Thứ Sáu, 11/01/2013 14:48

Vàng không còn là kênh đầu tư hấp dẫn

Về phía cơ quan quản lý, lãnh đạo Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cho biết, bên cạnh những ngân hàng, thì các điểm giao dịch vàng lớn, địa chỉ quen thuộc của các DN đều đã được cấp phép mua, bán vàng miếng, do đó cũng không tác động hay ảnh hưởng quá lớn đến việc mua, bán vàng miếng của người dân.

Đìu hiu… vàng miếng

Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 10/1, mạng lưới kinh doanh vàng miếng gồm gần 2.500 điểm giao dịch của 22 TCTD và 16 DN được NHNN cấp phép chính thức đi vào hoạt động. Mạng lưới này thay thế cho khoảng trên dưới 10 nghìn điểm giao dịch trước đây, khi mà bất kỳ cửa hàng kinh doanh vàng nào cũng có thể mua bán vàng miếng.

“Mục sở thị” hoạt động kinh doanh vàng miếng, ngày 10/1, phóng viên Thời báo Ngân hàng đã đến một số địa điểm kinh doanh vàng miếng thuộc DN được NHNN cấp phép. Trên phố Hàng Ngang và phố Đinh Tiên Hoàng- những điểm kinh doanh vàng của Tổng công ty vàng Agribank, người phụ trách kinh doanh của hàng cho biết, so với ngày hôm trước, mua bán vàng miếng không có gì thay đổi.

Có còn đất sống khi chỉ trông vào vàng trang sức

Ở phố Trần Nhân Tông, Hà Nội – nơi quen thuộc đối với những người mua vàng, có 3 điểm giao dịch khác nhau là Công ty cổ phần đầu tư vàng Phú Quý, Công ty Bảo Tín Minh Châu và Công ty cổ phần Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI giao dịch vẫn diễn ra bình thường, người đến cửa hàng mua bán vàng rất ít. Điểm khác biệt duy nhất so với trước ngày 10/1 là cửa hàng của DOJI xuất hiện tấm biển bắt mắt: “Trung tâm mua bán vàng được NHNN cấp phép”.

Đại diện các cửa hàng kinh doanh vàng trên phố Trần Nhân Tông cho biết, so với thời điểm cuối năm của nhiều năm trước, năm nay thị trường vàng trầm lắng nhất. Một phần do kinh tế khó khăn, một phần do người dân cũng dần ít quan tâm đến vàng hơn trước. “Có chăng chỉ có một số người tò mò tìm hiểu xem sau khi NHNN cấp phép đến tham khảo giá vàng có gì thay đổi”, chủ một hiệu vàng nói.

Các cửa hàng vàng nhỏ lẻ có bị tác động gì sau khi hệ thống mạng lưới vàng miếng chuyên nghiệp được NHNN cấp phép? Quan sát của phóng viên cho thấy, hầu hết các cửa hàng này không còn bày bán vàng miếng.

Một chủ cửa hiệu trên phố Hàng Bạc cho rằng: khi nghe thông tin các cơ quan chức năng sẽ kiểm soát chặt chẽ với hoạt động kinh doanh vàng nên thời gian gần đây, vàng miếng giao dịch rất ít, hôm nay thì tuyệt nhiên không có người đến hỏi.

“Mua bán vàng miếng thông thường là những nhà đầu tư, nên họ sẽ đến các đầu mối lớn để mua, còn với đa phần người dân chỉ đến các cửa hàng nhỏ mua vàng nữ trang, nhẫn trơn, lượng mua cũng chỉ một vài chỉ... nên đến thời điểm này cửa hàng vẫn tồn tại và mua bán bình thường” - Chủ một cửa hàng kinh doanh vàng trên phố Hàng Bạc cho biết thêm.

Tuy nhiên, tại một ngõ nhỏ ở Phố Khâm Thiên, khi phóng viên đề cập đến việc muốn bán vàng miếng SJCAAA ở một cửa hiệu nhỏ thì vẫn được chủ cửa hàng đồng ý mua… Tuy nhiên, giá vàng miếng AAA và SJC này được chủ cửa hiệu vàng “ép” giá thấp hơn vài ba trăm nghìn đồng so với niêm yết tại SJC Hà Nội.

Các đơn vị kinh doanh tự tin

Theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, điều kiện để kinh doanh vàng miếng với DN là có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên, có kinh nghiệm kinh doanh mua, bán vàng từ 2 năm trở lên, đã nộp thuế kinh doanh vàng trên 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất, và có mạng lưới tại tối thiểu 3 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương. Còn đối với TCTD, điều kiện để kinh doanh vàng miếng là phải có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng và có mạng lưới từ 5 tỉnh thành trực thuộc Trung ương trở lên.

Trong danh sách công bố có nhiều NHTM lớn, DN nghiệp nhiều tiềm lực và mạng lưới rộng và có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh vàng như Công ty TNHH một thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), NHTMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Tổng công ty vàng Agribank Việt Nam… Ông Nguyễn Thanh Trúc - Tổng giám đốc Tổng công ty vàng Agribank Việt Nam cho biết, tổng công ty có khoảng 51 điểm giao dịch và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mua, bán vàng miếng của người dân.

Về phía cơ quan quản lý, lãnh đạo Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cho biết, bên cạnh những ngân hàng, thì các điểm giao dịch vàng lớn, địa chỉ quen thuộc của các DN đều đã được cấp phép mua, bán vàng miếng, do đó cũng không tác động hay ảnh hưởng quá lớn đến việc mua, bán vàng miếng của người dân. Ông Nguyễn Minh Châu – Tổng giám đốc Công ty Bảo Tín Minh Châu cho biết, các cửa hàng của công ty sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mua vàng miếng của người dân. Hiện nay, Công ty vẫn bán vàng miếng cả thương hiệu SJC và vàng Rồng Thăng Long, tuy nhiên giá bán hai loại vàng này vẫn còn chênh lệch.

Bên cạnh những NHTM, DN lớn, thì nhiều NHTMCP cũng được cấp phép kinh doanh vàng miếng. Là một trong số những ngân hàng đầu tiên công bố được phép kinh doanh vàng miếng, NHTMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cho biết, các khách hàng khi đến giao dịch tại SHB sẽ có thêm sự lựa chọn về sản phẩm và dịch vụ.

Ngoài những giao dịch ngân hàng thông thường như gửi tiết kiệm, chuyển tiền, vay vốn… khách hàng có thể mua bán vàng miếng SJC, đặc biệt khách hàng có thể gửi ngân hàng giữ hộ vàng tránh rủi ro trong việc vận chuyển, cất giữ. Để góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ và giúp bình ổn thị trường vàng, SHB cam kết tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định nghiêm ngặt của NHNN đối với các ngân hàng được cấp phép kinh doanh vàng.

Ông Nguyễn Văn Lê – Tổng Giám đốc SHB nhấn mạnh, việc được cấp phép kinh doanh vàng miếng sẽ giúp khách hàng của SHB tiếp tục có thêm lựa chọn về sản phẩm, dịch vụ. Với sự đầu tư, trang bị về máy móc kiểm định, đo lường chuyên nghiệp, cập nhật giá vàng lên website, niêm yết và cập nhật giá vàng trên bảng điện tử tại điểm giao dịch vàng…

Dạo quanh thị trường ngày 10/1, chúng tôi nhận thấy, ngoại trừ DOJI có biển hiệu bắt mắt, còn lại các đơn vị khác, ngay cả với các NHTMCP vốn “chịu chơi, chịu chi” cho các khoản biển hiệu, quảng bá sản phẩm cũng chưa trưng biển “Điểm bán vàng miếng được cấp phép”. Phải chăng, vàng miếng đã không còn được các ngân hàng mặn mà và người dân cũng ít quan tâm. Đây được xem là thành công tiếp theo của Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Theo Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) sau khi cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng cho các TCTD, DN đủ điều kiện, NHNN đã kịp thời chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố kiểm tra các địa điểm mua, bán được cấp phép trên địa bàn để bảo đảm có thể hoạt động trước ngày 10/1/2013. NHNN cũng đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, phổ biến thông tin cho người dân về các quy định của Nhà nước về hoạt động mua, bán vàng miếng và thông báo các điểm giao dịch trên địa bàn.

Danh sách các TCTD, DN được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng cũng như các địa điểm giao dịch của từng TCTD, DN tại các tỉnh, thành phố trên cả nước đã được thông báo công khai trên trang tin điện tử của NHNN.


Quang Cảnh – Đức Khanh

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Khoảng cách giá vàng trong nước - thế giới thu hẹp mạnh (11/01/2013)

>   Vàng miếng bị “siết”, chuyển sang vàng nhẫn (11/01/2013)

>   Vàng tăng hơn 22 USD/oz sau số liệu của Trung Quốc và quyết định của ECB (11/01/2013)

>   Giá vàng trong nước sắp về sát giá quốc tế? (11/01/2013)

>   Nhiều ngân hàng chưa mua bán vàng miếng (10/01/2013)

>   Không còn “vùng trắng” kinh doanh vàng miếng (10/01/2013)

>   STB chính thức kinh doanh vàng miếng từ ngày 10/01 (10/01/2013)

>   Siết kinh doanh vàng: Doanh nghiệp vẫn “lách” luật! (10/01/2013)

>   Ngày đầu kinh doanh vàng miếng theo phương thức mới (10/01/2013)

>   Khách hàng có thể giao dịch vàng miếng tại OCB (10/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật