Trái phiếu kỳ vọng dòng vốn ngoại
Điểm tích cực đối với thị trường trái phiếu Chính phủ là mức độ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài đang ngày càng tăng lên. Trong năm 2012 khối ngoại đã chiếm hơn 30% giao dịch trái phiếu thứ cấp. Tình hình tỷ giá được duy trì ổn định trong năm là một trong những nhân tố thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường.
Hai nửa bức tranh trái phiếu
Bức tranh thị trường trái phiếu Việt Nam năm 2012 chia thành 2 nửa khá tương phản. Đó là trái phiếu Chính phủ và trái phiếu DN.
Theo dữ liệu từ CTCK Mirae Asset Việt Nam, tính đến 21/12/2012, có tổng cộng hơn 3,76 triệu trái phiếu được niêm yết trên HNX trị giá 376 nghìn tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2011, trong đó trái phiếu Chính phủ chiếm tỷ trọng 66,8%, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh là 31,6%. Tốc độ tăng trưởng lớn của trái phiếu Chính phủ tạo ra sự sôi động cho thị trường trái phiếu nói chung và là đầu ra cho những ngân hàng thừa thanh khoản.
Trong khi đó, tổng giá trị trái phiếu phát hành đạt hơn 156.539 tỷ đồng, bao gồm 109.129 tỷ đồng trái phiếu Kho bạc Nhà Nước (KBNN), 12.530 tỷ đồng trái phiếu Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và 34.880 tỷ đồng trái phiếu Ngân hàng Chính sách Xã hội (VBSP). KBNN hoàn thành 100% kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2012.
Trong khi thị trường trái phiếu Chính phủ tăng trưởng hơn so với kỳ vọng thì thị trường trái phiếu DN lại diễn biến èo uột, tẻ nhạt trong năm qua với tổng khối lượng lưu hành sụt giảm.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), thị trường trái phiếu DN giảm phản ánh một phần khó khăn mà các DN đang đối mặt. Một điều đáng chú ý là top 5 công ty tư nhân có lượng trái phiếu DN lớn nhất (Techcombank, HAGL, VietinBank, Vincom, Vinpearl) đều thuộc ngành tài chính và bất động sản, chiếm 62,1% tổng khối lượng trái phiếu ngoài DNNN. Những số liệu này cho thấy thực tế các DN phi sản xuất đang hấp thụ một lượng lớn vốn khả dụng và có thể gây nên hiệu ứng “lấn át” lên nhóm các DN sản xuất.
Năm 2012, quy mô giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp tiếp tục tăng trưởng so với năm 2011. Tổng giá trị giao dịch trái phiếu đạt trên 157 ngàn tỷ đồng, trong đó giao dịch outright (hợp đồng mua bán ngoại tệ giao ngay) đạt hơn 107 ngàn tỷ (tăng 13%), giao dịch repo đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng, tăng 34 lần so với năm 2011. Khác với những năm trước, thị trường trái phiếu năm 2012 diễn ra rất sôi động vào những tháng cuối năm do tăng trưởng tín dụng thấp hơn nhiều so với tăng trưởng huy động.
Bất ngờ tỷ suất sinh lời
Năm 2012, nếu so sánh trái phiếu với các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ, chứng khoán, bất động sản thì trái phiếu Chính phủ đã cho một tỷ suất sinh lợi đáng ngạc nhiên. Theo đó, vàng có tỷ suất sinh lợi giảm đáng kể và chỉ còn khoảng 0,4%. Ngoại tệ (cặp tỷ giá VND/USD), cho tỷ suất sinh lời bằng 0.
Với kênh chứng khoán, nửa đầu năm 2012, TTCK đã tăng trưởng khoảng 39% tuy nhiên nửa năm sau TTCK đã đánh mất những gì vừa có và chốt năm, VN-Index chỉ tăng 18% và HNX-Index giảm âm 3%, tỷ suất sinh lời đạt cao nhất so với các kênh trên ở mức 17,4%. Bất động sản trong năm 2012 hoàn toàn bất động.
Điểm tích cực đối với thị trường trái phiếu Chính phủ là mức độ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài đang ngày càng tăng lên. Trong năm 2012 khối ngoại đã chiếm hơn 30% giao dịch trái phiếu thứ cấp. Tình hình tỷ giá được duy trì ổn định trong năm là một trong những nhân tố thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường.
Tổng giá trị giao dịch outright của khối ngoại trong năm 2012 đạt hơn 47 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 70% so với năm 2011. Khối ngoại tỏ ra quan tâm hơn đến thị trường nợ của Việt Nam đem lại cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp mới từ các nước lãi suất thấp, thế hệ thứ 3 của dòng vốn ngoại đang được hình thành.
Với việc tỷ giá dự báo tiếp tục ổn định cộng với mức lãi suất trái phiếu của Việt Nam hiện đang dao động ở mức 9-10%, Ngân hàng ADB tỏ ra khá lạc quan với khả năng hấp thụ vốn quốc tế của thị trường trái phiếu Việt Nam năm 2013.
Vừa qua, tờ Financial Times, dựa trên đánh giá của Ngân hàng Barclays, cũng đưa ra nhận định, trái phiếu Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục được các nhà đầu tư quốc tế chú ý hơn nữa trong năm 2013 nếu Việt Nam đạt được tiến bộ trong tái cấu trúc ngân hàng và DNNN.
Nguyễn Minh
Thời báo ngân hàng
|