Thứ Sáu, 18/01/2013 15:08

Gian nan quản lý thị trường vàng

Theo một chuyên gia kinh doanh vàng, lộ trình chấm dứt “vàng hóa” nền kinh tế không thể làm nhanh, “đốt cháy giai đoạn”. Nó phải tuân thủ quy trình từ xây dựng khuôn khổ pháp lý chặt chẽ để quản lý thị trường vàng; chấm dứt hoạt động huy động và cho vay vốn bằng vàng của TCTD; cuối cùng là chuyển hoàn toàn quan hệ huy động, cho vay vốn bằng vàng sang quan hệ mua, bán vàng miếng.

Bài 1: “Lửa thử vàng gian nan thử sức”

Câu tục ngữ “Lửa thử vàng gian nan thử sức” thường được dân gian dùng để nói về sự quyết tâm, tinh thần vượt khó của con người. Nhưng theo một chuyên gia kinh doanh vàng, ngẫm lại câu tục ngữ này cũng rất thú vị và có phần đúng với sự quyết tâm vượt thử thách của cơ quan quản lý khi ban hành các chính sách quản lý thị trường vàng. Bởi cùng với sự “thăng hoa” của giá vàng, các chính sách liên quan tới vàng luôn được dư luận quan tâm.

Không chùn… bước

Ngay từ thời điểm năm 2008, khi thị trường vàng thế giới bắt đầu xuất hiện các cơn sốt, tác động tới thị trường vàng Việt Nam, nguy hại hơn là xuất hiện “xới bạc” sàn giao dịch vàng, kinh doanh vàng trên tài khoản khiến nhiều người đã phải ôm hận bởi rủi ro khó lường. Trước thực trạng này, cuối năm 2009 Chính phủ đã có chỉ đạo chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản, đồng thời NHNN cũng bãi bỏ quy định về việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài theo Quyết định 03/2006/QĐ-NHNN.

Việc chấm dứt kinh doanh vàng trên tài khoản không phải “thuận buồm xuôi gió” bởi dư luận vẫn cho rằng trong bối cảnh hội nhập kinh tế cần sự liên thông giữa thị trường vàng trong nước và quốc tế. Nhìn lại chuyện cũ để thấy rằng, nếu không vững tin, không quyết tâm thì cơ quan hoạch định chính sách rất khó đạt được kết quả.

Năm 2012 cũng đầy thử thách với các cơ quan quản lý thị trường vàng mà “tiêu điểm” là Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) – một Nghị định được xây dựng công phu, bài bản về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã có hiệu lực chính thức từ ngày 25/5/2012, thay thế Nghị định 174/1999/NĐ-CP vốn bộc lộ nhiều hạn chế trong quản lý kinh doanh vàng. Mục tiêu của Nghị định 24 là nhằm chấm dứt “vàng hóa” nền kinh tế, quản lý chặt chẽ thị trường vàng và tránh tình trạng đầu cơ, làm giá.

Theo một chuyên gia kinh doanh vàng, lộ trình chấm dứt “vàng hóa” nền kinh tế không thể làm nhanh, “đốt cháy giai đoạn”. Nó phải tuân thủ quy trình từ xây dựng khuôn khổ pháp lý chặt chẽ để quản lý thị trường vàng; chấm dứt hoạt động huy động và cho vay vốn bằng vàng của TCTD; cuối cùng là chuyển hoàn toàn quan hệ huy động, cho vay vốn bằng vàng sang quan hệ mua, bán vàng miếng.

Quản lý tốt thị trường vàng Nhà nước sẽ thực hiện huy động nguồn vốn bằng vàng thông qua việc mua vàng tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước và cung ứng vốn cho nền kinh tế. Với các mục tiêu trên, có thể khẳng định đến nay, đã đạt được thành công bước đầu trong chính sách quản lý thị trường vàng của NHNN.

Thành công bước đầu

Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, quản lý thị trường vàng đã đạt được kết quả bước đầu, đúng với mục tiêu của Nghị định 24. Thị trường vàng đã không tác động đến kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng tới tỷ giá, lãi suất.

Còn theo đánh giá của NHNN, trước đây mỗi khi giá vàng tăng, giới buôn lậu vàng lại gom USD mua vàng về bán, gây áp lực lên tỷ giá, nhưng năm 2012 đã không xảy ra hiện tượng này. Hệ thống ngân hàng đã mua lại được vàng từ nền kinh tế, chuyển đổi sang thành tiền để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ nguồn lực này mà thanh khoản trong hệ thống ngân hàng được cải thiện, giảm được lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho DN, duy trì tăng trưởng kinh tế.

