Thứ Ba, 29/01/2013 08:16

Ông Vũ Viết Ngoạn: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cần cú hích “hồi sức” tổng cầu

Kích thích tổng cầu hiện được nhìn nhận là giải pháp căn cơ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp giải tỏa tình trạng tiêu thụ trì trệ và tồn kho lớn. Quan điểm này được Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia - ông Vũ Viết Ngoạn - phân tích thêm:

- Có ý kiến cho rằng, Nghị quyết 01/NQ-CP thiên về tập trung ổn định kinh tế vĩ mô liệu có sự “lệch pha” với Nghị quyết 02/NQ-CP vốn tập trung vào những giải pháp hỗ trợ thị trường. Là cơ quan tham gia tích cực vào quá trình xây dựng hai nghị quyết này, chúng tôi cho rằng, hai nghị quyết này hết sức đồng bộ với nhau. Bởi trong khi Nghị quyết 01 đề ra những giải pháp chung, tư tưởng của Nghị quyết 02 là tập trung giải quyết vấn đề nổi cộm của năm. Đó chính là các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn và cần phải có các giải pháp thúc đẩy thị trường, kích thích và làm tăng tổng cầu nền kinh tế.

Nói như vậy để thấy, Nghị quyết 02 thực ra là một cấu thành trong tổng thể chung của Nghị quyết 01, cụ thể hóa một số biện pháp nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng hợp lý theo mục tiêu tăng trưởng phải cao hơn, lạm phát phải thấp hơn năm trước.

Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới vừa được WB công bố mới đây lại cho rằng, các nước đang phát triển như VN nên tập trung vào phần cung hơn là kích cầu?

- Đây là báo cáo chung về tổng thể của kinh tế toàn cầu và do đó không phải là đề xuất mang tính chi tiết cụ thể cho từng quốc gia. Tôi cho rằng với Việt Nam, việc điều chỉnh căn cứ vào tình hình chung của thế giới, nhưng đặc biệt quan trọng là điều kiện cụ thể hiện nay. Ở điều kiện hiện tại, nền kinh tế đang phải đối mặt với một loạt các mâu thuẫn mà trong đó một mặt vừa phải tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, mặt khác các DN lại đang đối mặt với tình trạng tiêu thụ khó khăn, hàng tồn kho lớn. Nguyên nhân được nhìn nhận là do tổng cầu thấp, kể cả cầu đầu tư và tiêu dùng.

Giải quyết tình trạng này cần đến các giải pháp nhằm “sưởi ấm” tổng cầu nền kinh tế. Do đó, song song với các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, chúng ta phải tiếp tục đưa ra các giải pháp tăng tổng cầu. Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng nó nằm trong một thể thống nhất và đòi hỏi chính sách của chúng ta phải hết sức linh hoạt.

Dường như các giải pháp kích thích tổng cầu đang tập trung nhiều vào bất động sản thông qua việc bơm tiền cho thị trường này?

- Thời gian gần đây, chúng ta chứng kiến nhiều giải pháp được Chính phủ đưa ra nhằm giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản. Quan điểm của tôi cho rằng, chúng ta không nên hiểu Chính phủ bơm tiền cho thị trường này một cách tùy ý. Các biện pháp của Chính phủ là rất cụ thể, chẳng hạn sẽ quan tâm hỗ trợ những đối tượng có nhu cầu thiết thực về nhà ở như ở phân khúc thị trường nhà xã hội thay vì phân khúc thị trường nhà cao cấp đang dư thừa. Các hình thức hỗ trợ ở cũng cụ thể như cho vay tiền với lãi suất thấp và kỳ hạn dài để phù hợp với khả năng của người mua. Đây cũng là một cách sưởi ấm lại thị trường dù để giải quyết vấn đề, vẫn cần phải có thời gian chứ không thể làm trong một sớm một chiều. Quá trình thực hiện cũng cần phải theo dõi, nghe ngóng tín hiệu thị trường nhằm tránh việc gây ra các tác động phụ.

Hơn nữa, dù tín dụng có được bơm ra nhằm hỗ trợ thị trường, NHNN cũng sẽ phải rất thận trọng nhằm đảm bảo cung ứng ở mức độ hợp lý. Đến thời điểm thị trường có dấu hiệu thay đổi có thể phải lập tức có giải pháp hút tiền về nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Văn Nguyễn

Lao động

Các tin tức khác

>   Khánh thành cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải (29/01/2013)

>   Bộ trưởng Tài chính: Chính phủ đặc biệt quan tâm đến doanh nghiệp (28/01/2013)

>   Thái Lan muốn hợp tác với Việt Nam trong xuất khẩu gạo (28/01/2013)

>   Thiệt vì “tin ở doanh nghiệp nhà nước” (28/01/2013)

>   Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm trong tháng 1 (28/01/2013)

>   2013 phấn đấu vượt chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu khoảng 10% (28/01/2013)

>   Ai bảo lương, thưởng tết tăng? (28/01/2013)

>   Xuất khẩu nông - lâm - thuỷ sản: Tín hiệu vui đầu năm (28/01/2013)

>   Xuất nhập khẩu tháng 1 đạt 20 tỉ USD (28/01/2013)

>   Thu mua tạm trữ lúa gạo: “Lối cũ ta về” (28/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật