Nhận diện những thủ đoạn móc nối “trong - ngoài” chiếm đoạt tài sản
Kinh tế khó khăn, tài chính thắt chặt, một số đối tượng đã lợi dụng nhu cầu tiền mặt của tổ chức, cá nhân để lập chứng từ giả, đối tác ảo, rút tiền trái phép, gây thất thoát tài sản...
Năm 2012, tội phạm trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, ngân hàng xảy ra với nhiều phương thức, thủ đoạn, tính chất, mức độ tinh vi, gây hậu quả nghiêm trọng. Lực lượng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV Công an các đơn vị, địa phương phát hiện, bóc gỡ nhiều vụ điển hình, tuy nhiên chừng đó vẫn chưa phản ánh đúng tính chất, thực trạng của loại tội phạm này.
Trong năm, lực lượng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV phát hiện, điều tra hơn 50 vụ, tổng thiệt hại do các đối tượng gây ra ước tính khoảng 10 nghìn tỉ đồng. Trong đó, có những vụ án lớn, tính chất nghiêm trọng. Chỉ riêng việc điều tra, mở rộng vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, CQĐT đã chứng minh thiệt hại lên tới 4.600 tỉ đồng. Đáng chú ý, trong nhiều vụ án liên quan tài chính, ngân hàng, CQĐT chứng minh có sự tiếp tay, móc nối chặt chẽ giữa cán bộ ngân hàng với đối tượng bên ngoài, với các thủ đoạn lập hồ sơ, chứng từ giả, hợp lý hóa các giấy tờ.
CQĐT Công an Phú Yên điều tra vụ án liên quan cán bộ ngân hàng trên địa bàn.
|
Qua việc điều tra các vụ án lĩnh vực tài chính, ngân hàng năm qua, cho thấy một số thủ đoạn nổi cộm như: Làm giả các giấy tờ có giá trị như cổ phiếu, trái phiếu, sổ đỏ nhằm bảo lãnh ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. CQĐT chứng minh,
Ngô Quang Đạo
, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Dầu khí, chất đốt miền Bắc có hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, chiếm đoạt tài sản.
Theo tài liệu điều tra, bị can Đạo đứng ra thành lập Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Vũ Anh, thuê người làm giám đốc. Ngoài ra, ông Đạo còn mua lại cổ phần và thành lập thêm nhiều công ty. Bị can Đạo đã sử dụng pháp nhân của các công ty nêu trên để kinh doanh xăng dầu; nguồn cung cấp chủ yếu từ Tổng Công ty Thương mại kỹ thuật và đầu tư - Công ty cổ phần (PETEC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Lợi dụng chủ trương của PETEC giao cho các chi nhánh tự tìm kiếm khách hàng để ký hợp đồng đại lý bán xăng dầu với hình thức trả chậm có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng, từ cuối năm 2011 đến tháng 4/2012, bị can Đạo yêu cầu nhân viên dưới quyền ký giả chữ ký của giám đốc ngân hàng, sau đó dùng kỹ thuật máy tính scan mẫu dấu và dấu tên của giám đốc để tạo thành một bản chứng thư hoàn chỉnh.
Một thủ đoạn khác là lập khống hồ sơ mua bán hàng hóa, dùng tài sản thế chấp nhiều nơi để vay vốn, chiếm đoạt tài sản như
vụ Phạm Văn Thụ
, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp, thương mại Thái Sơn, Hải Phòng cùng đồng bọn lập khống hồ sơ mua bán hàng hóa, dùng tài sản thế chấp nhiều nơi. Bằng thủ đoạn này, Thụ và một số đối tượng liên quan đã vay của 17 tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, gây thất thoát tới 1.500 tỉ đồng...
Thủ đoạn khác là do nhu cầu về vốn, nhiều ngân hàng thương mại huy động vốn ngầm với lãi suất cao hơn so lãi suất quy định của Ngân hàng Nhà nước, từ đó mở sổ sách riêng để hạch toán, chi thưởng cho người gửi với các kiểu hoa hồng khác nhau. Điều này đã làm tăng nguy cơ cán bộ ngân hàng chạy cửa hậu, cố ý làm trái, cho vay ngoài hồ sơ. Nhiều vụ cho vay không thể thu hồi, gây nợ xấu. Trong năm 2012, lợi dụng sơ hở trong Luật Tổ chức tín dụng, nhiều nhà đầu tư mua cổ phiếu hoặc góp vốn sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng, cố ý làm trái, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Điểm nhấn trong việc xử lý các hành vi sai phạm này là cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố
Nguyễn Đức Kiên, nguyên Chủ tịch HĐQT của 3 công ty đã có hành vi kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái các quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Qua việc điều tra các vụ án trong lĩnh vực này, lực lượng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV cho rằng, có 5 thủ đoạn chiếm đoạt tài sản điển hình là: tham ô (5 thủ đoạn); lừa đảo (12 thủ đoạn); thiếu tinh thần trách nhiệm (4 thủ đoạn); nhận hối lộ (4 thủ đoạn)...
Trong khi đó, các hành vi vi phạm về mua bán trái phép ngoại tệ diễn ra phức tạp. CQĐT phát hiện, bắt giữ nhiều vụ mua bán trái phép ngoại tệ, điển hình như vụ bắt quả tang 3 đối tượng mua bán trái phép ngoại tệ tại Phòng Giao dịch Xích Long, TP Hồ Chí Minh, thu giữ 500 nghìn đô la Mỹ và hơn 10 tỉ đồng. Công an Nghệ An bắt giữ 3 đối tượng mua bán trái phép hơn 12 nghìn USD, 450 euro và hơn 9 triệu kíp Lào...
Về tội phạm chứng khoán, do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế đã có nhiều công ty chứng khoán làm ăn thua lỗ, có dấu hiệu đổ vỡ tài chính, nợ xấu tăng cao. Năm 2012, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành 67 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân với tổng tiền phạt hơn 3,9 tỉ đồng. Vi phạm chủ yếu là: vi phạm các quy định về công ty đại chúng, chào bán chứng khoán ra công chúng...
Đăng Minh
Công an nhân dân
|