Thứ Ba, 01/01/2013 20:00

Chứng khoán năm 2013 có phục hồi?

Chứng khoán Việt Nam lại có hy vọng được hồi sinh vào năm 2013, và tốt hơn thế là vượt trên tâm thế mừng hụt của năm 2012.

Tiêu đề bài viết này xin lặp lại câu hỏi mà hãng tin quốc tế B.B.C vừa nêu ra đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhìn lại, phần dự báo của B.B.C cho năm 2012 có vẻ thận trọng hơn cả thể nghi vấn mà họ thường dùng để hàm ý về một số vấn đề kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, cùng “air” với tờ Financial Times hay Bloomberg, B.B.C rất ít khi nhắc đến từ “phục hồi”, dù là với thị trường bất động sản hay chứng khoán ở Việt Nam.

Vào thời điểm cuối năm 2012, đã xuất hiện những gương mặt tỏ ra lạc quan hơn về xu hướng của hai chỉ số chứng khoán. Điều này gần giống như giai đoạn được coi là “bất ngờ” vào tháng Giêng năm ngoái. Chỉ có điều, vào lần này người ta ít mô tả đà tăng tiến của chứng khoán trong suốt tháng 12/2012 như một sự chuyển biến bất thường, mà thay vào đó bằng thái độ “lạc quan thận trọng” như Dominic Scriven của Quỹ đầu tư Dragon Capital.

Một nhân vật khác – Andy Ho, tổng giám đốc Quỹ đầu tư VinaCapital, cũng đưa ra dự báo về thị trường sẽ phục hồi vào năm 2013. Tuy thế, có lẽ rút kinh nghiệm về “bài học xương máu” của nửa đầu năm 2012 với nỗi thất vọng tràn trề từ sự mừng hụt trước đó, giới chuyên gia chứng khoán hiện nay không còn quá vồ vập vào khả năng phục hồi của thị trường, cho dù đến nay chỉ số HNX đã tăng được đến 15% so với mức đáy 50 điểm.

Cần nhắc lại, trong không khí tết khá buồn thảm năm ngoái, hai chỉ số chứng khoán cũng từ từ đi lên. Kết quả của quá trình tăng nhiệt theo cách cưỡng bức này là vào tháng 5/2012, thị trường đã vượt đến 35-40% so với vùng đáy, với hàng trăm cổ phiếu tăng giá gấp đôi mức thấp nhất của chúng. Khi đó, chính người đứng đầu của Ngân hàng nhà nước cũng không ngần ngại khẳng định thị trường chứng khoán không tăng nóng mà sẽ phục hồi bền vững.

Nhưng cũng vào năm 2012, dường như đã có một sự “ngộ nhận” nào đó về thị trường. Cái đã được khẳng định gần như chắc chắn lại không xảy ra. Sau chuỗi hy vọng tràn trề và thậm chí còn đủ kích thích cho các nhà đầu tư “full” margin, kết quả thật thảm hại: thị trường dần chìm lắng, để cuối cùng tan vỡ như bong bóng với biến cố bầu Kiên phải đối mặt với vòng lao lý.

Từ hậu quả thiếu khoan nhượng trên, kế hoạch phục hồi của hàng trăm công ty chứng khoán cũng bị ảnh hưởng trầm trọng. Nếu vào giữa năm ngoái, một nửa số công ty chứng khoán đã vui vẻ báo lãi và một nửa của số một nửa đó tràn trề lạc quan cho nửa thời gian còn lại của năm, thì đến hết năm, ít nhất một nửa số công ty chứng khoán chìm ngập trong lỗ lã, nửa còn lại cũng chỉ dám bày tỏ dấu hiệu thoi thóp cầm cự.

Cũng bởi những bài học cảnh tỉnh quá cay nghiệt của năm 2012, thái độ thủ thế của giới đầu tư và chuyên gia cho tình hình năm 2013 là hoàn toàn dễ hiểu.

Khác hẳn với nửa đầu năm 2012, thời điểm đầu năm 2013 đã tổng kết cho một chu trình giảm lãi suất huy động đến 5 lần. Không những thế, bỏ qua tư thế bị xem như một lĩnh vực bị đặc biệt nghi ngại về hoạt động cung vốn, Ngân hàng nhà nước lại đang phát ra tín hiệu sẽ tháo van tín dụng thông qua việc không hạn chế tỷ trọng cho vay của các ngân hàng thương mại đối với lĩnh vực không được khuyến khích này. Nếu tinh thần như thế được triển khai vào năm 2013, đó sẽ là một sự ngạc nhiên thật sự, thậm chí có thể trở thành một chất xúc tác khá mạnh mẽ giúp thị trường chứng khoán bứt phá.

Bối cảnh chung của kinh tế vĩ mô cũng đang phát ra những tín hiệu tạm phục hồi, lồng trong bầu không khí trì đọng nhưng chưa đến mức suy thoái của các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới. Trong thực tế, kinh tế Việt Nam đã bị trễ pha so với đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ đúng một năm - tức vào năm 2012. Có thể nói, không tận dụng được đà phục hồi ấy, nền kinh tế của chúng ta, trong đó có thị trường chứng khoán, đã bỏ lỡ một cơ hội thật đáng tiếc.

Vào năm 2013, những dự báo của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng như nhiều tổ chức có uy tín khác còn tỏ ra lạc quan hơn - một thái độ lạc quan khá thận trọng. Dù có thể không phải là nhịp độ tăng trưởng GDP mạnh mẽ như thời kỳ phục hồi 2006-2007, nhưng xu thế vận động kinh tế được coi là khá ổn định, bao gồm cả vấn đề Hy Lạp đã được giải quyết cơ bản. Đó cũng là cơ sở để chỉ số Dow Jones giữ trên vùng 13,000 điểm, S&P vượt trên 1,400 điểm, và Nasdaq không dưới 3,000 điểm.

Hy vọng về hình ảnh lặp lại thế giới cũng đang dần hình thành ở Việt Nam. Sau bốn năm lao dốc cùng suy thoái quá trầm kha, thị trường chứng khoán đang dần thăng bằng hơn về tâm lý giữ và mua.

Với những gì đã thể hiện và được hứa hẹn về tín dụng vào tháng 12/2012, trong đó đương nhiên bao gồm cả chính sách giải cứu bất động sản được phát đi một cách mạnh mẽ, cũng như sự xuất hiện bất ngờ và không kém ẩn ý của… George Soros, chứng khoán Việt Nam lại có hy vọng được hồi sinh vào năm 2013, và tốt hơn thế là vượt trên tâm thế mừng hụt của năm 2012.

Việt Thắng (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   Năm 2013, nhà đầu tư nên rót tiền vào những lĩnh vực nào? (31/12/2012)

>   Những bộ phim nổi tiếng về chứng khoán (Phần 1) (05/01/2013)

>   Doanh nhân năm tuổi trên TTCK: Rồng mắc cạn? (29/12/2012)

>   TTCK: Tháng 12 qua 12 năm (31/12/2012)

>   Bức tranh lệch về huy động vốn năm 2012 (29/12/2012)

>   Dấu ấn TTCK Việt Nam phiên giao dịch cuối năm 2012 (29/12/2012)

>   Điểm mặt 18 cổ phiếu đã hủy niêm yết trong năm 2012 (30/12/2012)

>   TTCK chỉ có thêm 29 cổ phiếu niêm yết mới trong năm 2012 (29/12/2012)

>   QLQ ĐTCK Liên Minh VN bị phạt 245 triệu đồng (28/12/2012)

>   TTCK: Chỉ có 3/24 chỉ số ngành giảm điểm trong năm 2012 (28/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật