NHNN sẽ là “nhà cái” trên thị trường vàng
Đề cập sự chuyển động trên thị trường vàng đầu tháng 1/2013, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TienphongBank cho rằng, tới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể đưa ra khung giá định hướng, qua đó đóng vai trò người mua bán cuối cùng trên thị trường vàng.
Sau một tuần mạng lưới kinh doanh vàng được thiết lập lại theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) của Chính phủ, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới được thu hẹp. Theo ông, đây có phải là hiệu ứng rõ nhất của Nghị định 24?
Mục tiêu của Nghị định 24 là kiểm soát thị trường vàng. Chúng ta nhận thấy, từ sau ngày 10/1 đến nay, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới liên tục bị thu hẹp. Tuy nhiên, lợi ích lớn nhất của Nghị định 24 là những quy định khiến thị trường minh bạch hơn.
Trước đây, cửa hàng bán vàng miếng có thể xuất hiện trong bất kỳ ngõ nhỏ nào với bảng giá được ghi bằng vài nét chữ nguệch ngoạc, mua bán không có hóa đơn, là kẽ hở cho vàng giả, vàng nhái. Hoặc có hiện tượng một số cửa hàng vàng khi giá lên lại găm giữ vàng, không bán cho người dân… Tuy nhiên, khi Nghị định 24 có hiệu lực, tất cả các đơn vị bán vàng miếng phải có bảng giá điện tử, phải xuất hóa đơn cho người dân. Điều này vừa giúp ngân sách không bị thất thu, vừa đảm bảo chất lượng vàng. Nghị định 24 cũng yêu cầu tất cả các đơn vị kinh doanh vàng phải chuẩn bị đầy đủ lượng vàng cung ứng cho người dân, không có quyền từ chối khách hàng. Do đó, việc mua bán của người dân cũng thuận lợi hơn. Việc được cung cấp hóa đơn cũng giúp người dân được đảm bảo quyền lợi khi có nhu cầu bán lại vàng.
Có thông tin cho rằng, NHNN sẽ thực hiện vai trò người mua bán cuối cùng trên thị trường vàng bằng cách thành lập Quỹ Dự trữ vàng và sẽ đưa ra một biên độ giá để can thiệp thị trường khi cần thiết. Ông có tán thành cách làm này?
Liên thông giá vàng Việt Nam và thế giới là một thách thức lớn với cơ quan quản lý. Có thể hiểu rằng, khi là người kiến tạo, người mua, người bán cuối cùng trên thị trường, thì NHNN sẽ trở thành “nhà cái” hay nhạc trưởng trên thị trường vàng. Tôi tin tưởng, một khi đã quản lý theo cơ chế thị trường, NHNN sẽ chọn một giải pháp phù hợp.
Hiện có nhiều ý kiến, đề xuất, kịch bản đặt ra với NHNN. Theo tôi, sẽ có hai phương án chính. Một là, NHNN sẽ áp đặt giá mua, giá bán cho toàn thị trường. Hai là, NHNN sẽ đưa ra khung giá sàn, giá trần để định hướng, các DN sẽ căn cứ vào khung giá này để mua, bán tùy theo khả năng của mình.
Trong trường hợp có đơn vị mua bán vượt khung quá xa, NHNN có thể can thiệp bằng nghiệp vụ mua bán để điều chỉnh lại cho hợp lý. Việc đặt khung này vừa tạo quyền chủ động cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo quyền lợi của người dân. Tôi ủng hộ phương án thứ hai.
Nhiều người lo ngại, việc thu hẹp đầu mối kinh doanh vàng sẽ khiến tình trạng độc quyền, đầu cơ vàng nảy sinh. Lo ngại này có cơ sở không, thưa ông?
Trên thị trường hiện chỉ có thương hiệu vàng SJC do NHNN độc quyền. Tuy nhiên, lượng vàng nắm giữ trong dân cũng rất lớn (hơn 300 tấn). Mặt khác, trên thị trường có gần 40 đầu mối kinh doanh vàng, với 2.500 cửa hàng, do đó không một doanh nghiệp nào dễ đầu cơ, thao túng thị trường. Hơn nữa, khi tham gia kiến tạo thị trường vàng và là người mua, người bán cuối cùng, NHNN sẽ dùng nguồn lực của mình để mua, bán vàng can thiệp nếu giá quá cao, do đó, việc lũng đoạn thị trường vàng không thể xảy ra.
Theo dự đoán của ông, giá vàng năm 2013 diễn biến như thế nào? Liệu chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới có tiếp tục thu hẹp?
Năm 2013, nền kinh tế thế giới chưa thoát khỏi u ám, do đó, vàng vẫn là lựa chọn của nhiều nhà đầu tư. Tôi cho rằng, giá vàng năm nay sẽ không tăng cao như những năm trước, sẽ có thời điểm trồi sụt, song nhìn chung giá vàng vẫn trong xu hướng tăng. Tất nhiên, giá vàng sẽ khó tăng 25-30% như trước, song vẫn có thể tăng ở mức 9-10% như năm 2012.
Hà Tâm
đầu tư
|