cường trình độ cán bộ quản lý cũng như lao động nhằm có chiến lược phát triển trong ngắn hạn cũng như trung và dài hạn; Tăng cường nội lực bản thân bằng các nguồn: Bổ sung thêm vốn chủ sở hữu thông qua tăng lợi nhuận giữ lại hàng năm, kêu gọi thêm các thành viên góp vốn...
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hơn nữa tái cơ cấu lại hệ thống NH sau một thời gian quá nhiều NH quy mô nhỏ được lập ra bằng cách mua bán hay sáp nhập, tăng vốn theo quy định... nhằm tạo điều kiện cho NH ổn định về tính thanh khoản cũng như hoạt động nhằm duy trì mức lãi suất mà nền kinh tế chấp nhận là điều mà các DN mong đợi ở Chính phủ trong năm 2013.
Một vấn đề không kém phần quan trọng là các NH và DNVVN cần “ngồi lại với nhau” để tái cơ cấu nguồn vốn DN cũng như khoanh các khoản nợ quá hạn: Nợ quá hạn thành nợ ngắn hạn, nợ ngắn hạn thành nợ dài hạn hoặc tiếp tục cho DNVVN vay bổ sung vốn lưu động nếu có chiến lược hoạt động tốt cũng như tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh: tập trung vào ngành nghề chính, tránh tình trạng đầu tư dàn trải. Hay các NH nên chứng khoán hóa các khoản nợ xấu, có nghĩa là chuyển các khoản nợ xấu thành vốn góp cổ phần. Với cách làm này thì cần phải có những quy định cụ thể của Chính phủ về ngân hàng nào được tham gia và DN loại nào sẽ được chuyển thực hiện nghiệp vụ này… Và về phía NH phải dùng “quyền lực” của mình để tái cấu trúc DN hoạt động hiệu quả và sau đó có thể xem xét bán cổ phần đó cho nhà đầu tư khác và như vậy NH sẽ bảo toàn được vốn. Còn về phía DN, khi không còn áp lực trả nợ thì họ sẽ tập trung vào sản xuất kinh doanh. Như trường hợp ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) “giải cứu” Cty cổ phần Thủy Sản Bình An là minh chứng rất sống động trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
“Tránh sốc”
Cũng phải nói thêm, hiện nay, mặc dù lãi suất huy động đã giảm chỉ còn 8% nhưng đa phần các DN, đặc biệt DNVVN đều phải trả lãi suất rất cao cho các khoản vay cũ có thể lên đến 14 - 15%/năm và một số ngân hàng còn cao hơn nữa. Với mục tiêu giảm khó khăn cho DNVVN thì NHNN cũng có thể nên xem xét áp trần lãi suất cho vay cho các khoản nợ vay cũ và khoản nợ vay mới nhằm hài hòa lợi ích của người đi vay và cho vay. Và NHNN cần xem xét giảm lãi suất tái cấp vốn xuống thấp hơn nữa để hỗ trợ các NHTM, quá đó họ sẽ hỗ trợ lãi suất cho các DNVVN.
Theo ghi nhận của chúng tôi trong quá trình trao đổi với DN, nhiều DN cũng kỳ vọng Nhà nước nên thành lập các quỹ hỗ trợ DNVVN với nguồn tài chính dồi dào hơn để có sự trợ giúp kịp thời đối với DN gặp khó khăn, thiếu vốn, muốn mở rộng sản xuất kinh doanh… cho các dự án có hiệu quả với điểu kiện được thẩm định chặt chẽ. TP HCM hiện có quỹ bảo lãnh tín dụng đối với DNVVN, tuy nhiên chỉ với 200 tỉ đồng thì không thể nào hỗ trợ được nhiều trong khi nhu cầu của các DNVVN quá lớn. Mặt khác, các chính sách tiền tệ của Nhà nước cần phải phải vận hành linh hoạt trong sự nhất quán, có thể có phương án phân bổ đều nhằm đảm bảo tăng trưởng tín dụng ổn định, có chất lượng để DN lường trước các khả năng có thể xảy ra nhằm có kế hoạch ứng phó hay thay đổi kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, vốn từ NH cho DN vẫn chỉ là nguồn vốn ngắn hạn. Do đó, một chính sách phát triển ngay, nhanh chóng thị trường thương phiếu (ngắn hạn) hay trái phiếu (dài hạn) DN thông qua các giải pháp cần thiết như: Khuyến khích sự tham gia của các tổ chức đánh giá tín nhiệm của các DN; Khuyến khích các nhà tạo lập thị trường tham gia: Các tổ chức tín dụng tham gia bảo lãnh, chiết khấu thương phiếu hay trái phiếu DN là rất quan trọng; đồng thời cần phải nên đa dạng hóa hình thức này cũng như khuyến khích các tổ chức kinh tế hay quỹ đầu tư tham gia đầu tư vào thưong phiếu hay trái phiếu DN… là rất cần thiết.
Tóm lại, để vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay cũng như để phát triển bền vững trong tương lai thì DNVVN ngoài nỗ lực hết mình thì cũng cần phải có sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính về vốn cũng như sự hỗ trợ cần phải kịp thời của Nhà nước. Kỳ vọng của DNVVN trong năm 2013 và những năm tới đây, tựu trung lại, vẫn là: Chính sách Nhà nước ban hành cần phải kịp thời và phù hợp với tình hình thực trạng của DNNVV, tránh tình trạng đưa ra các giải pháp “shock” khiến họ không thể lường trước và càng gây khó khăn hơn cho họ trong quá trình hoạt động.
ThS
Võ Minh Long
Giảng viên khoa Tài chính – Ngân hàng
Trường ĐH Mở TP HCM
Diễn đàn DN
|