Chuyên gia: Tỷ giá ổn định trong ngắn hạn
Tỷ giá đồng Việt Nam so với đô la Mỹ được dự kiến là sẽ giữ ổn định trong thời gian ngắn sau khi đã ổn định trong suốt năm qua, các nhà kinh tế cảnh báo.
Tiến sĩ Lê Đình Ân, nguyên giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói: “Giới đầu tư kỳ vọng tỷ giá sẽ duy trì ổn định trong 3 tháng tới. Tôi cho rằng điều này có cơ sở”.
Việt Nam xuất siêu 284 triệu đô la Mỹ, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân 10,5 tỉ đô la Mỹ; kiều hối năm 2012 dự báo có thể đạt 10 tỉ đô la Mỹ, cao hơn 9 tỉ đô la Mỹ so với năm 2011.
Dự trữ ngoại hối cải thiện. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt 23 tỉ đô la Mỹ, tương đương với 11 tuần nhập khẩu tăng từ 9 tuần nhập khẩu vào tháng 6.
Những yếu tố này làm tỷ giá đồng Việt Nam/đô la Mỹ ổn định ở mức 20.803 đến 21.023 từ đầu năm đến nay, dao động trong biên độ cho phép ±1%.
Trong khi đó, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, đồng Việt Nam sẽ không bị phá giá quá 2-3% trong năm 2013 và Ngân hàng Nhà nước “hoàn toàn có thể làm được".
Ông Thành tính toán, trong năm 2013 Việt Nam sẽ có thặng dư cán cân thanh toán vài tỉ đô la Mỹ, dự trữ ngoại tệ sẽ tăng lên nữa, và mức lạm phát chỉ khoảng 6-8%.
Ông nhận xét, vốn đầu tư gián tiếp vào thị trường chứng khoán thặng dư 300 triệu đô la Mỹ là một dấu hiệu tốt cho tỷ giá. Ông Thành cho rằng, dự trữ sẽ tiếp tục tiến đến ngưỡng gần 30 tỉ đô la Mỹ trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ông Ân nói về trung hạn, ông vẫn thấy có sức ép lớn đối với tỷ giá đồng Việt Nam/đô la Mỹ.
Ông phân tích, cán cân thanh toán trong năm 2013 không mấy lạc quan khi cán cân thương mại quay lại thâm hụt, do khả năng các công ty nội địa sẽ nhập khẩu nhiều hàng hóa và nguyên liệu hơn khi nền kinh tế và sức mua nội địa hồi phục trở lại. Trong khi đó, tăng trưởng xuất khẩu không vững chắc; lượng kiều hối có thể sẽ sụt giảm khi những bất ổn về kinh tế toàn cầu chưa được cải thiện; dòng vốn FDI giảm nếu Việt Nam chưa hoàn tất việc tái cấu trúc nền kinh tế và môi trường đầu tư, kinh doanh chưa được cải thiện.
Vốn FDI giải ngân trong năm tới được WB dự báo vào khoảng 7,3 tỉ đô la Mỹ, bằng với mức của năm 2012.
Ông nói thêm là đồng Việt Nam đang có khuynh hướng được định giá cao và việc kiểm soát tỷ giá chặt sẽ không khuyến khích được xuất khẩu.
Trong năm 2012, Việt Nam đã công bố mua vào 10 tỉ đô la Mỹ nhằm tăng dự trữ ngoại hối. Mặc dù vậy, mức dự trữ này vẫn rất thấp so với các quốc gia khác trong khu vực.
Tư Hoàng
TBKTSG
|