Bức tranh FDI: Nhiều gam màu sáng
Từ cuối năm 2012, mặc dù bức tranh tổng quan về kinh tế cả trong và ngoài nước còn rất nhiều khó khăn nhưng có những dấu hiệu cho thấy Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Thêm nhiều dự án mới
Ngay trong những ngày đầu năm 2013, Tập đoàn Starbucks với một chuỗi hơn 3.300 cửa hàng cà phê tại 11 nước (riêng ở châu Á-Thái Bình Dương) tuyên bố sẽ mở nhà hàng cà phê đầu tiên của họ ở Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh như là một phần trong chiến lược mở rộng ở châu Á.
Chưa đầy một tuần sau, quỹ đầu tư toàn cầu của Mỹ KKR & Co. thông qua quyết định đầu tư 200 triệu USD vào Công ty CP hàng tiêu dùng Masan (Masan Cosumer Corp.), được đánh giá là khoản đầu tư lớn nhất tính tới nay tại Việt Nam do một công ty cổ phần tư nhân thực hiện. Trước đó, KKR & Co. đã “đổ” vào Masan 159 triệu USD hồi tháng 4/2011.
Giữa tháng 1, công ty lọc dầu của Nhật Idemitsu Kosan Co. cùng Kuwait Petroleum International Ltd. và một số đối tác khác đã giành được hợp đồng EPC để đầu tư vào dự án lọc dầu Nghi Sơn trị giá 9 tỉ USD. Dự án sẽ được khởi công trong quý II/2013 để có thể sản xuất thương mại từ năm 2017. Với số tiền đầu tư của mình, Idemitsu và đối tác Kuwait đều nắm 35,1% cổ phần tại dự án, trong khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nắm 25,1%.
Đặc biệt, lĩnh vực bán lẻ được xem là sẽ nhận được lượng FDI lớn khi nhiều công ty bán lẻ Pháp, Đức, Nhật và Hàn Quốc có kế hoạch mở các siêu thị mới hoặc mở rộng những cơ sở hiện có của họ trong năm nay.
Metro, công ty bán lẻ của Đức, chỉ có thể mở được một siêu thị tại Calcutta vài năm trước trong khi ở Việt Nam, họ có kế hoạch mở tới 16 siêu thị mới, nâng tổng số cửa hàng của Metro tại Việt Nam lên 35.
Lotte Mart của Hàn Quốc cũng có kế hoạch mở 60 siêu thị vào năm 2020.
Tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật đã công bố kế hoạch khai trương một khu phức hợp mua sắm lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh vào đầu năm tới, tiếp đến sẽ là ở Hà Nội. Tập đoàn này dự kiến sẽ vận hành 20 trung tâm mua sắm tại Việt Nam vào năm 2020.
Theo cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/1/2013, cả nước có 37 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt 257,1 triệu USD, tăng 293% so với cùng kỳ năm 2012.
Vượt qua nhiều nước về thu hút FDI
Những hoạt động đầu tư trên chính là những biểu hiện cụ thể cho một thực tế đang diễn ra: Việt Nam thu hút được lượng FDI cao thứ hai ở châu Á, chỉ sau Singapore, theo một báo cáo gần đây của Ngân hàng HSBC.
Giới phân tích đánh giá rằng, trong bối cảnh các nhà sản xuất những mặt hàng giá trị thấp đang tìm kiếm những quốc gia có lực lượng lao động giá rẻ và thị trường tiêu dùng đủ lớn để duy trì nhu cầu nội địa mạnh mẽ, Việt Nam sẽ tận dụng được lợi thế vì có lợi thế về sản xuất cần nhiều lao động.
Với dân số khoảng 90 triệu, trong đó hơn 60% dân số dưới tuổi 35 và lực lượng lao động chắc chắn sẽ tăng trong 2 thập kỷ tới, dẫn tới nhu cầu trong nước tăng.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của lạm phát nhưng dòng FDI đổ vào Việt Nam vẫn được HSBC xem là lớn và điều này cho phép Việt Nam có được thị phần trong lĩnh vực chế tạo như may mặc và da giày.
Xuất khẩu của Việt Nam cũng đang tăng về giá trị nhờ có đầu tư của các công ty Hàn Quốc và Nhật Bản vào lĩnh vực điện tử.
Năm 2011, FDI của Nhật chiếm tới 25% tổng vốn đổ vào Việt Nam và con số này tăng lên 58% trong 10 tháng đầu năm 2012.
Theo một khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), các nhà đầu tư Nhật nhận thấy Việt Nam hấp dẫn vì chi phí sản xuất thấp, lực lượng lao động dồi dào và ổn định chính trị cao, nếu so sánh với Thái Lan và Nhật Bản.
Những lĩnh vực cần cải thiện
Khảo sát của JETRO gợi ý nếu Việt Nam tiếp tục cải thiện cơ cấu kinh tế, thu hút FDI thông qua chính sách ổn định và các ưu đãi một cách mạnh mẽ hơn thì dòng FDI chắc chắn sẽ tăng thêm. Giới phân tích cũng hy vọng rằng, với việc chính phủ đặt ổn định kinh tế là ưu tiên hàng đầu thay vì tăng trưởng nhanh, Việt Nam sẽ có thêm những tiến bộ.
Những lĩnh vực cần quan tâm là hạ tầng, tiếp cận nguyên liệu thô, các loại thuế quan, thủ tục hành chính, nạn tham nhũng và sản phẩm trung gian dành cho sản xuất.
Một điểm cần lưu ý nữa là Việt Nam cần tăng cường tay nghề của lực lượng lao động và cải thiện năng lực thẩm thấu cũng như tối đa hóa kiến thức công nghệ của nền kinh tế với nền tảng giáo dục tốt hơn và các chính sách hỗ trợ sự kết nối với các công ty nội địa.
Một giải pháp mà Việt Nam có thể phát huy là khai thác cách làm của Intel: Hãng này đã đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam năm 2009 và gửi nhân công Việt Nam qua các cơ sở khác ở châu Á để nâng cao tay nghề, đáp ứng các tiêu chuẩn đặt ra. Công ty cũng giải quyết sự thiếu hụt về lao động có tay nghề bằng cách gợi ý với các trường đại học Mỹ xây dựng cơ sở ngay tại Việt Nam.
Trong thập niên tới, khi chi phí sản xuất tại Trung Quốc và Thái Lan tăng, Việt Nam chắc chắn sẽ là ứng viên sáng giá và có vị thế cao hơn nữa trong chuỗi giá trị, theo giới phân tích. Việt Nam cũng sẽ gia nhập câu lạc bộ 100 triệu dân vào giữa những năm 2020. Nếu thu nhập tiếp tục tăng, HSBC tin Việt Nam sẽ trở thành một đích đến ngày càng hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.
Xuân Hồng
Chính phủ
|