Thứ Ba, 29/01/2013 06:39

Khi nào niềm tin trở lại?

Đây là câu hỏi không dễ trả lời khi các nhà cầm cân nảy mực nền kinh tế đất nước còn có quá nhiều việc phải làm trong thời gian tới.

Trước khi giá cổ phiếu bắt đầu tăng trở lại trong những tuần cuối cùng của năm 2012, Chủ tịch Câu lạc bộ Quản lý quỹ Trần Thanh Tân đã có một buổi trò chuyện với Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM Trần Đắc Sinh về thảm trạng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong cuộc trò chuyện đó, ông Tân kể lại, ông đã nói với ông Sinh một ý đáng nhớ: "Chúng ta đã đi qua thị trường gần 5 năm khó khăn, sức chịu đựng của chúng ta đã gần hết. Nếu có một cuộc khủng hoảng nữa xảy ra, chúng ta có lẽ không chịu nổi". Thật may mắn, thị trường chứng khoán lại bắt đầu sôi động trở lại trong những ngày cuối năm.Tuy vậy, sự hồi phục đó thật mong manh và còn lâu mới có thể bù đắp được những gì mà các nhà đầu tư đã mất mát. "Cuộc khủng hoảng" mà ông Tân ám chỉ thực sự đã diễn ra trước đó, vào ngày 20/8, khởi đầu bằng sự kiện bắt bầu Kiên rồi sau đó là truy tố một số lãnh đạo của Ngân hàng ACB. Như hệ quả trực tiếp của sự kiện này, chỉ ít ngày sau, thị trường chứng khoán Việt Nam đã mất đi lượng tiền còn lớn hơn rất nhiều lần con số mà vụ Vinashin từng gây chấn động. Đó là điều chưa từng xảy ra với thị trường vốn luôn ảm đạm do bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài suốt những năm qua. Edmund Maleski, chuyên gia có tới 8 năm làm nghiên cứu về báo cáo cạnh tranh cấp tỉnh PCI, nhận xét: "Cuộc khủng hoảng đó đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến các nhà đầu tư rằng, Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn kinh tế nghiêm trọng. Đây thực sự là cú sốc bất ngờ với thị trường tài chính". Ông có trong tay nhiều bằng chứng cho nhận định này khi khảo sát niềm tin của doanh nghiệp trong năm 2012. Chỉ trong vòng 20 ngày kể từ sự kiện bắt bầu Kiên, niềm tin của cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài đều giảm đi một nửa. Các doanh nghiệp vừa và lớn - động lực tăng trưởng tiềm năng trong tương lai của Việt Nam - chịu ảnh hưởng nặng nề. Tương tự, ngành sản xuất, một nguồn tăng trưởng và xuất khẩu khác của Việt Nam, cũng bị tác động tương đối mạnh. Các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp tư nhân nhìn nhận triển vọng kinh doanh trong tương lai một cách u ám nhất.

Nhận xét của Maleski phản ánh tình trạng chung đầy cay đắng mà nhiều doanh nghiệp đang trải qua, dù mỗi người một số phận. Trên một con phố tại TP.HCM, Trần Văn Thắng và vợ đã bắt đầu một cuộc sống mới bằng việc mở hàng bán bún cua sau khi doanh nghiệp của anh gần như sụp đổ. Thắng, giám đốc một doanh nghiệp xây dựng tư nhân, đã không thể lấy được tiền thanh toán khi các công trình do công ty anh xây dựng đều bỏ dở dang. Công nhân đã tứ tán. "Phải bán bún là điều cực chẳng đã", Thắng nói, tay cầm giẻ lau đi lau lại các bàn ăn. "Nhưng tôi không còn cách nào khác để kiếm sống", anh phân trần. Anh là một trong những nạn nhân trực tiếp của tình trạng Nhà nước nợ vốn xây dựng cơ bản đến 91.000 tỷ đồng trong năm qua. Tình trạng các doanh nghiệp điêu đứng như doanh nghiệp của Thắng là phổ biến ở TP.HCM. Cục Thống kê TP.HCM ước tính có gần 22.000 doanh nghiệp "ngưng nghỉ" so với gần 24.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập. Ở Hà Nội, tình trạng không khả quan hơn. Theo Cục Thuế ở đây, trong tổng số hơn 81.000 doanh nghiệp, chỉ có 26% kê khai có thuế thu nhập doanh nghiệp để nộp, có tới 57% báo lỗ. Trên bình diện quốc gia, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2012 đã có hơn 54.000 doanh nghiệp nữa đóng cửa. Chứng kiến điều này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, một trong những người góp công lớn trong việc soạn thảo Luật Doanh nghiệp năm 2000, tạo nền tảng pháp lý cho sự phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nói rằng, ông "rất buồn". Ông nhận xét, những khó khăn hiện tại của các doanh nghiệp là vô cùng lớn bởi tài sản tích luỹ của họ đã cạn kiệt trong hai năm gần đây. "Sức khỏe và niềm tin của doanh nghiệp đã suy giảm chưa từng thấy", ông Cung chua chát nói.

Chúng ta chỉ tiêu dùng nhiều nếu chúng ta tin vào ngày mai sẽ kiếm được tiền

Doanh nghiệp phá sản do tồn kho cao vì sức mua cạn kiệt. "Nhiều người than thở, tiền mặt đi đâu"?, ông Tân tự lý giải: có nhiều yếu tố giải thích, nhưng yếu tố quan trọng nhất là niềm tin. "Chúng ta chỉ tiêu dùng nhiều nếu chúng ta tin vào ngày mai sẽ kiếm được tiền. Dù chúng ta có 10 đồng trong túi, nhưng chúng ta không tiêu nửa đồng nếu không có niềm tin sẽ kiếm được tiền vào ngày mai", ông Tân nói. Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn lý giải: "Sức mua của hộ gia đình vẫn rất yếu ớt dù ở thời điểm cuối năm, làm tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng chậm". Tổng mức này chỉ tăng hơn 6%, theo Tổng cục Thống kê. Sức mua yếu đến nỗi Ngân hàng Nhà nước tung ra lượng tiền đồng lớn để mua vào khoảng 10 tỷ USD như hồi 2007 mà lạm phát không tăng như đã từng xảy ra.

Nhưng, hạ lãi suất để giúp tăng sức cầu là điều khó khăn với Thống đốc Nguyễn Văn Bình, người cầm cân nảy mực chính sách tiền tệ quốc gia. Ông Bình nói một cách đầy thận trọng về định hướng trong năm 2013: "Nguy cơ bùng nổ trở lại của lạm phát vẫn còn, nên việc kiểm soát lãi suất phải thực hiện từng bước thận trọng. Việc có tiếp tục giảm lãi suất năm 2013 hay không còn phụ thuộc nhiều vào khả năng kiềm chế lạm phát của chúng ta". Đây rõ ràng là tin không tốt cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó chỉ còn 33% là còn lạc quan về triển vọng kinh doanh trong năm tới, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Những dư địa để cấp cứu doanh nghiệp qua Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ đầu năm 2013 liệu có tác dụng? Đó vẫn là câu hỏi khi mà các chính sách hỗ trợ truyền thống đã đi đến gần hết giới hạn. Tăng chi tiêu công, tăng đầu tư công là không thể thực hiện trong khả năng ngân sách khó khăn; đẩy nhanh tín dụng là không khả thi trong bối cảnh nợ xấu và hàng tồn kho cao; mức giảm thuế cho doanh nghiệp đã tới giới hạn. Chưa kể, nếu nới lỏng tín dụng "quá tay" thì kinh tế lại rơi vào vòng xoáy bất ổn vĩ mô với lạm phát cao.

Chứng khoán đã tăng điểm trở lại. Với những người như ông Tân, niềm tin đã le lói trở lại. Nhưng với Thắng, niềm tin đó đã cạn kiệt và đáng buồn thay, những người như Thắng lại không hề ít.

Tư Giang

Diễn đàn DN

Các tin tức khác

>   29/01: Bản tin 20 giờ qua (29/01/2013)

>   Vốn ngoại vào TTCK Đông Nam Á giảm nhẹ (28/01/2013)

>   Soros: Các học thuyết về các thị trường đã sụp đổ (28/01/2013)

>   Sóng niềm tin? (28/01/2013)

>   Ghi-nét chứng khoán Năm Rồng (28/01/2013)

>   CK Bản Việt khuyến nghị bán vàng, mua cổ phiếu (28/01/2013)

>   Nới room ngoại và chuyện “mượn gió bẻ măng” (28/01/2013)

>   Khi lòng tham trỗi dậy (28/01/2013)

>   Giải mã việc bán ròng “không mệt mỏi” của khối tự doanh CTCK (27/01/2013)

>   28/01: Bản tin đầu tuần (28/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật