Thứ Bảy, 29/12/2012 08:49

Bức tranh lệch về huy động vốn năm 2012

Trong khi huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và cổ phần hóa èo uột, thì huy động vốn qua trái phiếu chính phủ lại khá thành công.

Thống kê năm 2012 cho biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã cấp tổng cộng 58 giấy phép chào bán cổ phiếu ra công chúng cho các DN, là cơ sở pháp lý để các DN này được quyền gọi vốn từ công chúng để tiếp tục phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, năm 2012, với khó khăn vĩ mô chất chồng lên nền kinh tế và các DN, công tác huy động vốn của DN có rất nhiều hạn chế, lượng huy động giảm sút và đối tượng huy động vẫn quẩn quanh là chính… cổ đông.

Huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và cổ phần hóa năm 2012 khá èo uột

Bức tranh lệch về huy động vốn năm 2012

Theo bình chọn của Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán Việt Nam, năm 2012 tiếp tục là năm không thành công trong huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và cổ phần hóa, nhưng lại khá thành công qua kênh phát hành trái phiếu. Tổng giá trị huy động vốn trong năm 2012 ước đạt 152.600 tỷ đồng, tăng 54%, trong đó cổ phiếu và cổ phần hóa là 18.000 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2011. Nguyên nhân chính khiến lượng huy động vốn bằng cổ phiếu và cổ phần hóa năm 2012 suy giảm là do mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường ngân hàng còn cao, trong khi DN gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nhiều DN hoạt động không ổn định, thua lỗ.

Chính vì công tác huy động vốn của DN gặp khó, với kết quả rất khiêm tốn như vậy, nên bức tranh chung về “chức năng” huy động vốn của TTCK Việt Nam đã trở nên khá lệch: thông qua TTCK, Chính phủ huy động được lượng vốn (156.544 tỷ đồng) gấp gần 10 lần lượng vốn mà các DN huy động được. Điểm sáng lớn nhất trong bức tranh không cân xứng này là lãi suất trúng thầu của trái phiếu chính phủ năm 2012 giảm so với năm 2011 và thấp hơn lãi suất huy động trên thị trường tiền tệ khoảng 1% - 2%.

Về khối DN, 58 DN được cấp phép phát hành cổ phiếu ra công chúng năm 2012 là con số đáng ghi nhận về số lượng, nhất là trong bối cảnh thời gian qua có quá nhiều DN đại chúng, trong đó có nhiều DN niêm yết thua lỗ - không đủ điều kiện để được phát hành. Vào tuần cuối cùng của năm 2012, UBCK đã liên tiếp cấp giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu cho nhiều DN như CTCP Địa ốc Sài Gòn được bán 2.200.000 cổ phiếu; CTCP Thiết kế công nghiệp hóa chất chào bán 1.230.566 cổ phiếu; CTCP Dược thú y Cai Lậy được chào bán 1.876.438 cổ phiếu; CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy được bán 2.000.000 cổ phiếu; CTCP Thương mại Phú Nhuận chào bán 1.200.000 cổ phiếu... Điểm chung nhất giữa các DN được phép chào bán ra công chúng là chỉ bán cổ phiếu ở giá bằng mệnh giá và đối tượng chính mà các DN hướng đến việc gọi vốn lại chính là… cổ đông hiện hữu.

Dù đã có nhiều nỗ lực từ cả phía DN và nhà quản lý trong việc giúp DN tìm vốn từ TTCK, nhưng con số 18.000 tỷ đồng vốn huy động từ cổ phiếu và cổ phần hóa của năm 2012 vẫn là quá thấp nếu so với giai đoạn đỉnh cao năm 2008, khi TTCK giúp các DN huy động được trên 117.000 tỷ đồng.

Khơi kênh huy động vốn, cách nào?

Không thể phủ nhận vai trò của TTCK khi đã góp phần rất quan trọng trong công tác huy động vốn ngân sách nhà nước qua phát hành trái phiếu chính phủ và trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh khi năm 2012, mức huy động qua TTCK tăng 75% so với năm 2011. Tuy nhiên, vai trò vô cùng quan trọng khác của TTCK là phải giúp các DN huy động được vốn trung và dài hạn đã “chìm đi” trong năm này. Đây là vấn đề cần phải sớm tìm ra lời giải để TTCK thực sự có ích cho DN và cộng đồng.

Rất nhiều DN cần và mong muốn tìm vốn qua TTCK năm 2012, nhưng đã bị tắc lại bởi một số quy định pháp lý chưa rõ ràng và hiện chưa tìm được sự thống nhất trong cách hiểu, cách làm của các cơ quan quản lý. Điểm tắc lớn nhất là các DN muốn phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá, được không? UBCK từng cho biết, UBCK ủng hộ nhu cầu phát hành của DN và có thể sẽ cấp phép cho một số trường hợp trong thời gian ngắn tới. Nếu việc phát hành dưới mệnh giá được chấp thuận, chắc chắn nhu cầu huy động vốn qua TTCK sẽ được nhiều DN đề cập trong Đại hội đồng cổ đông sắp tới, nhất là với khối DN có thị giá dưới 10.000 đồng và đang rất cần thêm vốn chủ sở hữu để vượt qua khó khăn.

Với kênh huy động trái phiếu, việc tắc nghẽn của DN có nguyên nhân quan trọng từ quy định pháp lý (Nghị định 90/2011/NĐ-CP). Vấn đề này, nhiều thành viên thị trường và các chuyên gia đã từng phản ánh, nhưng gỡ như thế nào vẫn là câu hỏi khó, khi Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 90, nhưng những điểm gây khó cho DN đã không được giải tỏa. Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh vốn được coi là nhu cầu quan trọng nhất và thiết yếu nhất của các DN năm 2013, làm thế nào để khơi kênh huy động vốn cho DN qua TTCK đáng được coi là nhiệm vụ lớn nhất mà ngành chứng khoán cần thực hiện trong năm này.

Trao đổi với Báo ĐTCK, Chủ tịch UBCK Vũ Bằng cho biết, trong tuần cuối cùng của năm 2012, UBCK sẽ họp một lần nữa để bàn giải pháp gỡ tắc cho các DN trong công tác phát hành. Hy vọng năm 2013, bức tranh tổng thể về vai trò của kênh huy động vốn qua TTCK sẽ cân bằng hơn và đối tượng góp vốn cho DN sẽ đa dạng hơn.

Tường Vi

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Dấu ấn TTCK Việt Nam phiên giao dịch cuối năm 2012 (29/12/2012)

>   Điểm mặt 18 cổ phiếu đã hủy niêm yết trong năm 2012 (30/12/2012)

>   TTCK chỉ có thêm 29 cổ phiếu niêm yết mới trong năm 2012 (29/12/2012)

>   QLQ ĐTCK Liên Minh VN bị phạt 245 triệu đồng (28/12/2012)

>   TTCK: Chỉ có 3/24 chỉ số ngành giảm điểm trong năm 2012 (28/12/2012)

>   10 cổ phiếu Việt giảm mạnh nhất lịch sử (30/12/2012)

>   Những cổ phiếu Việt tăng mạnh nhất trong lịch sử (28/12/2012)

>   Năm 2012: VN-Index tăng 18%, HNX-Index giảm 0.7% (28/12/2012)

>   Những phiên rúng động TTCK năm 2012 (28/12/2012)

>   Nhìn lại phiên thanh khoản kỷ lục của TTCK 12 năm (29/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật