Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh: Cần giám sát tốt hơn hệ thống ngân hàng
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng hệ thống tài chính, tiền tệ toàn cầu và trong nước đã có nhiều biến động “ngoài dự báo” của Chính phủ và ông muốn Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia tăng cường vai trò giám sát đối với hệ thống tài chính ngân hàng trong nước.
Nhiều ngân hàng đã bị cho là đã thổi tài sản thế chấp lên nhiều lần
|
Phát biểu tại hội nghị tổng kết 5 năm hoạt động của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia ngày 23-1 tại Hà Nội, ông Ninh cho rằng kinh tế Việt Nam đã không rơi vào khủng hoảng sau khi trải qua một năm được coi là khó khăn nhất trong vòng nhiều năm qua.
“Chúng ta đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất mà không rơi vào khủng hoảng nhờ chúng ta xác định được mục tiêu và giải pháp khắc phục”, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nói.
Ông Ninh muốn ủy ban tăng cường vai trò giám sát đối với hệ thống tài chính ngân hàng.
Ông giải thích, mô hình Ngân hàng Nhà nước của Việt Nam “không giống ai” do thống đốc là thành viên Chính phủ, còn Ngân hàng Nhà nước vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước, vừa làm chức năng của ngân hàng trung ương.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ lập ra ủy ban do muốn nghe được những tiếng nói khách quan về ngành tài chính, ngân hàng để đưa ra cơ chế chính sách tốt hơn.
Tuy nhiên, ông phàn nàn rằng, nợ xấu, vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay, vẫn đang rất mù mờ.
“Khi xử lý nợ xấu, trước hết phải nắm rõ nợ xấu là thế nào, nguyên nhân ra sao, nợ xấu từ nhóm 3 đến nhóm 5 từng nhóm là bao nhiêu, có những loại đang tốt sẽ sang xấu, đang xấu sang tốt, mà không cụ thể hóa, chi tiết được thì làm sao đưa ra giải pháp”, ông nói.
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nói, dù Ngân hàng Nhà nước chưa báo cáo thông tin, nhưng qua kênh khác ông nắm được tình hình là các tổ chức tín dụng cho vay khi đã “thổi” tài sản thế chấp lên rất nhiều lần, có chỗ thổi lên mấy chục lần.
Ông muốn ủy ban tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu.
Theo ông Dương Quốc Anh, Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, đã xuất hiện tình trạng thao túng ngân hàng bởi các cá nhân, doanh nghiệp, và thậm chí là ngân hàng khác. Kết quả là chính sách cho vay của ngân hàng đó bị chi phối để phục vụ lợi ích cá nhân, tổ chức đó nhằm phục vụ cho các công ty bất động sản, chứng khoán “sân sau” mà bỏ qua tiêu chí an toàn.
Cơ chế này làm tình trạng tài chính của các ngân hàng méo mó, nợ quá hạn, nợ xấu khó xác định.
Ông nói: “Vừa qua Ngân hàng Nhà nước làm rất nhiều, nhưng cần cơ quan giám sát tổng thể việc đầu tư chéo, sở hữu chéo đang dẫn đến thao túng”, với hàm ý cần tăng cường vai trò của ủy ban.
Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn phàn nàn rằng ủy ban không có hành lang pháp lý để thực hiện chức năng của một cơ quan giám sát, dù đã được thành lập 5 năm.
“Lợi thế của chúng tôi không được phát huy, và không có đủ điều kiện vật chất để phát huy tối đa chức năng được giao là giúp Thủ tướng giám sát chung thị trường tài chính”, ông nói.
Tư Hoàng
tbktsg
|