Ngân hàng đau đầu với dư nợ vàng
Trong khi người dân không có nơi gửi vàng thì các ngân hàng (NH) lại đau đầu bởi số vốn vàng đã cho vay ra trước đây chưa đến hạn thu nợ và ngày 30-6 phải chấm dứt huy động vàng.
Ngân hàng đang tìm hướng giải quyết số vàng đã cho vay nhưng chưa đến kỳ thu nợ
|
Băn khoăn này được các NH nêu ra ở hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành NH năm 2013 tại TP.HCM sáng 22-1.
Hàng tấn vàng cho vay chưa thu hồi
Ông Đỗ Minh Toàn, tổng giám đốc ACB, nói hiện NH phải giảm dần số dư huy động vàng và kết thúc vào tháng 6-2013, nhưng dư nợ vàng đã cho vay trước kia chưa thể giải quyết ngay được vì các hợp đồng cho vay vàng đã ký trước đây có thời hạn 5-10 năm. Theo tính toán của ACB, phải mất bình quân ba năm rưỡi đến bốn năm nữa dư nợ này mới chấm dứt.
Lúng túng khi kinh doanh vàng miếng
Tại hội nghị, các NH cũng phản ảnh tình trạng lúng túng khi triển khai mua bán vàng miếng. Ông Đỗ Minh Toàn cho rằng NH Nhà nước nên làm đầu mối kết hợp hoặc hỗ trợ phần mềm quản lý đối chiếu số xêri để các NH thuận lợi trong việc mua bán. Hiện nay hầu hết thẩm định vàng bằng mắt thường nên rất rủi ro.
|
“Như vậy tới đây các NH sẽ buộc những người này phải chuyển đổi dư nợ từ vàng thành VND, còn nếu không NH buộc phải lấy VND ra mua vàng cho vay” - ông Toàn nói.
Ông Toàn cũng đề nghị NH Nhà nước sớm có hướng dẫn để các NH thực hiện vì dư nợ vàng của ACB hiện nay còn hơn 100.000 lượng.
Thắc mắc của ông Toàn cũng là tâm tư của nhiều NH trước đây có huy động và cho vay vàng. Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội nghị, ông Trần Phương Bình, tổng giám đốc NH Đông Á, cho biết dư nợ cho vay vàng của NH còn khá nhiều, tới đây nếu NH Nhà nước không hướng dẫn thì NH sẽ phải tính đến phương án đàm phán với khách hàng để chuyển số dư nợ này sang VND. Tuy nhiên, sẽ không dễ vì hợp đồng còn vài năm nữa mới đáo hạn, trong khi nếu chuyển sang VND họ sẽ thiệt đơn thiệt kép vì lãi suất vay VND sẽ cao hơn, chưa kể giá vàng thời điểm này cao hơn rất nhiều so với lúc họ vay vàng của NH.
“NH sẽ có phương án giảm bớt thiệt hại cho khách hàng bằng cách giảm lãi suất cho vay, bán vàng theo giá ưu đãi cho trường hợp khách hàng đồng ý quy đổi dư nợ từ vàng sang VND” - ông Bình nói.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng - tổng giám đốc OCB, sẽ khó cho những NH có dư nợ bằng vàng lớn nếu khách hàng không đồng ý chuyển dư nợ từ vàng sang VND. Sau khi chấm dứt hoàn toàn huy động vàng, các NH buộc phải lấy vốn VND mua lại số vàng tương ứng với dư nợ vàng. Lãi suất huy động VND thấp nhất là 8%/năm trong khi lãi suất cho vay vàng chỉ khoảng 3%, phần chênh lệch này NH chịu lỗ. Chưa kể rủi ro do biến động giá vàng là rất lớn.
Ở góc độ khác, ông Trương Văn Phước, tổng giám đốc NH Eximbank, cho rằng giải quyết dư nợ vàng còn tồn sau ngày 30-6 tùy thuộc vào việc NH Nhà nước quyết định ra sao, nhưng NH Nhà nước cần có phương án giải quyết vì các NH đã ký hợp đồng cho vay vàng 10-15 năm, giờ không thể bắt người dân mang vàng đến trả ngay. Cũng theo ông Phước, hiện dư nợ cho vay vàng tại Eximbank còn khoảng 1 tấn vàng, tương đương 26.000 lượng.
Trong khi đó ông Nguyễn Quang Huy, vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối NH Nhà nước, cho biết NH Nhà nước đang nghiên cứu giải pháp để đảm bảo chi trả vàng cho những khoản gửi vàng đến hạn. Đối với những người vay vàng, NH Nhà nước cũng không ép tổ chức tín dụng phải thu hồi số vàng đã cho vay, mà tôn trọng nguyên tắc không hồi tố với những văn bản quy phạm pháp luật đã ký trước đây.
“Cầm vốn lâu là chết”
Khác với những năm trước, hội nghị tổng kết ngành NH tại TP.HCM không có chuyện báo cáo thành tích, thay vào đó các NH nêu lên hàng loạt khó khăn. Ông Trương Văn Phước cho biết Eximbank đã phải cho vay 4.000 tỉ đồng với lãi suất 7%/năm với lý do tín dụng không tăng trưởng được, phải gửi liên NH với lãi suất chỉ có 3%/năm.
“Lãi suất đang thấp xuống nhưng doanh nghiệp không vay hoặc vay với chu kỳ cực ngắn. Tôi gọi đó là tín dụng một chạm vì trong nền kinh tế này người nào cầm vốn lâu là người đó chết” - ông Phước nói. Ông cũng cho biết trong năm vừa qua tăng trưởng tín dụng tại Eximbank đạt chưa đến 3% nhưng doanh số cho vay lại gấp đôi những năm trước. Điều này chứng tỏ dòng vốn quay rất nhanh.
Ngoài kinh doanh khó khăn, nợ xấu cũng là vấn đề nan giải với các NH. Kết quả thanh tra của NH Nhà nước TP.HCM cho thấy nợ xấu của các NH trên địa bàn ngày càng có xu hướng tăng nhanh. Nhiều NH có mức độ an toàn hoạt động thấp, tín dụng đầu tư kém hiệu quả. Hết năm 2012 trên địa bàn TP.HCM có 52 đơn vị kinh doanh lỗ do nợ xấu, kinh doanh vàng, đầu tư trái phiếu DN...
Nhìn vào kết quả lợi nhuận giảm 50% của các NH năm 2012, Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Văn Bình nói: “Buồn thì có buồn nhưng vẫn ánh lên niềm vui vì trở về đúng với thực chất”. Ông Bình cho rằng mọi năm lãi cao, còn năm nay NH Nhà nước siết lại, bắt trích lập đủ dự phòng rủi ro thì lợi nhuận giảm đi rõ rệt. “Qua đó các NH sẽ rút ra được nhiều bài học, không thể sống như trước đây mãi” - ông Bình nói.
Ánh Hồng
Tuổi Trẻ
|