Thứ Ba, 29/01/2013 15:42

Thoái vốn và cơ hội cuối cùng

Chứng khoán chính là cơ hội trời cho để các tập đoàn và doanh nghiệp, thông qua khối công ty chứng khoán, giải tỏa một phần trách nhiệm lớn lao của họ. Bán, bán và bán!

Lại trái chiều

Khác với sóng tăng trong bốn tháng đầu năm 2012, khối tự doanh của các công ty chứng khoán lại cắm đầu tống ra gần 1,000 tỷ đồng ngay trong giai đoạn phục hồi của thị trường, được tính từ điểm đáy vào đầu tháng 11/2012 đến nay. Một lần nữa, thị trường ghi nhận hành động trái chiều giữa một số nhà đầu tư tổ chức trong nước với khối đầu tư nước ngoài, khi các quỹ đầu tư ngoại đã âm thầm thu gom đến gần 2,000 tỷ đồng cũng trong thời gian thị trường diễn biến tăng răng cưa vừa qua.

Nếu hoạt động trái chiều trên diễn ra vào năm 2011, các nhà đầu tư nhỏ lẻ hẳn đầy hoang mang khi thị sát việc bán ròng của nhóm công ty chứng khoán. Đó cũng là thời kỳ mà nhiệm vụ thoái vốn của nhiều công ty chứng khoán và các doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân có dính dáng đến cổ phiếu phải chịu áp lực hết sức “cao cả”: phải rút ra đến gần 30,000 tỷ đồng. Một đợt đánh lên vội vã vào hai tháng 5-6/2011 đã giúp giải quyết cơ bản những gì tồn đọng: thay cho trách nhiệm “ôm bom”, khối tổ chức đã nhường lại vị trí danh dự đó cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Lượng vốn còn tồn cũng vì thế đã giảm đi đáng kể, chỉ còn vài ba ngàn tỷ đồng.

Nhưng sau khi gần hết “rác thải” đã được tống khứ và tưởng đâu thị trường sẽ chìm lắng mãi mãi, người ta lại ngạc nhiên khi nhận ra một sự hồi sinh ngấm ngầm từ cõi chết. Vả lại, gần 1,000 tỷ đồng bán ròng của khối tự doanh công ty chứng khoán trong mấy tháng qua không phải là lớn, do đó có lẽ đúng như nhận xét của giới phân tích, con số này không mấy ảnh hưởng đến thị trường, đặc biệt trong bối cảnh thị trường đang duy trì đà tăng, thậm chí tăng khá hưng phấn và lại còn được sự “hà hơi” của khối ngoại.

Nhiệm vụ cao cả

Tại sao khối tự doanh công ty chứng khoán lại thiếu kiên nhẫn trong việc giữ cổ phiếu đến thế? Có nhiều lý do được nêu ra để giải thích như nhu cầu tái cơ cấu hoạt động, nhu cầu gia tăng tiền mặt để hỗ trợ hoạt động margin, hay nhu cầu đảm bảo dòng tiền hoạt động. Nhưng bất cứ lý do gì cũng không thể chứng minh cho sự khôn ngoan của công ty chứng khoán một khi họ đã tự nguyện đánh mất hàng vào lúc thị trường đang trở nên có triển vọng hơn hẳn.

Sự thiếu khôn ngoan ấy lại được bồi đắp bởi tình thế 50% số công ty chứng khoán chịu lỗ và 70% công ty chứng khoán lỗ lũy kế trong năm 2012. Những gì cố gắng cầm cự vào năm 2011 đã không thể cố thủ trong năm sau đó. Hàng loạt công ty bị Ủy ban Chứng khoán nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Đến cuối năm 2012, sau chuỗi giằng co căng thẳng, cổ đông của công ty chứng khoán Âu Việt (AVS) đã phải chấp nhận cho công ty này giải thể.

Sẽ còn bao nhiêu công ty chứng khoán nữa phải dứt áo ra đi? Đồn đoán tất nhiên bao giờ cũng chỉ là đồn đoán, nhưng đặc biệt ứng với thị trường chứng khoán thì những đồn đoán ấy loại dường như không mấy thừa thãi - cũng tương tự như hàng loạt tin vỉa hè nổ ra trước khi xảy đến vụ Huyền Như.

Vào lần này, đã có một số cái tên được các nhà đầu tư khắc ghi vào tâm khảm để không sơ sẩy mở tài khoản tại những công ty chứng khoán dễ mất tiền như thế. Điều đáng nói là không chỉ những công ty chứng khoán đã chấp nhận công bố lỗ thực và lỗ lớn như SBS hay Phú Hưng (PHS), mà ngay với những công ty báo lãi hoặc báo lỗ ít cũng không có gì bảo đảm cho họ về vị thế khả quan trong thời gian tới. Nói cách khác, đằng sau tấm màn đã chuyển từ nhung sang xơ gai của hàng trăm công ty chứng khoán hiện nay luôn ẩn giấu nhiều chuyện mà các nhà đầu tư nhỏ lẻ không thể biết và cũng không thể ngờ đến.

Bởi thế, đã và sẽ không ngạc nhiên về động thái bán ròng của nhóm công ty chứng khoán trong bối cảnh thị trường hồi phục. Nói thẳng và nói thật, nếu năm 2013 này chứng kiến sự hồi sinh của thị trường chứng khoán thì đó cũng chỉ là một sự sống sót tạm thời, tương đương với cơ hội cho các công ty chứng khoán giải quyết những tồn đọng cuối cùng.

Những tồn đọng ấy không nhất thiết phải thuộc về công ty chứng khoán. Rất có thể, nhiệm vụ cao cả của họ còn là phải thoái sạch vốn cho các đại gia doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Trong thời gian qua, người ta đã lần lượt chứng kiến hàng loạt phi vụ thoái vốn sạch sẽ của một số đại gia. Trong khi đó, yêu cầu của Chính phủ là các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước phải thoái hết vốn từ bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm, với thời hạn trễ nhất đến ngày 31/5/2015.

Bán, bán và bán!

Nhưng không phải ai cũng có thể may mắn để “thoái sạch sẽ”. Vinaconex - được xem là một ‘cá mập’ trong ngành bất động sản, cũng là doanh nghiệp nhà nước phải cõng trên lưng một món nợ khổng lồ, đã thường tìm mọi cách để bán bớt những gì cần bán nhưng không thành công.

Vào cuối năm ngoái, lần đầu tiên một “ôm trùm” là SCIC (Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước ) đã phải thừa nhận rằng đơn vị này gần như bế tắc trong việc thoái vốn. “Kinh tế vĩ mô đã khiến chúng tôi không thoái được vốn, cũng như không tìm được cơ hội đầu tư. Nhìn đâu bây giờ cũng thấy bất động sản như cơn ác mộng” - một quan chức của SCIC bộc lộ.

Vào năm 2013 này, chưa biết thị trường bất động sản có đỡ giãy chết hay không, nhưng trước mắt chứng khoán chính là cơ hội trời cho để các tập đoàn và doanh nghiệp, thông qua khối công ty chứng khoán, giải tỏa một phần trách nhiệm lớn lao của họ. Phải bán, dù là đáy. Còn nếu tốt hơn là bán vào lúc thị trường đi lên.

Chỉ có điều, chẳng mấy ai hình dung được về cái cách thị trường chứng khoán sẽ đi lên như thế nào và đến đâu. Vậy là khẩu hiệu đưa ra phải được tuân thủ: Bán, bán và bán!

Việt Thắng (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   Sóng lớn, ăn không lớn (29/01/2013)

>   HAX đối diện với nguy cơ tạm ngừng giao dịch (29/01/2013)

>   Chủ tịch QLQ Tín Phát: Chưa có thông tin gì về việc thành lập quỹ đầu tư chỉ số (29/01/2013)

>   HOSE: VDS, MBS, PNS, MBKE lọt vào top 10 môi giới 2012 (29/01/2013)

>   Khi nào niềm tin trở lại? (29/01/2013)

>   29/01: Bản tin 20 giờ qua (29/01/2013)

>   Vốn ngoại vào TTCK Đông Nam Á giảm nhẹ (28/01/2013)

>   Soros: Các học thuyết về các thị trường đã sụp đổ (28/01/2013)

>   Sóng niềm tin? (28/01/2013)

>   Ghi-nét chứng khoán Năm Rồng (28/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật