Lời kêu cứu của một doanh nhân nước ngoài:
Chưa góp vốn đã đòi… quyền lợi?
Trong đơn kêu cứu khẩn cấp ngày 17-12-2012 bà Wang Juo Hsuan gửi Chính phủ, các Bộ, ngành vấn đề chính nằm ở chỗ việc chuyển đổi Cty liên doanh thành Cty CP Lothamilk và thêm thành viên mới là Dofico đại diện 22% cổ phần.
Thời gian gần đây, bà Wang Juo Hsuan, người Đài Loan, TGĐ Cty CP Lothamilk, đại diện vốn nước ngoài (nguyên là Cty LD TNHH Bò sữa Đồng Nai) đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị, kêu cứu khẩn cấp lên các cơ quan chức năng về việc TCty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) với sự đồng tình, hậu thuẫn của một số cơ quan tại Đồng Nai đã gấp rút tiến hành hàng loạt “biện pháp” nhằm “chiếm đoạt” Cty Lothamilk.
Có một “cuộc chiến” đang diễn ra tại Cty CP Lothamilk?
|
Chiêu bài “gửi chân”
Tháng 8-1997, UBND tỉnh Đồng Nai chính thức cho phép Xí nghiệp bò sữa An Phước, trụ sở tại xã Tam Phước, huyện Long Thành và Cty Great Water International Corporation Limited (Đài Loan) thành lập liên doanh để đầu tư phát triển chăn nuôi bò sữa, chế biến thức ăn gia súc, sản xuất các sản phẩm từ sữa bò, xây dựng khu trưng bày giới thiệu sản phẩm của liên doanh, hỗ trợ nhân dân và các tổ chức kinh tế Việt Nam phát triển đàn bò sữa và hoạt động kinh doanh.
Theo đó, phía Việt Nam góp 30% vốn pháp định bằng giá trị quyền sử dụng đất trong 35 năm kể từ ngày được cấp phép đầu tư và phía bên nước ngoài 70% vốn pháp định. Mọi chuyện êm xuôi và chỉ phát sinh mâu thuẫn kể từ năm 2008 khi có sự kết nạp thành viên thứ ba là Dofico. Ngày 30-6-2008, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cấp giấy chứng nhận đầu tư mới số 471033000125 để chuyển đổi từ liên doanh sang cổ phần của Lothamilk. Trong đơn kêu cứu khẩn cấp ngày 17-12-2012 bà Wang Juo Hsuan gửi Chính phủ, các Bộ, ngành vấn đề chính nằm ở chỗ việc chuyển đổi Cty liên doanh thành Cty CP Lothamilk và thêm thành viên mới là Dofico đại diện 22% cổ phần.
Ngay từ đầu, do quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai và việc kết nạp thành viên mới, cho rằng có nhiều điểm khuất tất nên phía đối tác nước ngoài đã khiếu nại với UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương. Trong khi các cơ quan đang giải quyết thì ngày 1-11-2012, Dofico dùng tư cách đại diện 22% cổ phần tại Lothamilk đã có đơn kiện và đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với Lothamilk và cá nhân bà Wang Juo Hsuan.
Theo trình bày của bà Wang Juo Hsuan, tuy trong đơn kiện là đại diện 22% cổ phần trong Lothamilk nhưng trên thực tế Dofico chưa hề đầu tư vốn vào Lothamilk. Về lý do vì sao Cty phía Đài Loan chuyển vốn từ 70% xuống 48%, tại buổi làm việc với Thanh tra Chính phủ ngày 19-4-2012, bà Wang Juo Hsuan cho biết: “Do bà Hồng (Nguyễn Thị Lệ Hồng, TGĐ Dofico) nói là khu đất của Cty bị giải tỏa làm khu hành chính, 24 ha còn lại, bà Hồng sẽ làm quy hoạch xây biệt thự, nhà cao tầng. Bà Hồng yêu cầu chuyển phía đối tác Việt Nam 22% vốn này để bà lo quy hoạch và xây dựng hoàn chỉnh biệt thự, nhà cao tầng theo quy hoạch”.
Liên quan đến số cổ phần 22% được cho là của Dofico, tại văn bản số 557/VKSTC-V7 gửi Văn phòng Chính phủ ngày 10-10-2012, VKS Tối cao đã khẳng định: “Việc kết nạp thành viên mới là Dofico góp 22% vốn, tương đương số tiền 431.232 USD và đã được UBND tỉnh Đồng Nai cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng trên thực tế lại không góp vốn đúng như cam kết, vi phạm Điều 6 Nghị định 101/2006/NĐ-CP ngày 21-9-2006 của Chính Phủ”. Như vậy, cho đến thời điểm hiện tại, Dofico chưa thể là cổ đông hợp pháp của Lothamilk nhưng đã vội vàng đi đòi quyền lợi?
“Phớt lờ” chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ?
Khi những rắc rối về việc giải quyết 22% cổ phần chưa được làm rõ nhưng ngay sau khi có đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Dofico, ngày 14-11-2012 TAND tỉnh Đồng Nai đã liên tiếp ra hai QĐ số 69 và 70/QĐ-BPKCTT tạm hoãn xuất nhập cảnh đối với bà Wang Juo Hsuan và cấm bà quản lý, sử dụng, rút tiền từ các tài khoản giao dịch của Lothamilk; cấm chuyển nhượng, chuyển dịch tài sản cố định của Lothamilk; cấm sử dụng con dấu Lothamlik và buộc bà giao con dấu cho HĐQT mới của Lothamlik.
Tiếp đó, ngày 15-11-2012 Cục THA Dân sự Đồng Nai cũng ra hai QĐ số 01 và 02/QĐ-CTHA về cưỡng chế buộc thực hiện công việc và thi hành QĐ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo QĐ của TAND tỉnh Đồng Nai. Chưa dừng ở đó, ngày 22-11-2012 UBND tỉnh Đồng Nai đã chủ trì làm việc với các sở, ngành như TAND tỉnh, VKS ND tỉnh, Cục THA, CA tỉnh, Sở KH&ĐT, Liên đoàn lao động tỉnh, Dofico và Thành viên HĐQT Lothamilk và rằng việc ra QĐ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND tỉnh là phù hợp, đúng quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các cổ đông, người lao động (?).
Cùng với đó là đề nghị Cục THA dân sự tỉnh Đồng Nai thực hiện các QĐ 01/QĐ-CTHA ngày 15-11-2012 và kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh trong tháng 11-2012. Đồng thời yêu cầu Dofico khẩn trương tiến hành tổ chức họp HĐQT theo đúng quy định của pháp luật và điều lệ hoạt động của Cty để thông qua nghị quyết tạm thời, xác định người đại diện hợp pháp của Cty là Chủ tịch HĐQT chịu trách nhiệm điều hành…Trường hợp bà Wang Juo Hsuan vẫn còn gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của Cty, giao CA tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND TP Biên Hòa cử lực lượng hỗ trợ HĐQT Cty Lothamilk tiến hành tiếp quản và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngày 27-11-2012 Văn phòng Chính phủ đã chính thức có công văn số 9641/VPCP-V1, thực hiện ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, “Giao Thanh tra Chính phủ chủ trì kết hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh Đồng Nai kiểm tra hồ sơ và quá trình chuyển đổi từ Cty liên doanh Lothamilk sang Cty CP Lothamilk, làm rõ nội dung khiếu nại của bà Wang Juo Hsuan để có biện pháp giải quyết theo đúng quy định pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháng 1 năm 2013”. Thế nhưng, ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã bị “phớt lờ” khi ngày 3-12-2012 Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH CA tỉnh Đồng Nai đã có thông báo về việc con dấu không còn giá trị của Lothamilk?
Minh Quang
Pháp Luật Xã Hội
|