“Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”
Trong lịch sử 12 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam, số lần tăng giảm trong tháng 1 là tương đương nhau, nhưng hầu hết biên độ tăng điểm trong các tháng tăng điểm thường cao hơn nhiều so với những tháng giảm. Điều đó thể hiện sự kỳ vọng lớn của thị trường.
* Chứng khoán năm 2013 có phục hồi?
* TTCK Việt Nam 2012 - Một kết thúc đẹp!
* TTCK: Tháng 12 qua 12 năm
* Dấu ấn TTCK Việt Nam phiên giao dịch cuối năm 2012
Tháng 1/2001, VN-Index tăng trưởng đến 35.24 điểm, tương ứng 16.74% từ 210.56 điểm vọt lên 245.8 điểm. Ở giai đoạn này, số lượng doanh nghiệp niêm yết còn khiêm tốn nên lượng giao dịch trong tháng chỉ đạt xấp xỉ 10 triệu đơn vị, trị giá hơn 580 tỷ đồng.
Thị trường bắt đầu điều chỉnh và đi xuống từ cuối năm 2001. Tháng 1 của hai năm liền sau đó (2002 và 2003), VN-Index giảm 10.42% (24.15 điểm) xuống 207.55 điểm và 6.01% (11.02 điểm) xuống 172.38 điểm.
Năm 2004, thị trường chứng kiến giai đoạn phục hồi. Tại tháng 1 năm này, VN-Index tăng đến 26.7% (+45.16 điểm) lên 214.32 điểm.
Tháng 1/2005 chỉ là một sự điều chỉnh nhẹ khi giảm 1.65% (-3.91 điểm) xuống 233.32 điểm để chuẩn bị cho đợt tăng trưởng mạnh sau đó.
Cuối năm 2005, VN-Index vượt mốc 300 điểm. Tháng 1/2006, chỉ số tiếp tục tăng thêm 2.31% (+7.04 điểm) so với cuối năm 2005 đạt mức 312.32 điểm. Cũng trong tháng này, thanh khoản thị trường đã tăng cao hơn tháng 1 của các năm về trước, với tổng cộng hơn 32 triệu đơn vị chuyển nhượng, trị giá hơn 2,600 tỷ đồng.
Tình hình giao dịch tháng 1 tại HOSE qua các năm
Đvt: tỷ đồng
|
Trung tâm GDCK Hà Nội (HNX) – nay đã đổi tên là Sở GDCK Hà Nội - với chỉ số HNX-Index được ra đời nửa cuối năm 2005 với giao dịch khá ảm đạm, nhưng từ đầu năm 2006 tình hình đã đổi khác.
Tháng 1/2006, HNX-Index cũng phục hồi 2.76 điểm, tức 3.02% so với cuối năm 2005 đạt 94.06 điểm, nhưng giao dịch chỉ đạt 14 tỷ đồng trong suốt tháng.
Suốt năm 2006, thị trường chứng kiến một sự tăng trưởng chưa từng có. VN-Index có lúc vượt 800 điểm khi gần kết thúc năm 2006, sau đó điều chỉnh xuống còn khoảng 740 điểm. Bước sang tháng 1/2007, thị trường bùng nổ thực sự. Trong vòng một tháng, VN-Index tăng 300 điểm, tức 40.5% lên 1,041 điểm. HNX-Index cũng làm cuộc “cách mạng” khi tăng 106.6 điểm, tức 44% so với năm 2006 lên 348.52 điểm.
Việc doanh nghiệp ồ ạt lên sàn để được hưởng lợi từ chính sách thuế cũng làm cho thanh khoản thị trường tăng rất mạnh. Khối lượng giao dịch tháng 1/2007 tăng lên gần 246 triệu đơn vị, trị giá hơn 25,858 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài cũng ồ ạt gom hàng với giá trị mua ròng lên tới 18,450 tỷ đồng, cao nhất trong các tháng 1.
Giao dịch tại HNX tăng hàng ngàn lần so với một năm về trước, đạt 66.6 triệu cổ phiếu, tương đương 5,915 tỷ đồng.
Tình hình giao dịch tại HNX trong tháng 1
Đvt: tỷ đồng
|
Nửa cuối năm 2007, thị trường bắt đầu điều chỉnh và lao dốc trong các năm sau đó. Ba năm liên tục từ 2008 – 2010, cả VN-Index và HNX-Index đều mất điểm trong tháng 1. Cuối tháng 1/2009 thị trường gần như chạm đáy khi VN-Index rớt xuống 303 điểm và HNX-Index cũng chỉ còn 99.93 điểm.
Thanh khoản thị trường trong các năm này vẫn còn khá dồi dào. Thậm chí tháng 1/2010, HOSE đạt giá trị giao dịch lên tới 39,230 tỷ đồng và HNX đạt 17,641 tỷ đồng.
Tháng 1 năm 2011 và 2012, nhà đầu tư sau những năm gian khó đã kỳ vọng khá nhiều vào sự khởi sắc. Điều này giải thích vì sao VN-Index tăng 24.63 điểm (+5.07%) trong tháng 1/2011 và tăng gần 38 điểm (+10.85%) vào tháng 1/2012. Tuy nhiên, mọi kỳ vọng đều tan biến khi liên tục hai năm, tình hình kinh tế lẫn thị trường chứng khoán đều ảm đạm và lao dốc. Nhà đầu tư gần như mất hết những gì tích lũy được ở các năm về trước.
HNX-Index vẫn năm trong chuỗi suy giảm khi tháng 1/2011 mất 6.77 điểm, tương ứng 6% xuống 106.63 điểm. Tháng 1/2012, dù chỉ số này tăng 3.8 điểm (+6.69%) nhưng đã tụt xuống chỉ còn 60.59 điểm.
Những ngày đầu năm 2013, tâm lý nhà đầu tư đang được hâm nóng bởi tháng 12 hết sức tích cực vừa qua, liệu xu hướng khởi sắc của thị trường có tiếp diễn trong những ngày tháng trước mắt?
*Tựa đề được trích từ bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu.
Viết Vinh (Vietstock)
ffn
|