Thứ Hai, 07/01/2013 15:12

Vào top 10 thị phần môi giới CK để làm gì?

Ngoài những CTCK quen thuộc, top 10 thị phần môi giới chứng khoán thi thoảng vẫn xuất hiện những cái tên khá lạ lùng. Nhưng việc trụ lại trong bảng xếp hạng này lại là một câu chuyện khác.

Sớm nở tối tàn

6 tháng trước, CTCK Golden Bridge Việt Nam (GBS) còn nằm trong top 10 thị phần môi giới trong quý II-2012 tại HNX. Nhưng đầu tháng 9, GBS đã bị đình chỉ tạm thời hoạt động lưu ký do những sai phạm liên quan đến thanh toán bù trừ, rồi đến tháng 12 tiếp tục bị UBCKNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Về việc GBS trở nên có “số má” trong hoạt động môi giới, đã có nhiều lời đồn đại về việc công ty tạo ra những sản phẩm khá “lạ lùng” cho NĐT liên quan đến việc vay mượn CP.

Đến nay dù chưa có kết luận chính thức của các cơ quan chức năng về những lời đồn đại này nhưng có thể thấy việc GBS vào top 10 môi giới rõ ràng là bạo phát và giờ đang trong giai đoạn bạo tàn.

NĐT theo dõi giá CP tại một sàn chứng khoán

GBS không phải trường hợp “bạo phát, bạo tàn” đầu tiên, trước đó còn khá nhiều những cái tên vài lần nằm trong top 10 nhưng rồi mất hút và đến giờ không biết số phận ra sao. Đơn cử trường hợp của CTCK Hòa Bình (HBS), khá “nổi” trong giai đoạn 2010-2011, một số lần lọt vào top 10 tại HNX, nhưng từ đầu năm 2012 gần như “mất hút”.

9 tháng đầu năm 2012, HBS lãi được hơn 150 triệu đồng. CTCK An Bình (ABS) cũng đã từng lọt vào top 10 môi giới tại HNX, nhưng cũng không thể duy trì được.

GBS, HBS hay ABS có thế mạnh gì? Nhiều NĐT thuộc hàng kỳ cựu, thậm chí các môi giới có kinh nghiệm cũng chưa chắc trả lời được. Thương hiệu bình thường, công nghệ tầm tầm, sức mạnh tài chính vừa vừa… gần như không có gì nổi trội.

Nếu điểm lại những cái tên đã từng lọt vào top 10 môi giới thì số lượng là khá nhiều, nhưng có thể trụ vững và ổn định lại rất ít, những CTCK đạt được tiêu chí này đều “nhẵn mặt” với NĐT trong nhiều năm gần đây.

Hết thời “võ biền”

Một “bài” khá quen thuộc khi các CTCK muốn gia tăng thị phần là tuyển những nhân viên môi giới có nhiều khách hàng, gia tăng hoa hồng, giảm phí. Cho đến giờ, một vài CTCK vẫn đang sử dụng bài này và ít nhiều đạt được những thành công, thậm chí vào được top 10.

Gần nhất, một CTCK có cổ đông là một tổ chức lớn cũng tiến hành “rút ruột” nhân viên môi giới của một CTCK có thị phần khá tốt trong những năm qua và mục đích cũng là để áp dụng bài này. Nhưng có một thực tế là chưa bao giờ cách làm này cho thấy sự đúng đắn về mặt dài hạn vì cũng đã có quá nhiều tên tuổi lớn phải trả giá về mặt tài chính, thương hiệu, thậm chí là số phận của cả công ty mà trường hợp của SBS là điển hình.

Nếu trở lại thời điểm 2007, khởi điểm cho mô hình “võ biền” trên chính là trường hợp của CTCK Đại Việt (DVSC), khi đó đã ra quân tuyển ồ ạt vài chục trưởng phòng môi giới để phát triển khách hàng. Nhưng giờ đây hoạt động của DVSC thế nào thì ai cũng thấy rõ.

Năm 2012, các cổ đông lớn của HBS đã tiến hành “bán tháo” cổ phần của mình nhưng cũng chưa thể hoàn tất. Nếu HBS hoạt động hiệu quả và có căn cơ, thì cổ đông lớn không đến nỗi phải chạy bán sống bán chết như vậy. Việc các CTCK nhỏ (tạm gọi như vậy) cố gắng lọt vào top 10 môi giới vì mục đích gì không quan trọng, nhưng nếu không có nền tảng rõ ràng thì có thể nói là tự hại mình và phải trả giá nặng nề.

Mới đây, khi thị phần môi giới quý IV-2012 tại HOSE được công bố, đã xuất hiện thêm một cái tên mới toanh là CTCK Tầm Nhìn (HRS). Cũng như các CTCK “đi trước”, ấn tượng của HRS đối với nhiều NĐT, nhất là NĐT cá nhân rất mờ nhạt, thậm chí có NĐT còn không biết đến cái tên này. HRS xếp thứ 8 trong top 10, chiếm 3,71% thị phần.

Thực ra, để vào top 10 trong quý IV, với 2 tháng 10 và 11 thị trường có thanh khoản khá thấp và chỉ cải thiện trong tháng 12 không quá khó. Chỉ cần một số giao dịch có giá trị lớn là có thể “vào top”. Mà xem xét kỹ “hồ sơ” của HRS hoàn toàn có thể đạt được thành tựu này.

Giữa năm 2011, đã xuất hiện thông tin Citigroup mua gần 10% cổ phần của HRS, hồi tháng 9-2012 một cổ đông quốc tịch Hoa Kỳ đã mua hơn 18% vốn điều lệ của HRS để tăng vốn từ 60 tỷ đồng lên hơn 75 tỷ đồng. Thực hiện một phép tính đơn giản, nếu giả định GTGD trung bình tại HOSE vào tầm 1.000 tỷ đồng/phiên, với thị phần 3,71% HRS mỗi ngày sẽ có GTGD khoảng 37 tỷ đồng. 37 tỷ đồng/phiên có lớn hay không?

Nếu Citigroup có tài khoản tại HRS và tiến hành giao dịch mua bán liên quan đến P-Notes (chứng chỉ đầu tư) do tập đoàn này phát hành tại HRS thì việc HRS đạt GTGD 37 tỷ đồng mỗi phiên là rất đơn giản. Dù chỉ mới dừng lại ở mức độ giả thiết, nhưng cũng có thể thấy rằng việc vào được top 10 không khó, vấn đề là vào để làm gì, đem lại lợi ích cho thị trường và cho chính bản thân các CTCK như thế nào?

Liệu HRS có khác biệt hơn, bài bản hơn những trường hợp của GBS, ABS, ABS và một số CTCK sớm nở tối tàn hay không?

Thái Ca

SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Các tin tức khác

>   Bi quan cực độ là tín hiệu tạo đáy của TTCK (07/01/2013)

>   TS Quách Mạnh Hào: Chúng ta đã nhìn thấy những điều kiện cần cho một thị trường tăng điểm (07/01/2013)

>   HCM chấm dứt hoạt động Phòng giao dịch Láng Hạ (07/01/2013)

>   Khi Thượng đế tái tạo niềm tin… (07/01/2013)

>   07/01: Bản tin đầu tuần (07/01/2013)

>   Tự doanh bán khi thị trường giảm, mua khi tăng (05/01/2013)

>   Ma trận thoái vốn (05/01/2013)

>   CTCK tung chiêu thu hút khách hàng (05/01/2013)

>   Năm 2013 sẽ xử lý xong các CTCK yếu kém? (05/01/2013)

>   VSD cấp mã số giao dịch cho gần 2,000 nhà đầu tư tổ chức ngoại (04/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật