Sóng lớn, ăn không lớn
Bắt đầu từ tháng 12/2012, thị trường khởi sắc trở lại nhưng không phải ai cũng có được cái niềm vui trọn vẹn bởi tâm lý nghi ngờ, lưỡng lự đã khiến cho nhiều nhà đầu tư thiếu quyết đoán nên đã không ăn được trọn vẹn một con sóng. Họ nghĩ, không chỉ sóng này mà các sóng khác cũng vậy thôi.
Có một thực tế hiển nhiên mà nhiều nhà đầu tư đã từng gặp phải đó là “mua xong lại giảm, bán xong lại tăng” hay còn gọi là cái hiện tượng mua đỉnh bán đáy lâu nay vẫn diễn ra.
Tâm lý con người là yếu tố rất khó nắm bắt, suy đoán, điều khiển, nhưng nó lại là yếu tố quyết định dòng tiền của thị trường sẽ chảy từ đâu về đâu, vào hay ra thị trường. Warrent Buffett đã có câu nói nổi tiếng mà giới đầu tư đều biết, đó là: “hãy tham lam khi người khác sợ hãi và hãy sợ hãi khi người khác tham lam”, nhưng tại sao chúng ta không thử tham lam khi chính bản thân mình sợ hãi, và hãy sợ hãi khi chính bản thân mình tham lam?!
Khi thị trường bắt đầu tăng, cũng là lúc nhà đầu tư nghi ngờ, xem đây chỉ là bẫy (trap) hay chỉ là bắt đầu một chu kỳ sóng tăng nào đó. Khi chưa có một dấu hiệu rõ ràng một số nhà đầu tư vẫn đứng ngoài, đến khi thị trường bùng nổ thì lòng tham con người trỗi dậy, họ đua lệnh và quyết mua cho bằng được bằng bất cứ giá nào. Để rồi sau 1, 2 phiên thị trường điều chỉnh, cổ phiếu chưa kịp về tài khoản, một lần nữa tâm lý nhà đầu tư lại rơi vào thế bị động. Nếu điều chỉnh một vài phiên, nhiều người có thể bình tĩnh để nói rằng “xuống rồi lại lên” mặc dù trong lòng đã có phần nôn nóng, nhưng khi điều chỉnh liên tục khoảng một tuần, tâm lý nhà đầu tư lúc nãy đã day dứt, khó chịu thật sự và họ không biết nên bán cắt lỗ hay tiếp tục giữ.
Sự đấu tranh giữa bán hay giữ rất gay gắt. Cắt lỗ là một quyết định không hề dễ khi nhìn tiền trong túi của mình ra đi. Trong lúc nhà đầu tư đang đấu tranh tư tưởng, thị trường vẫn xuống, vậy là nhiều nhà đầu tư quyết định bán. Thà lỗ ít còn hơn lỗ nhiều khi mà các mức hỗ trợ đều đang bị phá vỡ - đây chính là sự sự hãi.
Nhưng thật trớ trêu chỉ sau 1,2 phiên thị trường đã tăng trở lại, không những tăng mà còn lên rất mạnh, rồi họ lại đua nhau mua… Cứ như thế cho đến khi nhiều người nhận ra mình không hợp, không có duyên với thị trường chứng khoán, vậy là họ bỏ cuộc.
Diễn biến tâm lý đó gần như ai cũng đã từng trải qua khi mới tham gia vào thị trường, nhưng để vượt qua nó quả thật không dễ dàng. Thông thường khi nhà đầu tư có sự nghi ngờ, phân vân về việc mua hay không mua thì gần như đây là lúc thị trường đang đứng trước chân một con sóng. Và đối với những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu, khi phân vân, thậm chí day dứt, không chịu nổi về việc có nên bán hay tiếp tục giữ thì đó cũng là lúc thị trường sắp điều chỉnh xong. Biết rõ là như vậy nhưng không phải ai cũng tránh được việc bán mất hàng ngay tại đáy và mua gần như đỉnh. Đó cũng là một trong những lý do khiến cho nhà đầu tư rất khó “ăn dày” trong một con sóng lớn.
Hãy tham lam khi chính mình sợ hãi và hãy sợ hãi khi chính mình tham lam!
Nguyễn Kiên (Vietstock)
FFN
|