Ngân hàng đang có những đợt cắt giảm nhân sự mạnh
"Chúng ta tiếp tục chứng kiến các đợt cắt giảm nhân sự trong ngành ngân hàng lần thứ hai, thứ ba và thậm chí lần thứ tư".
Trao đổi với ĐTCK, ông Hubert Knapp, Giám đốc Dịch vụ Tài chính - Ngân hàng, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam nhận định, hoạt động kinh doanh ngân hàng trên toàn thế giới sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2013 và hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Để vượt qua khó khăn, ngành ngân hàng Việt Nam cần đẩy mạnh tái cấu trúc hệ thống.
Nhận định của ông về hoạt động của hệ thống ngân hàng trong năm 2013?
Ngành ngân hàng vẫn tiếp tục đối mặt với những khó khăn trong môi trường kinh tế đầy biến động và rủi ro. Đây sẽ là năm thứ năm liên tiếp, tình hình kinh doanh của ngành ngân hàng đứng trước nhiều biến động và thử thách khó lường. Chúng ta tiếp tục chứng kiến các đợt cắt giảm nhân sự trong ngành ngân hàng lần thứ hai, thứ ba và thậm chí lần thứ tư.
Các ngân hàng sẽ quan tâm nhiều hơn việc xây dựng các hạt giống lãnh đạo trong tương lai và đây được coi sẽ là một trong những chiến lược nhân sự quan trọng cho năm 2013 và các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, trong khi nhiều ngân hàng phải đối mặt với nguy cơ bị sáp nhập, mua lại do hoạt động kém hiệu quả, thì điều này lại mở ra nhiều cơ hội cho các ngân hàng khác thực hiện phân chia lại thị phần, thực hiện đổi mới, tái cấu trúc nhằm xác định hướng đi đúng đắn, thích ứng với thị trường mới.
Cụ thể của hướng đi mới ra sao, thưa ông?
Hệ thống ngân hàng tại các thị trường mới nổi sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực do tốc độ phát triển quá nóng trong thời gian trước đây, trong khi điều kiện cơ sở hạ tầng, trình độ quản trị rủi ro, quản trị doanh nghiệp còn chưa theo kịp. Trong khi phải nhanh chóng thực hiện tái cơ cấu hoạt động liên quan đến quản trị rủi ro hoạt động, rủi ro tín dụng, hệ thống công nghệ, cơ cấu lại bộ máy nhân sự thì các ngân hàng này cũng đứng trước thách thức mở rộng quy mô hoạt động, giữ vững thị trường.
Để có thể cạnh tranh, các ngân hàng cần phải mở rộng những dịch vụ và phát triển các sản phẩm mới, tạo ra nhiều nguồn thu nhập, tránh lệ thuộc quá nhiều vào lợi nhuận từ chênh lệch lãi suất cho vay. Điều này đặc biệt quan trọng khi lãi suất tiếp tục có xu hướng giảm và giải pháp kiềm chế lạm phát là xu hướng lâu dài của chính phủ các nước này.
Trong khi đó, các ngân hàng ở nước phát triển sẽ tiếp tục phải tinh giản hoạt động ở các thị trường nước ngoài và rút về thị trường nội địa, đồng thời đưa ra giải pháp mới, sản phẩm mới cho các khách hàng DN. Một điều nghịch lý là trong khi DN ở các nước phát triển đang tìm cách mở rộng hoạt động đến những thị trường tăng trưởng nhanh thì các ngân hàng của họ lại loay hoay tìm cách cắt giảm hoạt động toàn cầu. Để có thể giữ chân các DN khách hàng của mình, các ngân hàng châu Âu sẽ cần phải đưa ra một giải pháp bền vững hơn.
Theo ông, nguy cơ tiềm ẩn cho hệ thống ngân hàng sẽ là gì?
Áp lực lên hệ thống công nghệ thông tin ngày càng lớn, khi hệ thống hiện tại đã lạc hậu sau nhiều năm không được đầu tư phát triển thích đáng. An ninh mạng là một mối đe dọa ngày càng tăng, đặc biệt là trong bối cảnh các hệ thống đã lỗi thời và yêu cầu lưu trữ dữ liệu đang phát triển theo cấp số nhân.
Các hệ thống yếu kém khi xảy ra lỗi sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngân hàng, vì vậy, các ngân hàng đang rất nỗ lực cập nhật và cải thiện hệ thống. Trong quá trình thiết kế lại hệ thống này, các ngân hàng không nên chỉ xem đây là thách thức, mà còn là cơ hội để phân nhỏ kho dữ liệu và sắp xếp lại một cách khoa học và có hệ thống.
Ông có khuyến nghị gì đối với hệ thống ngân hàng Việt
Nam
?
Tái cấu trúc đang là yêu cầu cấp bách đối với mọi ngân hàng Việt
Nam
hiện nay. Việc tái cấu trúc này cần giải quyết được vấn đề giảm chi phí trong khi vẫn đảm bảo được hiệu suất cao. Bên cạnh đó, nỗ lực để tái cơ cấu và lấy lại niềm tin của thị trường và giới đầu tư cần phải có kế hoạch phù hợp và có sự thống nhất về phương thức hành động và cách thức triển khai.
Các ngân hàng cần đưa ra thêm nhiều sáng kiến đổi mới, nhằm lấy lại thiện cảm cũng như đáp ứng được những mong đợi và yêu cầu của khách hàng. Tính hiệu quả và năng suất cao hơn dự tính sẽ là kết quả của việc thực hiện tốt công tác quản lý rủi ro nhằm hạn chế hết mức có thể những thất thoát…
Hồng Dung thực hiện
Đầu tư chứng khoán
|