Thứ Hai, 14/01/2013 22:59

Thúc đẩy thương mại biên mậu Việt Nam - Campuchia

Các bộ, ngành địa phương, DN đã đề xuất nhiều giải pháp và phương hướng cụ thể thúc đẩy thương mại hai bên như: Đề xuất bổ sung hàng hóa trong danh mục ưu tiên, nâng cấp cửa khẩu, xem xét nâng mức giá trị mua sắm hàng hóa của cư dân biên giới, thuận lợi hóa thương mại, các thủ tục hải quan, các quy định về giao thông vận tải, xây dựng chợ, hợp tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, kiến nghị về cơ chế, chính sách…

Cửa khẩu để… đi bộ

Tại Hội nghị Hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ 5 được tổ chức tại tỉnh Bình Phước tuần qua, Bộ Công Thương đánh giá trong những năm qua, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hai chiều qua biên giới hai nước vẫn đạt được những kết quả rất tích cực. Một khối lượng lớn các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, thực phẩm và hàng tiêu dùng công nghiệp đã được trao đổi qua lại giữa hai bên.

Giao thương hàng hóa qua các cặp cửa khẩu Việt Nam - Campuchia ngày càng sôi động

Bên cạnh hoạt động thương mại, hạ tầng cơ sở dịch vụ vùng biên giới ngày càng được Chính phủ hai nước quan tâm, đầu tư phát triển. Hệ thống chính sách ưu đãi về thuế XNK của hai bên liên tục được cải cách theo lộ trình của các cam kết quốc tế. Công tác thanh, kiểm tra chống buôn lậu và gian lận thương mại giữa hai nước tại khu vực biên giới cũng đã thu được nhiều kết quả, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại biên giới phát triển.

Tuy nhiên, theo phản ánh của các bộ, ngành và một số địa phương, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động thương mại biên giới giữa Việt Nam - Campuchia vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Nhiều tỷ đồng của Nhà nước và tư nhân đã đổ vào các tỉnh biên giới Tây Nam xây dựng trung tâm thương mại, nhưng đến nay vẫn “phơi nắng” không thu được lợi nhuận.

Mặt khác, Thông tư 82/2012/TT-BTC ra ngày 22/5/2012 hướng dẫn thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ Campuchia quy định, hàng nông sản chưa qua chế biến do phía Việt Nam hỗ trợ đầu tư, trồng tại các tỉnh của Campuchia giáp biên giới Việt Nam nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất hàng hóa tại Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% và không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Tuy nhiên, theo Tổng cục Hải quan, việc thực hiện còn rất khó khăn. Nguyên nhân do một số cặp cửa khẩu chưa được bổ sung vào Danh mục cửa khẩu quy định tại Thông tư 18/2010/TT-GTVT ngày 7/7/2010 của Bộ Giao thông - Vận tải về hoạt động vận tải đối với các mặt hàng phi thương mại. Hoặc thiếu giấy chứng nhận xuất xứ mẫu S của cơ quan có thẩm quyền bên Campuchia về ưu đãi thuế quan cho hàng hóa đi qua biên giới, để vào các quốc gia lân bang.

Ngoài ra, mặc dù vừa qua hai nước đã nâng cấp nhiều cửa khẩu quốc tế phụ và chính nhưng các cặp cửa khẩu này lại chưa được bổ sung vào “Bản thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia”, nên hàng hóa xuất khẩu qua các cặp cửa khẩu này không được hưởng ưu đãi thuế quan.

Bên cạnh đó, mô hình kiểm tra một lần dừng tại cặp cửa khẩu Mộc Bài - Ba Vét, Hải quan Việt Nam và Campuchia đã ký thỏa thuận, nhưng trên thực tế vẫn chưa thực hiện được và hai bên chưa thống nhất xác định được khu vực kiểm tra chung để kiểm tra thực tế hàng hóa.

Theo UBND tỉnh An Giang, thủ tục cấp phép cho phương tiện vận tải qua lại các cửa khẩu chưa phù hợp với thực tiễn. Cụ thể tại An Giang có 3 cửa khẩu quốc tế có đường bộ và 4 cửa khẩu có đường sông đi qua, nhưng theo quy định hiện hành, chỉ có cửa khẩu Tịnh Biên là ô tô được qua lại và chỉ có cửa khẩu Vĩnh Xương là phương tiện đường thủy được qua lại.

Đại diện UBND tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết, Đắk Lắk và Mondulkiri là hai tỉnh láng giềng, nhưng cửa khẩu Đắk Ruê chung giữa hai tỉnh chưa khai thác được vì cơ sở hạ tầng giao thông ở cả hai bên đều chưa được đầu tư tương xứng. Điều này cũng gây khó khăn cho việc trao đổi giao lưu, hợp tác giữa hai tỉnh.

Trong thời gian qua, một số DN của Đắk Lắk đã có những dự án đầu tư phát triển cây cao su và một số cây công nghiệp tại Mondulkiri nhưng do môi trường đầu tư tại Campuchia không thuận lợi, tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt pháp lý nên DN đã tạm thời khoanh lại diện tích triển khai, chưa tiếp tục mở rộng đầu tư…

Nâng mức giá trị mua sắm

Tham gia thảo luận kinh tế biên mậu tại hội nghị, các bộ, ngành địa phương, DN cũng đã đề xuất nhiều giải pháp và phương hướng cụ thể thúc đẩy thương mại hai bên như: Đề xuất bổ sung hàng hóa trong danh mục ưu tiên, nâng cấp cửa khẩu, xem xét nâng mức giá trị mua sắm hàng hóa của cư dân biên giới, thuận lợi hóa thương mại, các thủ tục hải quan, các quy định về giao thông vận tải, xây dựng chợ, hợp tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, kiến nghị về cơ chế, chính sách…

Theo ông Nguyễn Cẩm Tú - Thứ trưởng Bộ Công Thương, nhằm thực hiện được mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Campuchia đạt khoảng 5 tỷ USD vào năm 2015, đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước, trong thời gian tới, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Campuchia sẽ phối hợp triển khai nhiều giải pháp.

Theo đó, sẽ tiếp tục sửa đổi bổ sung các quy định chưa phù hợp về thương mại biên giới, đồng thời thường xuyên phối hợp tổ chức kiểm tra việc tạo thuận lợi cho hàng hóa, người và phương tiện qua lại biên giới hai nước. Bên cạnh đó, cần phải tổ chức lại hoạt động của các lực lượng chức năng; quy định thủ tục hành chính thống nhất tại cửa khẩu.

Đồng thời hỗ trợ, khuyến khích DN đầu tư xây dựng các trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa, các kho thương mại chuyên ngành tại cửa khẩu biên giới trong đó tập trung tại một số cửa khẩu của tỉnh Tây Ninh, An Giang… Bộ trưởng Thương mại Campuchia - Cham Prasidh cho biết, tiến tới cộng đồng ASEAN, cần phải có giải pháp cho thương mại biên giới, chứ không chỉ đơn thuần là hàng đổi hàng giữa các quốc gia có đường biên giới với nhau.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ sẽ ghi nhận những ý kiến của nhà đầu tư và giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền đồng thời kiến nghị đề xuất với những vấn đề vượt thẩm quyền để có thể kịp thời giải quyết các tồn tại, vướng mắc cho các DN và các địa phương nhằm góp phần thúc đẩy thương mại hai nước trong thời gian tới.

Lan Phương

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Lần đầu tiên Việt Nam xuất siêu sang Malaysia (14/01/2013)

>   Mở cơ hội ở thị trường ngoại (14/01/2013)

>   Nhập siêu của Campuchia trong năm 2012 tăng 50% (13/01/2013)

>   Lào lần đầu phát hành trái phiếu quốc tế (11/01/2013)

>   Myanmar và “chính khách” Đoàn Nguyên Đức (10/01/2013)

>   Việt Nam - Campuchia tăng cường hợp tác thương mại (09/01/2013)

>   IMF: Kinh tế Campuchia tăng trưởng 6.7% năm 2013 (09/01/2013)

>   Bầu Đức: 'Có thể hái tỷ đô khi địa ốc Myanmar nóng lên' (07/01/2013)

>   Trung Quốc đầu tư lớn kỷ lục vào Campuchia (04/01/2013)

>   Nhật Bản xóa nợ 6 tỷ USD cho Myanmar (04/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật