Thứ Năm, 10/01/2013 10:09

Myanmar và “chính khách” Đoàn Nguyên Đức

Đoàn Nguyên Đức - người đã từng có ước muốn trở thành tỷ phú thế giới muộn nhất vào năm 2014, đã vượt qua năm 2012 mà không bị phá sản như những đồn đoán đã bắt đầu từ giữa năm 2011.

* Bầu Đức: 'Có thể hái tỷ đô khi địa ốc Myanmar nóng lên'

* Việt Nam sẽ đầu tư mạnh vào Myanmar

* HAG đầu tư dự án 300 triệu USD tại Myanmar


Đoàn Nguyên Đức và chiến lược đầu tư vào Myanmar

Năm ngoái và năm nay

Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) - một doanh nghiệp rất lớn của Việt Nam, một địa chỉ được đặt trong tầm ngắm của những hãng xếp hạng tín nhiệm rất lớn trên thế giới như Fitch Ratings và Standard & Poor’s – hình như đang tự khơi dậy sức sống tự thân vào đầu năm 2013.

Đoàn Nguyên Đức – một trong những nhân vật tạo ra tranh cãi nhiều chiều nổi bật trong giới kinh thương và báo chí ở Việt Nam trong ít nhất 5 năm qua, một lần nữa gây chú ý cho dư luận với chiến lược đầu tư vào Myanmar của ông.

Vào đầu năm 2012, khi gương mặt của nhiều doanh nghiệp bất động sản se nhuốm sắc thái đổi đời ứng với năm con Rồng, oái oăm thay, HAGL lại bị Chi cục thuế Gia Lai đòi nợ. Số tiền nợ thuế mà HAGL phải trả vào thời điểm đó hoàn toàn không lớn - khoảng 150 tỷ đồng, quá nhỏ so với dự trữ tiền mặt gần 3,000 tỷ đồng mà Bầu Đức công bố, nhưng HAGL lại làm cho báo giới ngạc nhiên và giới doanh nhân nhà đất lo ngại khi số nợ thuế đó bị ghép cho tính cách “chây ỳ”, phải đến một thời gian sau mới được thanh toán.

Quả nhiên, đã không có con rồng nào tung bay trên bầu trời vào năm 2012.

Còn vào đầu năm nay - ứng với vận của loài bò sát trong mười hai con giáp, dường như tình hình lại trở nên khả quan hơn, ít nhất cũng liên quan đến sự xuất hiện của nhân vật đứng đầu HAGL.

Đi trước cả Obama?

Những gì mà Đoàn Nguyên Đức cùng công ty phố núi của ông trải qua cho đến nay thật đáng ghi nhận – như những cam go mà không phải đời người nào cũng dễ gặp. Thế nhưng cũng là một trường hợp hết sức đặc biệt, khó ai có thể làm lung lay quan điểm đánh giá vấn đề và thái độ lạc quan của Đoàn Nguyên Đức, trong khi hiện trạng như vậy lại quá thường xảy ra trong tâm lý và biểu hiện của nhiều chủ doanh nghiệp khác.

Hiển nhiên với Đoàn Nguyên Đức, rủi ro và cơ hội luôn song hành với nhau, và con người đã từng có ước muốn trở thành tỷ phú thế giới muộn nhất vào năm 2014 ấy đã vượt qua năm 2012 mà không bị phá sản như những đồn đoán đã bắt đầu từ giữa năm 2011.

Rủi ro đã tạm qua và cơ hội lại đang mở ra. Vào lần này, không phải Lào mà là một đất nước vừa thoát ách bốn chục năm quân phiệt.

Từ vài tháng trước khi năm con Rồng kết thúc, người ta đã loáng thoáng nghe về một chiến dịch hay chiến lược đầu tư nào đó của HAGL vào Myanmar. Tất nhiên khi đó, do bị phân tâm bởi con số nợ trên 15,000 tỷ đồng lần đầu tiên được trưng ra từ báo cáo đã được kiểm toán của HAGL, dư luận có lẽ không mấy quan tâm đến “trường hợp Myanmar”. Tuy nhiên trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây, có vẻ Đoàn Nguyên Đức đang lấy lại sắc diện rất đặc thù của mình: Myanmar là cơ hội hiếm thấy, với giá bất động sản có thể tăng đến bốn lần trong vòng 5 năm tới.

HAGL cũng lại nêu ra một thông tin về số tiền đầu tư 300 triệu USD vào đất nước của Thein Sein và nhà lãnh tụ đảng đối lập trong quốc hội là Aung San Suu Kyi.

Số tiền trên tuy không phải lớn, nhưng quả thực HAGL đang trở thành một trong những doanh nghiệp nước ngoài tạo ra hiệu ứng nhanh nhạy, phiêu lưu và đáng chú ý nhất ở Myanmar.

Quốc gia này, nếu nhìn ngược về hai chục năm trước, dường như đang gần tương tự với Việt Nam thời bắt đầu mở cửa. Tài nguyên còn ngồn ngộn, một thị trường lao động rẻ mạt, lồng trong bối cảnh gần như toàn bộ khu vực Đông Nam Á đã bị các nhà tư bản phương Tây và Bắc Á khai thác đến cạn kiệt. Phải chăng đo là cơ hội cho các nhà tư bản mới của Việt Nam?

Cái nhạy cảm trời cho của Đoàn Nguyên Đức cũng cần được đánh giá một cách khách quan như thế. Không ít người cho rằng ông liều lĩnh và có thể rước lấy nhiều rủi ro từ bầu không khí chính trị còn chưa mấy ổn định của Myanmar. Nhưng thực tế lại cho thấy, nếu vào giữa năm 2012 đã chẳng mấy ai dám hy vọng vào một sự cởi mở chính trị tại đất nước này, thì vào cuối năm ngoái, vị tổng thống thứ 44 của hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã kỷ niệm chiến thắng lần thứ hai liên tiếp của mình bằng việc đặt chân đến Myanmar, kéo theo những món tín dụng đáng kể đầu tiên từ Ngân hàng thế giới và chính phủ Nhật Bản cho quốc gia này.

Chẳng lẽ Đoàn Nguyên Đức đoán ra được động thái ấy trước cả chuyến đi của Obama?

“Chính khách”?

Giờ đây, có lẽ nhiều người bắt đầu nhìn ra ở Đoàn Nguyên Đức một sắc thái khác - điều trước đây có thể ẩn giấu. Đó là độ nhạy cảm về thời tiết chính trị - một yếu tố quá đỗi cần thiết đối với giới doanh nhân phương Tây. Tất nhiên, ai đó có thể nói rằng nếu biết Thein Sein và Aung San Suu Kyi bắt tay với nhau trong một sự thống nhất đến mức chính quyền quốc gia này quyết định sẽ cho tư nhân ra báo vào tháng 4/2013, cánh cửa kinh tế cũng tất yếu sẽ mở ra và kéo theo làn sóng đầu tư nước ngoài mạnh mẽ. Chỉ có điều, đã chẳng có mấy ai, đặc biệt là giới đầu tư Việt Nam, biết hay cảm nhận được về khả năng đó.

Một cách thành thực theo cái nhìn của người viết bài, cơ hội cho HAGL ở Myanmar không còn dưới mức 50% như năm ngoái, mà đang tăng vọt lên 60-70% trong năm 2013 này. Những kế hoạch của Đoàn Nguyên Đức về đầu tư khu phức hợp Yangon hay giá thành rẻ hơn của các mặt hàng sắt thép, gỗ đá chuyên chở từ Việt Nam sang Myanmar… là có cơ sở thuyết phục.

Một kinh nghiệm khác là ở Việt Nam, sau 5-6 năm tính từ thời điểm mở cửa, thị trường bất động sản bắt đầu nóng lên. Còn trong trường hợp Myanmar, được lồng trong bầu không khí đầu tư và cơ hội “đánh sóng” của các tập đoàn tư bản nước ngoài, khoảng thời gian “nổi sóng” bất động sản có thể rút ngắn đáng kể.

Cũng không loại trừ, nếu thời tiết bất động sản ở Myanmar “nóng tới 80 độ” – như một ví von của Đoàn Nguyên Đức, sẽ giúp HAGL giải quyết phần nào đó chuyện công nợ đối với các ngân hàng chủ nợ.

Nhưng chỉ không biết rõ là trong khi say sưa với những triển vọng lớn lao tại thị trường Myanmar, ông Đoàn Nguyên Đức sẽ làm cách nào để giải quyết mớ bòng bong căn hộ và đất nền của HAGL trong cái thị trường bất động sản cực kỳ lộn xộn ở quê nhà…

Viết Lê Quân (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   IDV đặt kế hoạch lãi ròng 2013 đạt 10 tỷ đồng (10/01/2013)

>   TST: Giải thể xí nghiệp Tư vấn Thiết kế (09/01/2013)

>   PVR: 1701/2013 GDKHQ lấy ý kiến bằng văn bản (09/01/2013)

>   LAF: Chuyển nhượng đất và tài sản tại Bến Lức, Long An (10/01/2013)

>   MSN công bố thông tin về khoản đầu tư vào công ty con (09/01/2013)

>   PHR: Lợi nhuận 2012 vượt 45% kế hoạch (10/01/2013)

>   SII: Đầu tư Việt Thành đã giao dịch 56,280 cp (09/01/2013)

>   CMG: CMC Telecom sáp nhập vào CMC TI (09/01/2013)

>   KSH tạm ngừng sản xuất nhà máy gạch Hamico 1 (09/01/2013)

>   Quan ngại thị trường tôn mạ bị độc chiếm (09/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật