Tái cấu trúc TTCK, làm từ xuất phát điểm
Nếu muốn quản trị Sở GDCK tốt hơn, phải nghĩ đến việc cổ phần hóa, cho phép các tổ chức tư nhân trong và ngoài nước tham gia mua cổ phần.
Cải tạo xuất phát điểm
TTCK Việt Nam có những tồn tại, nhưng trong nhiều năm qua đã không được giải quyết thỏa đáng. Thứ nhất là về công tác tạo hàng hóa cho thị trường. TTCK Việt Nam hiện không có nhiều hàng hóa tốt. Đa phần công ty niêm yết ở quy mô nhỏ, một số lớn hơn thì có xuất phát điểm là DNNN, với hầu hết cổ phần thuộc sở hữu nhà nước không được giao dịch. Tiến trình IPO các DNNN liên tục bị trì hoãn, làm chậm quá trình cung cấp hàng hóa tốt cho sàn.
Thứ hai, khả năng huy động vốn cho tăng trưởng của các công ty nhỏ ở Việt Nam thông qua vốn mạo hiểm (venture capital) và vốn tư nhân (private equity) còn hạn chế. Việc thiếu thốn các nguồn vốn mạo hiểm nội địa chẳng những hạn chế tiềm năng tăng trưởng của một nền kinh tế có khá nhiều DN nhỏ và vừa, mà còn hạn chế nguồn cung tốt cho TTCK.
Thứ ba, TTCK Việt Nam không phát triển trên nền tảng của những quỹ lương hưu và quỹ quản lý tiền tiết kiệm dư thừa của người dân như các nước phát triển. TTCK Việt Nam hay trồi sụt thất thường vì phụ thuộc vào vốn nóng của các cá nhân hay tín dụng ngân hàng.
Số lượng CTCK trên thị trường sẽ do quy luật cung - cầu quyết định
|
Đây là những xuất phát điểm khác biệt đáng lưu ý của TTCK Việt Nam. Những khác biệt này cần nỗ lực đột phá từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và nhiều bộ, ngành liên quan trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách cho không chỉ thị trường cổ phiếu niêm yết, mà cho cả thị trường trái phiếu công ty, cho hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm, các quỹ hưu trí…
Để thị trường tự tinh giảm CTCK
Giá trị giao dịch trung bình trên hai sàn chỉ khoảng 1.300 tỷ đồng/phiên. Khi miếng bánh dịch vụ quá nhỏ và đã được tập trung nắm giữ trong tay một số “ông lớn” thì đa phần các CTCK còn lại chỉ có thể cầm cự, chứ chưa nói đến phát triển. Không thể ấn định chủ quan số lượng CTCK cho thị trường. Số lượng đơn vị cung cấp dịch vụ hoàn toàn phụ thuộc vào quy mô thị trường và phải do những chủ thể trên thị trường quyết định.
Nên tư nhân hóa sở GDCK
Mô hình sở hữu tư nhân giúp tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của các Sở GDCK, bao gồm các yếu tố lợi nhuận, quy mô thị trường, thanh khoản và khả năng huy động vốn từ thị trường. Trở lại trường hợp Việt Nam, việc Sở GDCK thuộc sở hữu Nhà nước có thể cản trở việc áp dụng các phương thức quản trị công ty hiện đại. Vì vậy, nếu muốn quản trị Sở GDCK tốt hơn, cần phải nghĩ đến việc cổ phần hóa, cho phép các tổ chức tư nhân trong và ngoài nước tham gia mua cổ phần. Vai trò của Nhà nước chỉ là đặt ra khuôn khổ pháp luật để Sở vận hành và đảm bảo cơ quan quản lý trong lĩnh vực chứng khoán có trách nhiệm và quyền hạn hợp lý tương ứng với vai trò người giám sát. Nhà đầu tư góp vốn vào Sở giao dịch cũng trở thành một kênh giám sát hoạt động của Sở. Tất nhiên, nếu muốn đi theo con đường này, sự kiện toàn về mặt khuôn khổ luật pháp và khả năng giám sát của cơ quan quản lý nhà nước là quan trọng. Nếu như cơ quan quản lý nhà nước không đủ quyền lực thì Sở GDCK dễ đi “lệch đường”. Nhưng nếu cơ quan quản lý can thiệp quá sâu thì tính độc lập của Sở GDCK không được đảm bảo.
Không để TTCK là một sòng bài
TTCK Việt Nam có nhiều tin đồn, còn các thông tin minh bạch, có thể ra quyết định đầu tư lại thiếu hoặc chậm. Tình trạng thao túng số liệu xảy ra phổ biến khi năm nào cũng có nhiều DN thay đổi kết quả kinh doanh trước và sau kiểm toán. Chuyện này không lạ trên thế giới, nhưng khi bị phát hiện đều bị xử lý rất nặng, mang tính răn đe.
Còn ở Việt Nam, việc phát hiện và xử phạt hoạt động thao túng giá cổ phiếu, số liệu kế toán chưa thực sự nghiêm, khiến các NĐT nhỏ dễ trở thành nạn nhân. Trong quá trình tái cấu trúc TTCK Việt Nam, việc minh bạch hóa thông tin cũng là một nhiệm vụ cần giải quyết thỏa đáng để TTCK không biến thành một sòng bài lớn bị dẫn dắt bởi các đội lái.
TS. Hồ Quốc Tuấn
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|