6 ngân hàng lớn Mỹ “thử lửa” khủng hoảng và suy thoái
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa công bố một số kịch bản cực kỳ khó khăn và khắc nghiệt về các thị trường tài chính toàn cầu nhằm đo lường sức mạnh của 6 ngân hàng lớn nhất nước này.
Đây là đợt thanh tra ngân hàng (stress test) được tổ chức định kỳ hàng năm và sẽ kết thúc vào tháng 3 tới. Theo đó, Fed sẽ kiểm tra toàn diện 6 ngân hàng - Bank of America, Citigroup, Goldman Sachs, JPMorgan Chase, Morgan Stanley và Wells Fargo – trong kịch bản nền kinh tế và các thị trường tài chính rơi vào tình trạng suy giảm nghiêm trọng.
Cụ thể, kịch bản được Fed công bố trong ngày thứ Hai bao gồm số liệu về hàng chục thị trường cổ phiếu toàn cầu và mức sụt giảm của các thị trường này trong kịch bản khắc nghiệt. Chẳng hạn như các ngân hàng phải thử nghiệm kịch bản TTCK Trung Quốc sụt giảm 33%, TTCK Tây Ban Nha lao dốc 60% và TTCK Ireland bốc hơi 75%.
Trong khi đó, kịch bản kinh tế được Fed công bố trong tháng 11 năm ngoái bao gồm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sụt giảm 6.1% và tỷ lệ thất nghiệp leo thang lên tới 12%.
Fed cho biết trong thông báo: “Kết quả của đợt thanh tra sẽ bao gồm các số liệu như hệ số vốn, ước tính doanh thu và thua lỗ trong kịch bản nghiêm trọng nhất”.
Theo dự kiến, kết quả thanh tra sẽ được Fed công bố vào lúc 16h30 (giờ địa phương) ngày 07/03 tại Washington còn chi tiết về khả năng chi trả cổ tức hoặc phải củng cố nguồn vốn của các ngân hàng sẽ được công bố vào lúc 16h30 (giờ địa phương) ngày 14/03.
Mục đích của đợt thanh tra là nhằm tăng cường sức mạnh của các ngân hàng, đảm bảo các ngân hàng này có đủ nguồn vốn để vượt qua được khủng hoảng tài chính hoặc suy thoái. Trong vòng một năm qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng tới 23% và là lĩnh vực tăng giá mạnh nhất trong 10 ngành thuộc S&P 500, qua đó đóng góp vào mức tăng 14% của chỉ số này.
Fed bắt đầu tiến hành “stress test” vào năm 2009 nhằm khôi phục niềm tin về các hệ thống tài chính toàn cầu sau cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ thời Đại khủng hoảng khiến Bear Stearns và Lehman Brothers sụp đổ. Bên cạnh đó, các nhà điều hành cũng đã yêu cầu các ngân hàng lên kế hoạch củng cố nguồn vốn nhằm cải thiện năng lực quản lý rủi ro và cổ tức cũng như quyết định mua cổ phiếu quỹ của ban lãnh đạo.
Phước Phạm (Vietstock)
FFN
|