Giá vàng trong nước sắp về sát giá quốc tế?
Chính phủ chính thức “phát tín hiệu” yêu cầu Ngân hàng Nhà nước bảo đảm giá vàng trong nước sát với giá vàng quốc tế.
Một thời gian dài, thị trường vàng thiếu thống nhất trong quản lý (vừa Ngân hàng Nhà nước, vừa Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vừa Bộ Công Thương) nên thiếu chặt chẽ, mà có thể nói là một thị trường tương đối tự do và nhiều xáo trộn khó kiểm soát. Nay cơ bản đã thu về một mối
|
Đây là yêu cầu có trong Nghị quyết số 01/2013/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013.
Trong nội dung về chính sách tiền tệ, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương hoàn thiện cơ chế quản lý, ổn định thị trường vàng, bảo đảm giá vàng trong nước sát với giá vàng quốc tế.
Cũng lưu ý rằng, đây là lần đầu tiên và chính thức yêu cầu thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới được đặt ra tại nghị quyết của Chính phủ, sau khi tình trạng chênh giá cao và kéo dài trong thời gian qua; trong khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra quan điểm là chưa bình ổn giá vàng, chưa vào cuộc để xử lý tình trạng đó, cũng như cho rằng thực tế không đáng lo ngại khi không gây ảnh hưởng đến vĩ mô…
Yêu cầu thu hẹp chênh lệch đó cũng đã từng được tranh luận tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2012 vừa qua, đặc biệt là việc đưa vào một cách chính thức trong nghị quyết của kỳ họp hay không…
Nay, với Nghị quyết số 01 vừa ban hành, Chính phủ đã chính thức đưa ra yêu cầu. Có hai hướng dự tính sẽ xẩy ra: Ngân hàng Nhà nước sắp vào cuộc và người có vàng nếu tiếp tục găm giữ có thể gặp bất lợi về giá.
Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thuộc Chính phủ. Chắc chắn yêu cầu trên không phải đưa ra đột ngột, mà hẳn đã được thảo luận và thống nhất hướng triển khai; Ngân hàng Nhà nước đã có sự chuẩn bị. Thêm nữa, những tín hiệu gần đây cũng cho thấy cơ quan này đang sắp sửa vào cuộc. Vấn đề còn lại là vào cuộc thể nào và có đảm bảo sát giá được không?
Trả lời VnEconomy về tín hiệu để nhận biết thời điểm nào nhà điều hành sẽ vào cuộc, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: “Công tác chuẩn bị hiện nay chủ yếu là cơ chế chính sách, liên quan đến các văn bản pháp lý cấp cao hơn. Như trong Nghị định 24 có quy định Ngân hàng Nhà nước mua bán vàng miếng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đương nhiên, đầu tiên là Thủ tướng ban hành quyết định - đồng nghĩa là tín hiệu sắp vào cuộc. Tất nhiên là còn phải chuẩn bị nhiều văn bản nội bộ khác, để đảm bảo vận hành thông suốt và đúng quy định pháp luật”.
Ông Huy cũng cho biết thêm: “Thời điểm thì sẽ không tính bằng năm, mà tính bằng tháng thôi”.
Ngoài những thông tin trên, một điểm được lưu ý nữa là, những tín hiệu trên được đưa ra cùng lúc với sự kiện hệ thống mạng lưới kinh doanh vàng miếng được tổ chức lại và đi vào hoạt động từ ngày 10/1/2013. Ngay trong ngày đầu tiên, giá vàng trong nước đã giảm rất mạnh, thậm chí ngược giá thế giới, được giải thích là do hoạt động bán ra mạnh - một thị trường vốn rất nhạy cảm.
Sắp tới, khi Ngân hàng Nhà nước chính thức vào cuộc, chênh lệch cỡ 4 - 5 triệu đồng/lượng có lợi cho người giữ vàng thời gian qua và hiện nay dự kiến sẽ bị thu hẹp, thiệt - hơn là điều họ đang tính toán. Đúng hơn, các tín hiệu trên đang đánh động người giữ vàng.
Ngân hàng Nhà nước sẽ thu hẹp bằng cách nào? Có thu hẹp được không?
Ông Nguyễn Quang Huy cho biết, chuyển hóa vàng thành vốn cho sản xuất kinh doanh là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ từng bước thực hiện. Sau khi tổ chức lại mạng lưới kinh doanh vàng miếng và đi vào hoạt động ổn định, cơ quan này sẽ tham gia với vai trò là người mua bán cuối cùng, kiến tạo thị trường.
“Việc mua bán vàng của Ngân hàng Nhà nước với thị trường là mua bán với dự trữ ngoại hối nhà nước, như hiện giờ đang làm là với ngoại tệ - đã có đẩy đủ quy chế rồi. Còn với vàng miếng thì là lĩnh vực còn khá mới, đang khẩn trương để hoàn thiện các văn bản để triển khai”, ông Huy cho biết thêm.
Ngoài ra, vị lãnh đạo vụ chuyên trách này cũng nhấn mạnh rằng, việc tham gia sẽ vận hành theo cơ chế thị trường, bằng các giải pháp kinh tế chứ không phải hành chính.
Ông không nêu cụ thể, nhưng có thể hình dung: dự trữ ngoại hối nhà nước sẽ có một cấu phần là vàng, Ngân hàng Nhà nước mua vàng qua tài khoản ở nước ngoài, bán lại trong nước để tạo cung và ngược lại; trạng thái vàng được cân bằng, giá được bảo hiểm. Dĩ nhiên thời điểm giao dịch sẽ được cân nhắc, thực hiện với cơ chế đảm bảo an toàn…
Giả sử hiện nay, giá vàng thế giới chỉ 42 triệu đồng/lượng, trong khi giá trong nước 46 triệu đồng/lượng, cơ quan này sẽ mua vào ở nước ngoài và bán ra trong nước, qua đó thu hẹp chênh lệch, thậm chí còn lợi giá lớn. Theo đó có thể dự tính khi vào cuộc chênh lệch sẽ được thu hẹp.
Vì sao mãi thời gian qua họ chưa làm? Bên cạnh việc chuẩn bị hành lang pháp lý và cơ chế vận hành nói trên, một điều kiện cần thiết là họ phải thiết lập lại được trật tự tổ chức sản xuất và hệ thống kinh doanh vàng miếng, nắm được khả năng giám sát và quản lý để rót giải pháp bình ổn vào chiếc bình đong đếm được.
Một thời gian dài, thị trường vàng thiếu thống nhất trong quản lý (vừa Ngân hàng Nhà nước, vừa Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vừa Bộ Công Thương) nên thiếu chặt chẽ, mà có thể nói là một thị trường tương đối tự do và nhiều xáo trộn khó kiểm soát. Nay cơ bản đã thu về một mối.
Trong ngắn hạn, gắn với khả năng Ngân hàng Nhà nước sắp vào cuộc điều tiết, một tác động lớn và chủ yếu gây vênh giá cao thời gian qua là lực cầu từ các ngân hàng thương mại tất toán trạng thái cũng đã giảm bớt, việc thu hẹp chênh lệch càng có thêm cơ sở.
Trước đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã từng thiết lập được thị trường ngoại tệ liên ngân hàng với bước đi gần giống như trên. Đó là tổ chức lại hai trung tâm giao dịch ngoại tệ từng hoạt động khoảng hai năm trước khi chuyển được thành thị trường ngoại tệ liên ngân hàng. Sau khi chuyển được, cơ quan này đã tham gia với vai trò mua bán sau cùng, điều tiết cung - cầu, điều hành tỷ giá và duy trì hoạt động cho đến nay.
Minh Đức
tbktvn
|