Khi Thượng đế tái tạo niềm tin…
Mốc 84 điểm đang chờ đợi chỉ số HNX. Người ta vẫn có thể kỳ vọng vào một con sóng không đến nỗi vô danh, với mục tiêu trước mắt có thể đem lại lời lãi đến 60-70%...
Tiếng cồng Vũ Bằng?
Lại một lần nữa, lần thứ hai kể từ tháng Giêng năm 2012, thị trường chứng khoán Việt Nam manh nha một cuộc hồi phục. Chỉ có điều, sự khác biệt có thể giữa hai lần phục hồi đó là những cố gắng hồi sinh trong dĩ vãng đã thất bại một cách đầy khó hiểu.
Người ta có thể và cần ôn lại những bài học của quá khứ để có được một vài trải nghiệm nào đó cho tương lai. Đợt sóng dâng cao bất thình lình trong gần nửa đầu năm 2012 đã giúp một phần nhỏ nhà đầu tư nhỏ lẻ lấy lại một phần nhỏ của cái phần lớn đã mất đi. Nhưng chỉ là một phần nhỏ, không hơn không kém. Thậm chí, những nhà đầu tư thiếu may mắn còn mất hết thành quả của những gì vừa lấy lại sau tháng 5/2012, tức vào lúc thị trường đột ngột suy giảm trở lại. Đó cũng là thời điểm mà nhiều nhà đầu tư đã không ngần ngại dùng đòn bẩy tất tay và sau đó rơi vào thảm cảnh, hệt như những gì họ đã trải qua trong nửa cuối năm 2011.
Điều đáng nói là con sóng năm 2012 còn được hứa hẹn bởi tiếng cồng khai trương năm mới của đích thân tân bộ trưởng tài chính Vương Đình Huệ. Quá nhiều hy vọng đã được đặt vào tiếng cồng đó, như một định mệnh “phải lên” cho thị trường.
Còn vào năm nay, thay cho ông Vương Đình Huệ đã chuyển sang Ban Kinh tế trung ương với chức vụ là người đứng đầu của cơ quan đảng này, chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước Vũ Bằng lặp lại tiếng cồng khai trương sàn giao dịch cho năm mới. Trong tâm lý chung của giới đầu tư, có vẻ như tiếng cồng của ông Bằng không được “thiêng” như của ông Huệ. Song như người đời vẫn thường nói, cuộc đời không biết thế nào mà lường.
Phá đê tín dụng?
Cũng chưa thể đoán định được những gì sẽ xảy ra cho thị trường chứng khoán đầy phập phù này.
Song như một hiệu ứng đồng thanh, trong một buổi trả lời phỏng vấn gần đây, một quan chức có trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã khẳng định “Thị trường sẽ tăng ổn định trong nửa cuối năm 2013”. Điều đó có nghĩa là sao?
Cần nhắc lại rằng hiếm khi nào trong năm 2012, và hoàn toàn không trong nửa cuối năm ngoái, về phía Ủy ban Chứng khoán nhà nước lại xuất hiện tuyên bố hay nhận định về xu hướng thị trường. Mà hầu hết các tiên đoán, dự đoán hay “dự cảm” nào đó lại thuộc về các quan chức cao hơn của Chính phủ như Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình hay Bộ trưởng tài chính Vương Đình Huệ.
Còn vào lúc này, tính từ con sóng tạm hồi phục vào đầu tháng 12/2012, đã không có một quan chức cấp cao nào của Chính phủ lên tiếng. Thay vào đó là những chính sách kích cầu cho bất động sản. Chứng khoán có vẻ bị bỏ lơ. Thậm chí, Ủy ban Chứng khoán nhà nước còn gia tăng chuyện “siết” các công ty chứng khoán qua những quy định có vẻ ngặt nghèo hơn. Đó và đây đã loáng thoáng dự đoán về khả năng có đến 40% công ty chứng khoán bị cho “nghỉ việc” vào cuối năm 2013…
Chỉ mãi đến cuối tháng 12/2012, Thống đốc Ngân hàng nhà nước mới “đánh tiếng” về việc sẽ nới “room” tín dụng cho chứng khoán - vốn nằm trong số các lĩnh vực “không khuyến khích”. Cứ theo tinh thần chưa được pháp quy hóa này, có thể vào năm nay các ngân hàng sẽ cho vay mượn thoải mái đối với nhà đầu tư chơi và đánh cổ phiếu.
Cũng bởi thế, lại đã xuất hiện hiện tượng một số cổ phiếu nhỏ đua nhau tăng trần liên tục nhiều phiên, trong khi hai chỉ số chứng khoán chỉ mới tăng chưa đầy 20%, còn thị trường bất động sản vẫn kiên trì cảnh chợ chiều không giao dịch.
Thượng đế tái tạo niềm tin?
Cơ hội với chứng khoán năm nay, thật trớ trêu, lại có vẻ như khả quan hơn hẳn so với năm ngoái, trong bối cảnh giới chuyên gia trong nước đều tỏ ra bi quan về tình hình kinh tế năm 2013. Sự khả quan ấy - thêm một trớ trêu nữa - lại đến từ khối phân tích của các quỹ nước ngoài. Những nhân vật có máu mặt như Dominic Scriven của quỹ đầu tư Dragon Capital lại xuất hiện với dự báo thận trọng theo kiểu Ngân hàng HSBC, nhưng đáng chú ý là nội dung nhận định đã không hề từ chối niềm hy vọng.
Không khí quay lại sàn cũng đang tạo hiệu ứng lan tỏa. Những nhà đầu tư cũ và một số nhà đầu tư mới bắt đầu chú ý đến dòng tiền lạ lùng đang như rắp tâm đổ vào thị trường, cũng như một thế lực nào đó đang quyết tâm làm cho cái thị trường từng quá khốn quẫn này phải sống lại.
Có thể còn hơn cả thế - một sự hồi sinh đàng hoàng. Nếu vào nửa đầu năm 2012, thị trường phục hồi được khoảng 40-45% so với đáy, thì tính từ cái đáy thấp hơn nữa vào tháng 10/2012, thị trường sẽ có cơ may bốc lên 60-70% nếu thật sự được bơm tiền ồ ạt. Khi đó, người ta sẽ lại nói đến cảm ứng về niềm tin của các nhà đầu tư nhỏ lẻ được Thượng đế tái tạo. Cũng khi đó, biết đâu đấy, nguồn tiền chôn giấu kỹ lưỡng ở các kho dự trữ cá nhân sẽ tự nhiên mà chuyển vào sàn chứng khoán, khiến cho thị trường này thẳng tiến mà không cần một đòn phép PR nào nữa.
60-70%?
Thẳng tiến cũng có thể là một thủ pháp nghệ thuật mới trong bối cảnh nghệ thuật tăng răng cưa đã đi vào lối mòn, có thể không tạo ra được hiệu ứng như mong đợi. Một cuộc đánh lên bất ngờ có thể tạo ra liệu pháp sốc đối với hầu hết các nhà đầu tư. Phiên tăng bật cuối năm ngoái và ngay đầu năm nay phải chăng đã cho thấy triển vọng ấy?
Thị trường đã từng có bài học tiền lệ của các cuộc đánh lên thẳng đứng vào giữa năm 2008, đầu năm 2009 hay xa hơn nữa là cuối năm 2006. Tất nhiên trong tình thế hiện nay, chẳng mấy ai hy vọng vào một phép màu cỡ như vậy, hơn nữa nguồn lực tài chính cho gói kích cầu từ Nhà nước cũng trở nên hạn hẹp hơn hẳn sau mấy năm khó khăn kinh tế.
Tuy vậy, người ta vẫn có thể kỳ vọng vào một con sóng không đến nỗi vô danh, với mục tiêu trước mắt có thể đem lại lời lãi đến 60-70% cho những nhà đầu tư đoán định đúng đáy.
Việt Thắng (Vietstock)
FFN
|