Thành công bước đầu của Nghị định 24 không chỉ được thể hiện qua những tác động tích cực vào sự ổn định kinh tế vĩ mô, còn được phản ánh qua thị trường, tâm lý người dân. “Năm 2012 đã không còn sốt vàng và không xuất hiện hình ảnh người dân vác bao tải tiền, rồng rắn xếp hàng mua vàng”, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Một chuyên gia ngân hàng khẳng định, đặc biệt trong bối cảnh NHNN không cho phép nhập khẩu vàng, không thực hiện bình ổn giá vàng, nhưng trên thị trường hầu như không diễn ra nhập lậu vàng qua biên giới, điều này được thể hiện qua việc tỷ giá được ổn định. Hơn thế, đến nay chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới đã được thu hẹp đáng kể.

Điểm thành công nữa là những hoài nghi về việc độc quyền thương hiệu thao túng giá vàng đã không xảy ra với thị trường vàng. Một chuyên gia kinh doanh vàng lý giải, trước đây, có 8 thương hiệu vàng miếng cùng kinh doanh trên thị trường và nay chỉ có SJC được lựa chọn và NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng. Tuy vậy, lượng vàng người dân nắm giữ khoảng 300 - 350 tấn vàng và trên thực tế vàng SJC đã chiếm tới 89% trong các giao dịch vàng. “Vàng SJC người dân nắm giữ là cực lớn như vậy nên khả năng chi phối độc quyền về giá là không dễ”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Mặt khác, khi có tới gần 22 TCTD và 17 DN điểm đầu mối kinh doanh và gần 2.500 cửa hàng, điểm giao dịch nên việc chi phối thao túng trên thị trường vàng không thể xảy ra. Hơn thế nữa, một khi mà NHNN tuyên bố sẽ là người tham gia kiến tạo thị trường, người mua bán cuối cùng trên thị trường vàng thì không còn đất cho khả năng độc quyền của 1 tổ chức, cá nhân nào đó. “Cửa sống” cho giới đầu cơ cũng bị loại bỏ.

Theo ghi nhận của phóng viên, sau một tuần triển khai hệ thông bán vàng miếng qua các điểm giao dịch được NHNN cấp phép, thị trường vàng trong nước vẫn khá ảm đạm. Theo ông Nguyễn Thanh Trúc – Tổng giám đốc Tổng Công ty kinh doanh vàng Agribank Việt Nam, hệ thống mạng lưới mua bán vàng miếng đi vào hoạt động khá suôn sẻ, không có biến động trên thị trường. Đặc biệt, sau khi mạng lưới kinh doanh vàng miếng đi vào hoạt động đã khiến giá vàng trong nước liên tục giảm, rút ngắn khoảng cách với giá vàng thế giới từ mức 5 triệu đồng/lượng xuống còn 2,5 triệu đồng/lượng.

Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ vừa ban hành về những giải pháp thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2013 nêu rõ NHNN cần bình ổn giá vàng, bảo đảm giá trong nước sát với thế giới. Đây sẽ là một nhiệm vụ trọng tâm để “nắn” thị trường vàng đi đúng mục tiêu đề ra nhằm toàn diện hơn cho chính sách quản lý vàng, đảm bảo lợi ích cho người dân nắm giữ vàng.

Bài 2: Tiến tới xóa bỏ vàng hóa

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   NHNN sẽ là “nhà cái” trên thị trường vàng (18/01/2013)

>   Giá vàng lên 45,7 triệu đồng (18/01/2013)

>   Bạch kim vượt 1,700 USD, vàng lên trên 1,690 USD/oz (18/01/2013)

>   HSBC hạ dự báo giá vàng 2013 (17/01/2013)

>   Mua bán vàng miếng: Hết cửa đầu cơ (17/01/2013)

>   Giá vàng trong nước trồi sụt (17/01/2013)

>   Thị trường vàng đang vào quỹ đạo ổn định (17/01/2013)

>   Thomson Reuters GFMS: Giá vàng sẽ chạm kỷ lục trong 6 tháng đầu năm (17/01/2013)

>   Không có chuyện nấu vàng miếng làm vàng nhẫn (17/01/2013)

>   Mổ xẻ giá vàng (16/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật