Thứ Năm, 10/01/2013 23:05

Nhiều ngân hàng chưa mua bán vàng miếng

Ngày 10-1 là ngày đầu tiên quy định về kinh doanh vàng miếng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP có hiệu lực, theo đó, chỉ còn các ngân hàng và doanh nghiệp lớn đủ điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên,  một số ngân hàng ở TPHCM cho biết chưa bắt đầu mua bán vàng với người dân.

Nhiều người đến bán vàng tại Hội sở Công ty Vàng miếng SJC, Nguyễn Công Trứ, quận 1, TPHCM, trong khi một số ngân hàng gần đó chưa giao dịch vàng với người dân.

Nhân viên giao dịch một chi nhánh Ngân hàng BIDV ở TPHCM cho biết ngân hàng chưa triển khai đến chi nhánh việc mua bán vàng miếng nên tạm thời chưa có giao dịch. Nhân viên này cũng cho rằng phải được tập huấn kỹ các đặc điểm nhận dạng vàng giả, nhái thì mới dám mua bán với người dân, vì nếu xảy ra sự cố nhân viên sẽ phải chịu trách nhiệm.

Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank) cũng nằm trong danh sách các ngân hàng được phép mua bán vàng miếng, nhưng nhân viên một chi nhánh ở quận 1 cho biết chưa có chỉ đạo của hội sở về vấn đề này, chỉ biết qua báo chí là ngân hàng mình được cung cấp dịch vụ đó. Vì vậy, người dân nếu có nhu cầu mua bán thì nên đến các ngân hàng khác.

Theo thông tư số 38/2012/TT-NHNN quy định về trạng thái vàng của các tổ chức tín dụng thì các tổ chức này không được giữ trạng thái vàng cuối ngày vượt quá 2% so với vốn tự có và không được duy trì trạng thái vàng âm. Trường hợp cần thiết, họ được duy trì trạng thái vàng khác giới hạn quy định trên khi được Thống đốc NHNN chấp thuận.

Theo một chuyên gia trong ngành vàng, việc quy định tỷ lệ này đã giao cho các ngân hàng quyền ngừng mua, bán với người dân để đảm bảo trạng thái, cũng vì vậy, không hẳn người dân có nhu cầu thì đều mua được, hoặc bán được cho các chi nhánh ngân hàng. Như vậy, thiệt thòi của người dân sẽ diễn ra, vì thực tế, số điểm bán vàng chiếm áp đảo như đã đề cập vẫn chủ yếu là chi nhánh các ngân hàng.

Người dân bán nhiều hơn mua

Nhiều người dân, doanh nghiệp đã đem vàng đi bán trong ngày đầu tiên quy định về kinh doanh vàng miếng theo Nghị định 24/NĐ-CP vì lo ngại giá vàng sẽ tiếp tục đi xuống khi có quy định này.

Giao dịch vàng miếng tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) có những biến động nhất định trong ngày 10-1, cụ thể, trong buổi sáng, lực bán ra khá mạnh, chủ yếu từ các tiệm vàng không còn được phép mua bán vàng miếng, trong khi đó, lực bán của người dân cũng tăng nhẹ so với các ngày trước. Vì vậy trong buổi sáng đến đầu giờ chiều, giá vàng sụt giảm mạnh, mức chênh lệch với giá thế giới thu hẹp lại, giá trong nước chỉ cao hơn thế giới khoảng 3,5 triệu đồng/lượng. Diễn biến này bắt đầu đảo chiều từ khoảng 14 giờ, lực mua bắt đầu tăng lại khi giá giảm. Tuy vậy, theo ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng Kinh doanh SJC, tổng cộng lượng mua vào, bán ra đến 16 giờ vẫn chỉ khoảng 1.300 lượng vàng, lực bán từ người dân vẫn nhiều hơn

Có mặt tại cửa hàng Kim Ngọc Phú, số 35A Lê Quang Sung, quận 6, TPHCM lúc 15 giờ, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ghi nhận không khí mua bán khá nhộn nhịp tại đây.

Bà Võ Thị Ngọc Tuyết, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Kim Ngọc Phú, cho biết: lượng khách đến giao dịch tại cửa hàng 35A lê Quang Sung tăng gấp đôi so với ngày thường khi quy định có hiệu lực.

Lượng khách đến cửa hàng chủ yếu là bán vàng. Tính đến thời điểm 15 giờ chiều ngày 10-1, cửa hàng này mua vào hơn 500 lượng trong khi bán ra khoảng 15 lượng. Theo bà Tuyết, người dân đang lo sợ giá vàng trong nước sẽ còn giảm tiếp trong những ngày tới, độ chênh giữa giá thế giới và trong nước sẽ được thu hẹp lại nên tấp cập đi bán vàng. Bà Tuyết kể, một vị khách bán 50 lượng mà theo vị khách này thì chấp nhận bán ở thời điểm này là chấp nhận lỗ hơn 1 triệu đồng/lượng. “Ông nói rằng, dù lỗ nhưng vẫn phải bán vì sợ giá vàng còn xuống nữa”, bà Tuyết nói.

Bà Tuyết cho biết nhiều bạn nghề của bà tỏ ra không còn mặn mà với kinh doanh vàng miếng do lợi nhuận không cao. Chính vì vậy, nhiều người đã không xin cấp phép, dù đủ tiêu chuẩn theo quy định. Bên cạnh đó, các cửa hàng cũng không có ý định lách luật (bán chui). “Một khách hàng của chúng tôi kể rằng hỏi 6 tiệm vàng xung quanh nhưng không ai bán vàng miếng”, bà Tuyết kể.

Nhiều tiệm vàng thuê mặt bằng tại khu vực trung tâm TPHCM không được phép mua bán vàng miếng đã tháo bảng niêm yết giá vàng SJC xuống, chỉ còn vàng 24k và các loại vàng nữ trang thấp tuổi hơn.

“Tháo biển xuống để ít bị để ý trong vài ngày đầu, nhưng nếu ai có nhu cầu mua bán, tiệm sẽ đáp ứng được, vì số lượng thường chỉ vài chỉ đến 1 lượng, cơ quan chức năng khó phát hiện”, chủ một tiệm vàng trong khu vực này cho biết. Tuy vậy, theo vị này, từ sáng đến giờ cũng không ai hỏi mua hay bán. Bên cạnh đó, lượng giao dịch vàng nhẫn tại các cửa hàng không tăng, người dân chủ yếu đến các cửa hàng trong trung tâm để mua nữ trang do đã đến mùa cưới.

Giá vàng niêm yết tại Công ty SJC lúc 16 giờ ở mức 45,8 triệu đồng/lượng mua vào, bán ra là 46,08 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới vào khoảng 3,7 triệu đồng/lượng, trong khi vào tuần trước, mức chênh lệch có khi trên 5 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới tăng, trong khi giá trong nước giảm là nguyên nhân khiến khoảng cách này thu hẹp lại.

Thanh Thương - Minh Tâm

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Không còn “vùng trắng” kinh doanh vàng miếng (10/01/2013)

>   STB chính thức kinh doanh vàng miếng từ ngày 10/01 (10/01/2013)

>   Siết kinh doanh vàng: Doanh nghiệp vẫn “lách” luật! (10/01/2013)

>   Ngày đầu kinh doanh vàng miếng theo phương thức mới (10/01/2013)

>   Khách hàng có thể giao dịch vàng miếng tại OCB (10/01/2013)

>   Giá vàng hạ 200.000 đồng (10/01/2013)

>   Xoá bỏ vàng hoá nền kinh tế (10/01/2013)

>   Dân bị tiệm vàng ép giá (10/01/2013)

>   NĐT rời xa vàng do USD cao và cổ phiếu khởi sắc (10/01/2013)

>   Thị trường vàng miếng lắng để nghe ngóng (10/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật