Thị trường vàng, còn nhiều thách thức
Bên cạnh những biến động về giá, thị trường vàng mấy ngày qua cũng ghi nhận hiện tượng các DN “lách” quy định về điều kiện hoạt động.
Hơn một tuần kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN)chính thức siết lại việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng miếng, thị trường đã có những biến động nhất định, đặc biệt về giá. Sự cần thiết trong hành động của NHNN được thị trường ghi nhận nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm…
Giá vàng đang đi vào ổn định
Giá vàng miếng SJC ngày 16/1 vẫn cao hơn giá thế giới hơn 3 triệu đồng/lượng, thay vì mức 2,7 - 2,8 triệu đồng/lượng của trước đó, nhưng biến động không bám sát diễn biến của giá vàng thế giới.
Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo một kinh doanh vàng nhận định: “Thị trường vàng trong những ngày đầu siết chặt quản lý vẫn diễn ra bình thường. Còn việc giá vàng cao, thấp tại một vài điểm khác nhau có nguyên nhân chủ yếu là các ngân hàng đang mua vào để tiếp tục trả nợ số vàng trước đây đã huy động được”.
Lực mua vàng miếng tăng mạnh trở lại trong hai ngày qua. Tại CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), theo bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc Công ty, doanh thu mua bán vàng miếng hàng ngày đã tăng gấp đôi so với trước thời điểm 10/1. Bà Cúc nhìn nhận, người dân có tâm lý yên tâm mua bán vàng miếng bởi thấy được Nhà nước chấp nhận thị trường vàng miếng và đặc biệt là quản lý chặt nhằm đảm bảo nhu cầu hợp pháp của người dân.
“Tôi tin rằng, thị trường vàng sẽ dần đi vào ổn định vì Nhà nước đã “ra tay” siết chặt quản lý, mặc dù trước mắt sẽ có những gập ghềnh nhất định. Các thành phần trong xã hội không nên kỳ vọng mọi việc sẽ trôi chảy ngay được. Từ hơn 8.000 điểm kinh doanh vàng miếng, nay giảm xuống còn khoảng 2.500 điểm, một sự thay đổi rất lớn và rất nhanh, nên chắc chắn chưa thể trôi chảy ngay được”, bà Cúc nói.
Cùng quan điểm này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc NHNN quản lý chặt những thành phần kinh doanh vàng miếng là đúng đắn, nhưng bất kỳ biện pháp can thiệp hành chính nào cũng đều tạo ra những biến động nhất định cho thị trường nên các thành phần trong xã hội cần kiên trì.
“Có thể người dân chưa tiếp cận được hoàn toàn mạng lưới kinh doanh hợp pháp, mức cung cầu hiện tại chưa được quân bình nên giá bị đẩy lên chỉ là biến động có tính tạm thời”, TS. Hiếu nhận định.
Do đó, cũng có khá nhiều ý kiến của chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù mạng lưới của các TCTD cũng khá rộng và trải dài, nhưng ngay thời điểm này, mạng lưới đó chưa thể “phủ sóng” rộng khắp cả nước, đặc biệt ở địa bàn một số tỉnh miền núi phía Bắc. NHNN cần chọn ít nhất một đến hai công ty vàng bạc đá quý kinh doanh vàng miếng để phục vụ người dân ở vùng sâu, xa tốt hơn.
Vẫn có hiện tượng “lách luật”
Bên cạnh những biến động về giá, thị trường vàng mấy ngày qua cũng ghi nhận hiện tượng các DN “lách” quy định về điều kiện hoạt động kinh doanh vàng miếng bằng cách đánh nhẫn to và đóng gói nhẫn thành vỉ, hay tiệm kinh doanh vàng quy mô nhỏ, không được cấp phép vẫn bán vàng miếng… Thực tế, câu chuyện này không mới, bởi từ trước khi NHNN chính thức siết lại quản lý thị trường, việc bán vàng nhẫn đã rộ lên.
Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối NHNN cho biết, NHNN cũng quan ngại hiện tượng “vàng miếng trá hình” sẽ trở thành vấn đề phức tạp nên đã đề nghị SJC và PNJ báo cáo sản xuất vàng nhẫn đóng vỉ.
“Cả SJC và PNJ đã báo cáo tổng số chỉ có mấy trăm lượng vàng được dập thành nhẫn tròn, nhưng chưa bán được là bao, nên có thể nói NHNN đã trút đi được một gánh nặng”, ông Huy nói.
Ông Huy cũng cho biết thêm, sau khi nghiên cứu thị trường, NHNN nhận thấy, vấn đề vàng nhẫn chưa đáng quan ngại. Hiện trên thị trường, chỉ có khoảng 3, 4 DN dập vàng nhẫn mà lưu thông được vì yêu cầu tự thân của các DN này là phải có mạng lưới cửa hàng và uy tín rất cao, trong khi người dân đã quen với vàng miếng. Người dân đang mang vàng miếng không phải thương hiệu SJC đi đổi dần, chứ không phải là chuyển sang vàng nhẫn.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2013 của ngành Ngân hàng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: NHNN đã có những bước tiến bộ trong việc quản lý thị trường vàng. Tuy nhiên, NHNN còn một số việc cần phải làm: Thứ nhất, không để thị trường vàng gây bất ổn kinh tế vĩ mô, bởi trước đây vàng tác động liên tục vào tỷ giá, lãi suất, cán cân xuất nhập khẩu, gây mất ổn định, giảm giá trị đồng tiền… Thứ hai, phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân, người có vàng và những người có nhu cầu cơ bản về vàng. Thứ ba, quản lý vàng để vàng từng bước trở thành nguồn lực của đất nước, không để mãi chôn một chỗ, mà phải thành tiền để đưa vào sản xuất - kinh doanh.
“Khi thị trường vàng miếng hoạt động tương đối ổn định, để thực hiện giai đoạn cuối cùng về xóa bỏ “vàng hóa” nền kinh tế, Nhà nước huy động nguồn lực vàng trong nền kinh tế để phục vụ cho hoạt động - sản xuất kinh doanh và sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước, NHNN sẽ tham gia thị trường với vai trò là người kiến tạo và mua bán cuối cùng trên thị trường vàng miếng, đảm bao sự lưu thông của thị trường và tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước bằng vàng”, ông Huy nói.
Nền kinh tế đang trông đợi vào sự ổn định thực sự của thị trường vàng, nhưng để đi tới đích ổn định cho thị trường này, chặng đường phía trước của NHNN sẽ còn lắm gian nan.
Giá vàng SJC ngày 16/1 vẫn cao hơn giá vàng thế giới 3 triệu đồng/lượng
Hồng Dung
Đầu tư chứng khoán
|