Sóng tăng thứ hai?
Giai đoạn điều chỉnh có thể đã kết thúc, hoặc gần như kết thúc. Thị trường có thể còn giảm thêm một đến hai phiên nữa, hoặc tích cực hơn là lên điểm ngay. Khi đó, một sóng tăng mới lại hình thành.
Thị trường sẽ hình thành một sóng tăng mới
|
Không thể đi ngang
Với một xác suất khá cao, chứng khoán Việt Nam vào năm 2013 sẽ không thể đi ngang, mà chỉ có sóng lên hoặc sóng xuống.
Đã qua rồi cái thời thị trường mất phương hướng như năm 2011 và 2012. Có thể hiểu phương hướng ở đây như một sự “định hướng” nhằm giải quyết những vấn đề của tự thân chứng khoán và liên quan đến một vấn nạn nào đó. Nếu là bài toán của bản thân TTCK thì có thể đã được các nhóm đầu cơ và ngân hàng giải quyết cơ bản từ giữa năm 2011, kéo theo tỷ trọng “ôm” cổ phiếu ở mức thấp nhất so với thời kỳ 2007-2009. Còn nếu xét đến những khía cạnh ngoại biên của chứng khoán, e rằng khía cạnh đó khó có thể nằm ngoài vấn nạn thị trường bất động sản.
Hai tuần sau khi Nghị quyết số 02 về “giải cứu” thị trường bất động sản được Chính phủ ban hành, có lẽ sốt ruột trước thái độ chậm trễ của các cơ quan quản lý nhà nước chủ chốt như Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước và Bộ Xây dựng, Ngân hàng BIDV đã chính thức công bố chi tiết gói hỗ trợ 30,000 tỷ đồng cho các đối tượng vay mua nhà. Ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch của BIDV – còn kêu gọi lãi suất cho vay mua nhà cần được kéo về mức chỉ còn 6%, tức thấp hơn cả mức 7% mà cách đây gần một năm, ngân hàng Eximbank đã tung ra như một hành động khuyến mãi đặc biệt.
Chứng khoán cũng vì thế mà phải gắn bó với “người anh em” của nó là bất động sản, cho dù vị thế của hai thị trường này có vẻ như độc lập, thậm chí bất cần nhau. Đó cũng có thể là nguyên do vì sao trong khi say sưa với gói hỗ trợ tín dụng bất động sản, cổ phiếu của ngân hàng BIDV lại lần lữa chào sàn.
Nhưng khác rất nhiều với tình cảnh bất động đến khó hiểu của thị trường bất động sản, thị trường cổ phiếu lại luôn phát ra tín hiệu cơ hội, bên cạnh những rủi ro thường trực. Bốn phiên giảm điểm, trong đó có một phiên lao dốc của thị trường này trong những ngày qua là một dẫn chứng điển hình.
Đánh xuống - động cơ nào?
Tính tới thời điểm giữa tháng Giêng năm nay, biểu đồ của hai sàn giao dịch chứng khoán đã trải qua khoảng một tháng rưỡi kể từ ngày “thăng hoa”, còn hai chỉ số VNI và HNX cũng đã vượt trên đáy của chúng được khoảng 23-25%. Với mức tăng đáng kể như thế, những người theo trường phái lạc quan có thể xem bốn phiên giảm điểm vừa qua như sự điều chỉnh đầu tiên trong sóng tăng đầu tiên.
Cũng tương tự như sóng tăng trong bốn tháng đầu năm 2012, đợt giảm điều chỉnh lần này của thị trường nổi lên một đặc trưng rất rõ: hành động đánh xuống. Hành động này, với những nhà đầu tư ít kinh nghiệm và dễ hoang mang, thường sẽ lôi kéo mọi người vào tâm lý bầy đàn và bán tống bán tháo cổ phiếu của họ. Nhưng ở một cách nhìn khác, chính do động thái đánh xuống lộ liễu và quyết liệt lại khiến cho một lần nữa thị trường bộc lộ động cơ.
Động cơ nào vậy? Như đã đề cập, tất nhiên không còn là thời kỳ kéo ngang điểm số. Thay vào đó, hoặc “bàn tay vô hình” thực hiện đánh xuống rất mạnh, thậm chí cho phá đáy cả hai chỉ số VNI và HNX để phục vụ cho một ý đồ thâm sâu và mạo hiểm nào đó; hoặc ngược lại.
Trong trường hợp mà chúng ta đang chứng kiến, vẫn còn nhiều hy vọng cho con sóng tăng chưa kết thúc. Nếu quả thực hành động của nhóm chi phối thị trường không nhằm mục tiêu đánh xuống mạnh hơn nữa, giai đoạn điều chỉnh đã kết thúc, hoặc gần như kết thúc. Thị trường có thể còn giảm thêm một đến hai phiên nữa, hoặc tích cực hơn là lên điểm ngay. Khi đó, một sóng tăng mới lại hình thành.
Sóng tăng thứ hai?
Ở phía trên, mốc 500 điểm và 70 điểm đang chờ đợi hai chỉ số VNI và HNX. Và nếu quy luật sóng tăng của các năm 2007, 2009 và đầu năm 2012 được lặp lại, sóng tăng thứ hai của thị trường trong thời gian tới sẽ mạnh hơn sóng tăng đầu, với diễn biến nhanh hơn về thời gian. Thậm chí, với biên độ hai sàn đã được thay đổi nâng cao, sẽ có những phiên tăng điểm được coi là “chóng mặt”.
Điều đáng nói là dường như hoạt động tăng và giảm của thị trường vào thời gian này không mấy liên quan đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn. Trong sóng tăng vừa qua, người ta đã chứng kiến hàng loạt cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết có kết quả kinh doanh tệ hại vẫn leo trần hàng chục phiên liên tục. Thậm chí, nếu sóng tăng thứ hai diễn ra, thị trường có thể diễn biến lạc quan đến mức bất chấp kết quả kinh doanh ra sao.
Còn ngay tại thời điểm này, những nhà đầu tư có quan điểm thận trọng vẫn có thể bảo lưu cách nhìn của họ, bởi nếu thị trường tiếp tục lao dốc thì đó sẽ là đại họa và sẽ làm cho họ mất hết những gì đã tích lũy được trong một tháng rưỡi qua.
Nhưng với những nhà đầu tư chấp nhận rủi ro, không còn cơ hội nào tốt hơn là lao vào bắt đáy. Sự đánh đố sẽ luôn là một ám ảnh, nhưng tỷ lệ lợi nhuận 25-40% từ đây đến gần cuối tháng 2/2013 chẳng lẽ lại không hấp dẫn được họ?
Xét trên bình diện tổng quan, hiện thời không còn bất kỳ thứ gì khác ngoài chứng khoán là có thể tạo nên tính hoạt náo. Vào lần này, cũng như nhiều lần trong dĩ vãng, việc tạo sóng cho thị trường này là dễ dàng hơn hẳn so với những thị trường khác.
Việt Thắng (Vietstock)
FFN
|