Thứ Tư, 30/01/2013 13:37

Những "điểm nóng" trong năm 2012

Thị trường tài chính - tiền tệ toàn cầu năm 2012 tiếp tục diễn biến với nhiều kịch tính đến phút cuối. FinancePlus.vn trân trọng giới thiệu với độc giả và cộng đồng đầu tư một số điểm nhấn đáng nhớ nhất trong năm qua.

Từ khóa tài chính “hot” nhất

Tìm kiếm từ khóa “Fiscal Cliff” – “vách đá tài khóa” với Google, bạn sẽ có được hơn 1,6 tỷ kết quả. Với kết quả này “vách đá tài khóa” chắc chắn là một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên thế giới trong năm 2012.

Trên thực tế, tại Mỹ, ngay sau cuộc bầu cử tổng thống gay cấn hồi tháng 11/2012, nền kinh tế số 1 thế giới đã phải đối mặt với nguy cơ rơi vào “vách đá tài khóa” (tăng thuế, giảm chi tiêu tự động 600 tỷ USD vào đầu 2013) và suy thoái trở lại nếu giới làm luật không đạt được thỏa thuận ngân sách. Rất may, vào cuối ngày 01/01/2013, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật về “vách đá tài khóa” nhằm tránh áp dụng các biện pháp nâng thuế và cắt giảm chi tiêu có nguy cơ đẩy nền kinh tế vào suy thoái trong năm 2013.

Trái phiếu Chính phủ tốt nhất

Tháng 7/2012, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi tuyên bố, ECB sẽ “làm bất kỳ điều gì để cứu đồng Euro”. Một tháng sau, ECB tung ra chương trình can thiệp vào thị trường trái phiếu với quyết định mua lại trái phiếu Chính phủ số lượng vô hạn từ các quốc gia thành viên khu vực đồng Euro.

Có thể gọi những gì đã diễn ra trên thị trường tài chính thế giới sau phát biểu của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi là “hiệu ứng Draghi” và nhờ có hiệu ứng này, lợi suất trái phiếu Chính phủ các quốc gia châu Âu đã giảm nhanh chóng. Lợi suất càng giảm thì giá trái phiếu càng tăng. Giá trái phiếu nhiều nước Eurozone đang bị khủng hoảng nợ tấn công đã tăng mạnh trở lại, trong đó mức tăng mạnh nhất thuộc về trái phiếu Chính phủ Bồ Đào Nha (mức sinh lời trong năm: 51,6 %).

Vụ IPO “nóng” nhất

Vụ bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Facebook trong năm 2012 được chú ý nhất kể từ sau sự kiện tương tự của Google vào năm 2004. Có quy mô 16 tỷ USD, IPO của Facebook là vụ IPO lớn nhất của năm 2012, đồng thời là vụ IPO lớn thứ 3 trong lịch sử doanh nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, đây lại là một thất bại đau đớn của mạng xã hội hàng đầu thế giới.

Những trục trặc kỹ thuật, định giá quá cao và thông tin doanh thu không được minh bạch đã dẫn đến giá cổ phiếu của Facebook giảm một nửa chỉ sau ba tháng. Giá cổ phiếu này khi IPO là 38 USD/cổ phiếu, sau khi tăng nhẹ trong vài ngày đầu lại bắt đầu lao dốc và lập đáy kỷ lục 17,73 USD vào ngày 4/9/2012. Rất may tình hình doanh thu cải thiện trong những tháng vừa qua cùng một chiến lược quảng cáo trên di động đã đưa cổ phiếu Facebook “hồi sinh” trong thời gian cuối năm.

Đồng tiền “sinh lời” nhất

Ngày 7/1/2012, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch đã hạ mức tín nhiệm trái phiếu Chính phủ Hungary xuống mức “vô giá trị”. Để kiềm chế khủng hoảng, Thủ tướng Viktor Orban đã cho quốc hữu hoá các quỹ hưu trí của người dân và bắt buộc các ngân hàng quốc doanh phải xóa các khoản nợ.

Ông Viktor Orban cũng đưa ra nhiều giải pháp nới lỏng tiền tệ và chống thâm hụt ngân sách để cứu với nền kinh tế, nhờ đó đồng Forint đã có lực đỡ mạnh. Ngoài ra, đồng Forint còn tăng giá là nhờ trong năm 2012 các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tung ra các kế hoạch bơm tiền mới và giới đầu tư đổ vốn vào những tài sản có độ rủi ro cao hơn để tìm kiếm lợi nhuận. Trong đó, trái phiếu Hungary là một tài sản rủi ro được ưa chuộng và để mua trái phiếu giới đầu tư phải sử dụng đồng Forint. Mức sinh lời từ đầu năm của Forint là 11,1%.

Lĩnh vực nhiều “scandal” nhất

Năm 2012 là một năm đầy tiếng xấu của các ông lớn ngân hàng thế giới. Tháng 6/2012, Barclays - một trong bốn ngân hàng lớn nhất nước Anh đã bị phát hiện thao túng tỷ giá lãi suất liên ngân hàng Libor và Euribor. Vụ gian lận tài chính này có ảnh hưởng rất lớn bởi chỉ số Libor được nhiều ngân hàng trên thế giới dùng làm chuẩn mực để tham chiếu trong các hợp đồng vay mượn, với tổng trị giá ước tính là có thể lên đến 360.000 tỷ USD.

Tháng 7/2012, HSBC bị phát hiện đã mở đường cho các nhóm tội phạm tuồn hàng tỷ USD từ nhiều nước vào Mỹ thông qua chi nhánh HSBC từ năm 2002 đến năm 2009. HSBC sẽ phải nộp phạt ít nhất 1,9 tỷ USD cho nhà chức trách Mỹ. Đây là mức phạt lớn chưa từng có trong lịch sử ngành ngân hàng thế giới.

Tháng 8/2012, ngân hàng Standard Chartered chi nhánh New York lại bị nhà chức trách Mỹ phát hiện che giấu các giao dịch trị giá 250 tỷ USD với Iran. Bên cạnh đó, trong năm 2012, Morgan Stanley cũng bị đổ lỗi đã làm hỏng vụ IPO của Facebook; và thậm chí Wegelin, ngân hàng lâu đời nhất Thụy Sỹ mới đây đã phải tuyên bố sẽ đóng cửa vĩnh viễn sau khi phải chịu khoản tiền phạt 57,8 triệu USD cho Chính phủ Mỹ vì trốn thuế.

Thị trường chứng khoán tăng “chóng mặt” nhất

Số liệu của Bloomberg cho thấy, các thị trường châu Á và châu Phi chiếm đa số trong danh sách 10 thị trường chứng khoán có mức tăng ngoạn mục nhất thế giới trong năm qua. Tuy nhiên, ngôi vị cao nhất lại thuộc về một thị trường chứng khoán của khu vực Nam Mỹ là Venezuela với mức tăng 302,8% trong năm 2012.

thị trường chứng khoán Venezuela đã tăng điểm như vũ bão trong năm khi nước này tổ chức bầu cử tổng thống và khi các nhà đầu tư kỳ vọng ông Chavez sẽ từ chức vì bệnh ung thư. Tỷ lệ lạm phát đứng ở mức 19,9% của Venezuela cũng đã góp phần đẩy thị trường chứng khoán nước này lên cao. Ngoài ra, việc Chính phủ tăng trường các khoản chi tiêu công trước cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 10 đã thúc đẩy tiêu dùng, đem đến lợi ích cho thị trường chứng khoán.

Khu vực kinh tế gặp khó khăn nhất

Trong quý III/2012 GDP của Eurozone giảm 0,1%, sau khi đã giảm 0,2% trong quý trước. Như vậy, Eurozone đã chính thức rơi vào suy thoái kỹ thuật do có hai quý sụt giảm liên tiếp.

Kết quả điều tra khảo sát Chỉ số quản lý sức mua (PMI) của Markit đưa ra ngày 22/11/2012 cũng cho thấy chỉ số PMI trong lĩnh vực dịch vụ của khu vực Eurozone đã ở dưới ngưỡng tăng trưởng (50 điểm) suốt 10 tháng qua và kết quả này là gợi ý cho rằng kinh tế khu vực có thể đã giảm 0,5% trong quý IV/2012, mức giảm tồi tệ nhất kể từ quý I/2009.

Kinh tế của khu vực Eurozone năm 2012 ngày càng trở nên tồi tệ trong bối cảnh Chính phủ các nước phải thực hiện các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, các chủ nợ liên tục bất đồng về phương thức cứu trợ Hy Lạp và Chính phủ Tây Ban Nha chính thức phải xin cứu trợ. Các chuyên gia cho rằng, với những khó khăn trên, châu Âu vẫn sẽ là một trong những yếu tố chủ chốt kéo chậm đà tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm tới.

Đồng tiền “đỏng đảnh” nhất

Đầu năm 2012, Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) đã phải chật vật kiểm soát sự tăng giá của đồng Yên so với đồng USD do các nhà đầu tư xem đồng tiền của Nhật là một kênh đầu tư “tránh bão”. Tuy nhiên, những ngày cuối năm 2012, đồng Yên lại giảm liên tiếp, xuống thấp nhất 28 tháng so với USD và thấp nhất 16 tháng so với Euro.

Lý do đầu tiên khiến đồng Yên lao dốc là ông Shinzo Abe đã tái đắc của thủ tướng Nhật Bản và cam kết buộc BOJ theo đuổi chính sách tiền tệ siêu lỏng. Ngoài ra, tình hình thương mại của Nhật Bản cũng đang có chiều hướng xấu đi. Trong khi đó, kinh tế Mỹ có dấu hiệu phục hồi đáng kể, hứa hẹn sẽ kéo USD mạnh lên so với Yên. Hơn nữa, triển vọng giải quyết khủng hoảng nợ khu vực Eurozone khả quan hơn trước khiến các nhà đầu tư không còn coi đồng Yên là tài sản an toàn nữa.

Các chuyên gia phân tích thuộc Morgan Stanley, RBS và Deutsche Bank dự báo đồng Yên có thể giảm giá về mức 90 Yên đổi 1 USD trong năm 2013, mức thấp nhất kể từ tháng 6 năm 2010.

Hồng Vân

Tài Chính

Các tin tức khác

>   Anh có nguy cơ mất xếp hạng tín nhiệm cao nhất (30/01/2013)

>   Canada mất hơn 23 tỷ USD vì tỷ lệ thanh niên mất việc cao (30/01/2013)

>   Một Thống đốc NHTW tài ba của thế giới sắp từ nhiệm (30/01/2013)

>   Nhật thông qua dự thảo ngân sách 92.610 tỷ yen (29/01/2013)

>   Kinh tế thế giới năm 2012, triển vọng năm 2013 và những gợi ý chính sách tiền tệ cho Việt Nam (29/01/2013)

>   Goldman Sachs muốn thoái vốn khỏi ngân hàng Trung Quốc (29/01/2013)

>   Ấn Độ hạ lãi suất lần đầu tiên trong 9 tháng (29/01/2013)

>   6 ngân hàng Canada bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm (29/01/2013)

>   Kinh tế Mỹ tích cực “đáng ngạc nhiên” (29/01/2013)

>   6 ngân hàng lớn Mỹ “thử lửa” khủng hoảng và suy thoái (29/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật